Trường học Hà Nội nỗ lực đạt chuẩn quốc gia trong bối cảnh dịch bệnh
Tính đến đầu tháng 3/2022, toàn thành phố Hà Nội có 1.802 trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ 64,3%.
Dạy và học trực tuyến từ giải pháp tình thế đã dần được trường THPT Khoa học giáo dục (thuộc trường Đại học Giáo dục, ĐHQG Hà Nội) chuẩn hoá. Năm học trước dù diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh nhưng 100% học sinh đều trúng tuyển đại học, cao đẳng, trong đó có hơn 40% các em được tuyển thẳng.
Cô giáo Nguyễn Phương Hoa, Trường THPT Khoa học giáo dục cho biết: ''Dù học trực tiếp hay online phải đạt được hiệu quả, nhà trường luôn thay đổi phương pháp để thích ứng với các điều kiện từ học cho đến thi đảm bảo thực chất, kết quả''.
Vượt khó vươn lên, đội ngũ cán bộ giáo viên của nhà trường cũng từng bước được kiện toàn. Hiện tất cả giáo viên đều đạt chuẩn và trên chuẩn, trong đó có hơn 70% số giáo viên có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ.
Với những trường mới thành lập như trường THPT Khoa học giáo dục thì xây dựng đội ngũ là tiêu chí đánh giá có tính thách thức, còn tại các trường ngoại thành, việc đảm bảo cơ sở vật chất lại là yêu cầu khó khăn. Tận dụng khoảng thời gian học sinh tạm dừng đến trường, tập thể cán bộ giáo viên trường Tiểu học Mỹ Hưng (huyện Thanh Oai) đã dồn sức để hoàn thiện không gian trường lớp.
''Khi trường, lớp cơ sở vật chất khang trang thì phụ huynh yên tâm đưa con tới trường, cô Bùi Thị Lý, Hiệu trưởng trường Tiểu học Mỹ Hưng cho biết.
Quá trình phấn đấu trở thành trường chuẩn quốc gia đã đem đến sự đổi thay từ diện mạo bên ngoài đến chất lượng bên trong của các nhà trường. Đội ngũ giáo viên, cảnh quan trường lớp ngày càng hoàn thiện đã tác động tích cực đến các hoạt động giáo dục toàn diện.
Phong trào xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia được Bộ GD-ĐT phát động từ năm 1996. Tiếp tục hưởng ứng hoạt động này, ngành giáo dục Hà Nội đang đặt ra mục tiêu có 100% trường THPT đạt chuẩn vào năm 2025.