Trước sức ép của Bitis, Nike, Adidas, Giày Thượng Đình lỗ 5 năm liên tiếp, đất vàng 3,6ha trên đường Nguyễn Trãi chưa mang lại giá trị

Chia sẻ Facebook
03/06/2022 17:37:14

Tại thời điểm 31/12/2021, số dư nợ ngắn hạn đã vượt quá tài sản ngắn hạn. Điều này cho thấy sự mất cân đối về khả năng thanh toán nợ ngắn hạn của Giày Thượng Đình, theo đó ảnh hưởng đến tính hoạt động liên tục trong tương lai.

Xét về hành trình lịch sử, hiếm có thương hiệu nào có thể bám sâu vào tâm trí người tiêu dùng Việt như Giày Thượng Đình. Hình ảnh đôi giày bata trắng đơn giản với họa tiết ba sọc xanh lam cùng phần đế cao su dẻo rất được ưa chuộng bởi tính bền, hữu dụng và phù hợp với nhiều đối tượng, nhiều lứa tuổi khác nhau.

Tuy nhiên, kể từ khi cổ phần hoá, thương hiệu vang bóng một thời có trụ sở tại Quận Thanh Xuân, Hà Nội lại có kết quả kinh doanh bết bát.

Mới đây, Giày Thượng Đình cũng vừa công bố báo cáo tài chính năm 2021 với mức lỗ giảm gần 17,7 lần so với năm 2020 khi lợi nhuận trước thuế chỉ 4 triệu đồng. Trong khi đó, doanh thu lại có chút nhỉnh hơn so với năm 2020, đạt 108,7 tỷ đồng.

Đây là năm thứ 5 liên tiếp Giày Thượng Đình ghi nhận kết quả kinh doanh thua lỗ. Lỗ luỹ kế tại thời điểm 31/12/2021 của Giày Thượng Đình lên tới 49,4 tỷ, chiếm hơn một nửa vốn điều lệ (93 tỷ).

Đáng chú ý, nợ phải trả của Giày Thượng Đình gần như không xê dịch với gần 65 tỷ đồng.


Bi kịch nằm trên đất vàng Nguyễn Trãi

Được thành lập từ năm 1957, Giày Thượng Đình tiền thân là xưởng X30 thuộc Cục quân khu – Tổng cục Hậu cần, chuyên sản xuất mũ cứng và dép cao su phục vụ quân đội. Năm 1993, cái tên Giày Thượng Đình chính thức được áp dụng và trở thành một thương hiệu khó quên của nhiều thế hệ người tiêu dùng Việt.

Năm 2015, Giày Thượng Đình quyết định IPO trên sàn HNX và chuyển sang thành CTCP vào năm 2016. Uỷ ban nhân dân TP.Hà Nội hiện vẫn đang nắm giữ 68,67% công ty. Từ thời điểm cổ phần hoá đến nay công ty không tăng vốn điều lệ.

Trải qua hơn 60 năm, Giày Thượng Đình hiện nay có thị trường xuất khẩu sang các nước EU, Châu Úc và một số nước Châu Á. Tuy nhiên, 5 năm qua, làn sóng hàng hiệu như Adidas, Puma, Nike,...đổ bộ Việt Nam, dấy lên cuộc tranh khốc liệt giữa các thương hiệu giày dép ngoại và hàng nội địa, khiên giày Giày Thượng Đình gần như bị lép vế hoàn toàn.

Thậm chí, dù lâu năm trên thị trường nhưng Biti's cũng phải "thay áo" sản phẩm, chi hàng trăm tỷ đồng thực hiện các chiến lược nhận diện thương hiệu, thay đổi hình ảnh phù hợp với xu hướng.

Song, hầu như những sản phẩm của Giày Thượng Đình không có nhiều thay đổi về mẫu mã. Hình ảnh của Giày Thượng Đình trong mắt người tiêu dùng vẫn là những đôi giày thể thao giá rẻ khoảng 100.000 đồng và được gán mác là "giày bảo hộ lao động". Chính điểm yếu này đã khiến hãng giày vang bóng một thời phải hụt hơi trong cuộc đua giành giật thị phần.

Chỗ dựa duy nhất của Giày Thượng Đình hiện nay có lẽ chỉ nhờ vào "quỹ đất vàng" của công ty, nằm tại những vị trí đắc địa nhất của Hà Nội như sở hữu khu đất có diện tích 36.105 m2 tại số 277 Nguyễn Trãi, Hà Nội, khu đất 17.587m2 tại Khu công nghiệp Đồng Văn, Hà Nam, khu đất 18.403m2 tại khu công nghiệp Đồng Văn, xã Duy Minh, Hà Nam, thời hạn thuê đến 2054…Các khu đất thuê tại phố trung tâm Tôn Đức Thắng, quận Đống Đa, Hà Nội và Hạ Đình, Thanh Xuân.

Công ty cho biết việc sản xuất kinh doanh ở 277 Nguyễn Trãi, Hà Nội không hiệu quả, kém lợi thế. Chi phí bình quân bị tăng do chi phí cố định như khấu hao, thuê đất…hầu như không thay đổi trong khi sản lượng giảm sút từ đó dẫn đến kết quả sản xuất kinh doanh bị lỗ vốn trong năm 2020.

Theo quyết định số 908 của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 29/6/2020, UBND TP. Hà Nội sẽ phải thực hiện thoái vốn nhà nước tại 28 doanh nghiệp, hạn chót đến hết năm 2020. Theo đó, Uỷ ban Nhân dân TP. Hà Nội buộc phải thoái toàn bộ 68,67% vốn tại Công ty cổ phần Giày Thượng Đình (UPCoM: GTD) trước ngày 31/12/2020, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại việc thoái vốn vẫn chưa hoàn tất.


Theo Nhuận Hoa

Nhịp Sống Kinh tế

Chia sẻ Facebook