Trước thềm ĐHĐCĐ 2023, MSB đặt mục tiêu lợi nhuận 6.300 tỷ đồng
MSB cho biết sẽ trình Đại hội đồng cổ đông phương án sáp nhập thêm ngân hàng khác để tăng thị phần, tận dụng quan hệ khách hàng để nâng cao năng lực cạnh tranh.
Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (HoSE: MSB) vừa công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông vào ngày 21/4, qua đó trình phê duyệt nhiều kế hoạch quan trọng.
Về kết quả kinh doanh, kết thúc năm 2022, tổng tài sản của MSB đạt 212.776 tỷ đồng. Tiền gửi huy động từ khách hàng ghi nhận trên 117.000 tỷ đồng, tăng khoảng 24% so với 2021. Cho vay khách hàng đạt hơn 120.600 tỷ đồng, tăng trưởng gần 19% so với năm trước.
Tăng trưởng tín dụng đạt 16,35% theo đúng chỉ tiêu của Ngân hàng Nhà nước cấp, với danh mục tín dụng được chuyển dịch linh hoạt nhằm giảm thiểu rủi ro và tăng hiệu quả sử dụng.
Năm 2022 cũng ghi nhận nhiều đợt tăng mạnh lãi suất huy động. Dựa trên cơ chế huy động tiền gửi linh hoạt kết hợp với các sản phẩm đa dạng, thuận ích và nhiều giá trị gia tăng, số dư tiền gửi không kỳ hạn tại ngân hàng tiếp tục tăng trưởng trong năm 2022.
Tỉ lệ tiền gửi không kỳ hạn theo đó đạt 31,16% tại thời điểm 31/12/2022, trung bình năm đạt 36%, nằm trong nhóm cao nhất thị trường.
Tổng thu nhập hoạt động (TOI) của ngân hàng đạt gần 10.700 tỷ đồng, trong đó ghi nhận tăng trưởng tốt từ hoạt động kinh doanh ngoại hối. Lãi thuần mảng này tăng 2,6 lần so với năm 2021, đạt trên 1.000 tỷ đồng.
Thu nhập lãi thuần đạt hơn 8.300 tỷ đồng, tăng 34% so với năm trước với biên lãi thuần đạt mức hiệu quả so với mặt bằng chung thị trường, ở mức 4,5%.
Kết thúc năm tài chính, lợi nhuận trước thuế của MSB đạt hơn 5.787 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 14% so với năm 2021. Mức lợi nhuận này đạt 85% kế hoạch năm, do kế hoạch bán FCCOM bị ảnh hưởng trực tiếp từ bối cảnh thị trường biến động. Những yếu tố bất lợi này đã tác động đến quá trình thương lượng thương vụ.
Dựa trên đánh giá tổng thể tình hình và để đảm bảo lợi ích cao nhất, MSB sẽ tiếp tục triển khai kế hoạch này khi điều kiện thị trường thuận lợi hơn trong năm 2023-2024.
Với tình hình thị trường có nhiều biến động, ảnh hưởng từ xu thế lãi suất và yêu cầu nâng cao công tác quản trị rủi ro từ cơ quan quản lý, ngân hàng sẽ trình ĐHĐCĐ giữ vốn chủ sở hữu và vốn điều lệ như hiện tại để tạo nguồn lực cho hoạt động kinh doanh. Kế hoạch này cũng phù hợp với tiềm lực hiện tại của MSB khi có bộ đệm vốn hiệu quả sau 2 năm liên tiếp chia cổ tức và phát hành cổ phiếu thưởng với tỉ lệ 30%.
Đặc biệt, với định hướng chiến lược về phát triển số hóa, đây sẽ là động lực để MSB có thể đầu tư nghiêm túc và mạnh mẽ hơn cho các dự án công nghệ, hướng tới mục tiêu tối ưu hóa chi phí và nâng cao lợi nhuận trong tương lai.
Về các chỉ tiêu an toàn, ngân hàng ghi nhận tỉ lệ dư nợ trên huy động (LDR riêng lẻ) đạt mức 68,77% (so với giới hạn 85%) và tỉ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của mảng ngân hàng được kiểm soát ở mức 23,57% (so với yêu cầu 37%).
Tỉ lệ an toàn vốn (CAR) hợp nhất theo thông tư 41 đạt 12,33%. Tỉ lệ nợ xấu (NPL mảng ngân hàng) theo thông tư 11/NHNN đang ở mức 1,21%.
Bước sang năm 2023, MSB đặt ra kế hoạch kinh doanh thận trọng với tổng tài sản 230.000 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế 6.300 tỷ đồng; dư nợ tín dụng dự kiến 141.700 tỷ đồng, tùy theo tỉ lệ tăng trưởng tín dụng được NHNN cấp theo chính sách điều hành từng thời kỳ; nợ xấu duy trì dưới 3% theo quy định.
Chia sẻ về kế hoạch này, đại diện ngân hàng cho biết: “Đánh giá 2023 vẫn là năm khó khăn với nền kinh tế, kịch bản tích cực còn khá dè dặt, MSB đặt mục tiêu ưu tiên là phát triển bền vững, tập trung công tác quản trị vững mạnh, tiếp tục gia tăng hàm lượng số hóa trong sản phẩm – dịch vụ, giữ vững vị thế là ngân hàng thấu hiểu khách hàng và hoạt động hiệu quả tại Việt Nam”.
Cũng tại Đại hội, MSB sẽ trình Đại hội đồng cổ đông phương án sáp nhập thêm một ngân hàng. Nếu M&A thành công, 2 bên có thể khai thác được những lợi thế của nhau, tăng thị phần, tận dụng quan hệ khách hàng, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo ra cơ hội kinh doanh mới.
“Dựa trên kinh nghiệm sáp nhập trước đây với MDB, hi vọng kế hoạch này sẽ nhận được sự đồng thuận từ Đại hội đồng cổ đông, mở ra tương lai mới cho ngân hàng. Sáp nhập không đơn thuần là phép cộng giá trị, với kế hoạch được nghiên cứu kĩ càng để tận dụng tối đa lợi thế, giá trị MSB sau đây sẽ lớn hơn, chất lượng hơn phép cộng số học đó” – đại diện MSB chia sẻ .