Trường học tìm cách đổi mới dạy và học môn Lịch sử
Từ làm dự án nhỏ tới hóa thân vào các nhân vật, cách dạy và học môn Lịch sử đang được nhiều trường học linh động thay đổi để có sức hút và gần gũi hơn với học sinh.
Trước những luồng dư luận khác nhau về việc môn Lịch sử ở bậc THPT là môn tự chọn thay vì bắt buộc, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu các cơ quan sau khi tiếp thu ý kiến, cần có giải pháp kịp thời, vừa đảm bảo chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; vừa phù hợp với thực tiễn, đáp ứng mong muốn của người dân, chuyên gia. Thủ tướng cũng yêu cầu cần nâng cao hơn nữa chất lượng giảng dạy, học tập môn Lịch sử.
Thời gian qua, nhiều nhà trường cũng đã nỗ lực để môn Lịch sử trở nên hấp dẫn, thu hút học sinh hơn.
Hóa thân vào các nhân vật nổi bật theo đúng giai đoạn lịch sử theo chương trình đã học, hình thức tổng kết môn học này thực sự thu hút được sự ham thích và đầu tư tâm sức của học sinh.
Mỗi năm tổ chức 1 lần, cứ thế, tiến trình lịch sử Việt Nam được học sinh cùng nhau kể lại, cùng nhau trải nghiệm và khắc ghi. Tiếp cận lịch sử với tư cách là môn khoa học, cả thầy và trò đều xác định triết lý của môn học trong mối liên hệ với thực tế cuộc sống.
Thực hiện chủ trương đổi mới phương pháp dạy lịch sử, nhiều nhà trường đã sáng tạo trong thiết kế giáo án. Xóa bỏ "công thức hóa" câu chuyện lịch sử với việc trình bày diễn biến, dữ kiện dày đặc, giáo viên tìm cách để học sinh hiểu bản chất sự kiện. Bằng cách thay đổi giờ học thông thường thành Hội chợ du lịch giả định, những kiến thức lịch sử trong chương trình đã được các em tìm hiểu thấu đáo để soạn thảo ra các bộ tài liệu hướng dẫn du khách hấp dẫn và thuyết phục.
Ghi nhận tại những trường học có sự quan tâm, đặt đúng vị trí, đầu tư đúng, môn Lịch sử vẫn đang có sức hút đặc biệt với các em học sinh.
Nỗ lực đổi mới phương pháp dạy môn Lịch sử nhưng theo các nhà trường hoạt động này chỉ có hiệu quả cao nhất khi cách thức kiểm tra, đánh giá môn học cũng phải thay đổi. Bởi lẽ, hình thức thi cử hiện nay vẫn đang là rào cản khiến nhiều trường học, giáo viên ngại đổi mới.