Trước ngày rời sàn HoSE, cổ phiếu "họ FLC" nổi sóng
Cổ phiếu FLC kết thúc những năm tháng thăng trầm trên sàn chứng khoán bằng một phiên đảo chiều từ mức giảm cận sàn thành tăng kịch trần, lên 3.570 đồng.
Trong ngày giao dịch cuối cùng tại Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HoSE), cổ phiếu FLC của FLC Group bất ngờ xuất hiện một lực mua lớn để nhanh chóng đẩy lên mức giá trần 3.570 đồng/cổ phiếu với thanh khoản cao.
Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 18,4 triệu cổ phiếu. Đây là phiên tăng điểm trở lại sau chuỗi lao dốc không phanh vì thông tin tiêu cực liên quan đến giao dịch cổ phiếu.
Trước đó HoSE đã ra thông báo chuyển cổ phiếu FLC từ diện hạn chế giao dịch sang đình chỉ giao dịch từ ngày 9/9 do vi phạm quy định về công bố thông tin. Như vậy mã chứng khoán này sẽ tạm thời chấm dứt hơn một thập kỷ giao dịch trên sàn chứng khoán.
Cơ quan này cho biết FLC vẫn chưa tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên dù đã quá 6 tháng kể từ thời điểm kết thúc năm tài chính năm 2021; chưa công bố báo cáo kiểm toán 2021 và chưa chọn đơn vị kiểm toán báo cáo tài chính năm nay.
Tương tự, cổ phiếu HAI của CTCP Nông dược HAI cũng nhận thông báo về khả năng đình chỉ giao dịch kể từ ngày mai (9/9). HAI chốt phiên tại giá 1.580 đồng/cổ phiếu, cắt đứt chuỗi giảm sâu ba phiên trước đó song vẫn là mức thấp. Còn cổ phiếu ROS của FLC Faros đã bị ngừng giao dịch kể từ 12/8.
Tại họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 6/9, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cũng cho rằng, các cổ phiếu này chỉ được giao dịch trở lại khi khắc phục được vi phạm và có nguyện vọng.
Theo ông Nguyễn Đức Chi, các cổ đông, nhà đầu tư của những doanh nghiệp này cần có ý kiến, có quyết sách ở đại hội cổ đông, yêu cầu ban điều hành doanh nghiệp thực hiện khắc phục những thiếu sót, vi phạm sớm nhất để đưa những cổ phiếu này được niêm yết và giao dịch trở lại trên thị trường chứng khoán. Khi đó, quyền lợi của các cổ đông, các nhà đầu tư sẽ trở lại và được bảo đảm.
Tổng khối lượng khớp của 5 mã trong "họ FLC" gồm FLC, HAI, ART, AMD và KLF đạt khoảng 34 triệu cổ phiếu và vẫn còn lượng dư mua giá lớn hơn 10 triệu đơn vị khác.
Đà tăng của những cổ phiếu "họ FLC" ngược dòng với diễn biến thị trường chứng khoán hôm nay. VN-Index có phiên giảm thứ hai liên tiếp, mất gần 9 điểm về dưới vùng 1.235 điểm.
Cụ thể, kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 8,57 điểm, tương ứng 0,69% xuống 1.234,6 điểm. Toàn sàn có 151 mã tăng, 317 mã giảm và 70 mã đứng giá. HNX-Index giảm 1,9 điểm, tương ứng 0,67% xuống 282,15 điểm. Toàn sàn có 73 mã tăng, 115 mã giảm và 49 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 0,07 điểm, tương ứng 0,08% xuống 90,31 điểm. Số mã giảm áp đảo thị trường. Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn VN30 cũng có tới 18 mã giảm giá.
Nhiều cổ phiếu ngân hàng nằm trong top những mã tác động tiêu cực tới thị trường. Trong đó nổi bật là BID, VCB, CTG, VIB, VPB, SHB... Cổ phiếu ngân hàng có duy nhất 2 mã kết phiên trong sắc xanh là EIB và KLB, còn lại đều ở dưới tham chiếu.
Ngoài ra, HVN của Vietnam Airlines sau khi bị HoSE ra thông báo cảnh cáo về khả năng hủy niêm yết cũng giảm sàn. HVN và các mã ngân hàng những là các nhân tố đã làm thị trường giảm điểm mạnh.
Vẫn có nhiều mã tăng điểm và kìm đà rơi của thị trường song tác động không đủ mạnh nên thị trường vẫn biến động trong tiêu cực. Một số mã được coi là điểm sáng của phiên giao dịch hôm nay là MSN, SAB, NVL, VIC, DGC, VJC...
Tổng giá trị khớp lệnh đạt 14.880 tỷ đồng, giảm 32% so với phiên trước, trong đó, giá trị khớp lệnh sàn HoSE giảm 32,4% và đạt 12.723 tỷ đồng. Nhóm VN30 được sang tay 5.100 tỷ đồng.
Khối ngoại sau 7 phiên bán ròng liên tiếp đã quay lại mua ròng 74 tỷ đồng trên HoSE. Mã được mua mạnh nhất là HPG 100 tỷ đồng, DGC 56 tỷ đồng, NLG 26 tỷ đồng… Ngược lại các mã bị bán nhiều trong phiên là SSI, STB, CTG .