Trước Lý Nhã Kỳ, từng có loạt phim Việt "đăng đàn cầu cứu" vì cảnh ế khách: Số 3 thế nào mà bị chê bai?
Việc các ekip phim Việt đăng đàn cầu cứu khán giả, cụm rạp khi doanh thu kém cỏi là chuyện không hiếm gặp.
Gần đây, bộ phim với vốn đầu tư khủng của Lý Nhã Kỳ , Kẻ Thứ Ba , đã ra rạp và chứng kiến cảnh thất thu vì suất chiếu ít ỏi. Trước tình trạng này, Lý Nhã Kỳ đã đăng tải tâm thư mong mỏi các cụm rạp tăng suất chiếu cho phim.
Thực tế trước Lý Nhã Kỳ, cũng từng có trường hợp các nhà sản xuất phim đăng đàn "cầu cứu" mong mỏi khán giả quan tâm và các cụm rạp ưu ái hơn cho bộ phim của mình.
1. Ngốc Ơi Tuổi 17
Ngốc Ơi Tuổi 17 là bộ phim đến từ nhà sản xuất Dung Bình Dương. Giữa thời điểm bộ phim đang trình chiếu, bà Dung Bình Dương đã lên tiếng tố cáo một cụm rạp lớn chèn ép, không hỗ trợ tác phẩm trình chiếu rộng rãi khiến phim của bà có thể bị lỗ nặng. Ngoài ra bà cũng "khẩn cầu và van xin" các hệ thống rạp cho tác phẩm nhiều suất chiếu hơn với mong muốn thu hồi vốn và cam đoan nếu phim không đạt doanh thu sau 7 ngày thì sẽ giảm suất chiếu theo quy định.
2. Thưa Mẹ Con Đi
Thay vì gửi "tâm thư" đến các cụm rạp, đạo diễn Thưa Mẹ Con Đi lại tha thiết mong mỏi khán giả, cụ thể là những người "yêu điện ảnh, cộng đồng LGBT, những bạn trẻ trân quý gia đình" đến rạp ủng hộ phim của mình. Khách quan mà nói Thưa Mẹ Con Đi là một tác phẩm tròn trịa, ý nghĩa, bởi vậy lời cầu cứu này đã giúp phim được biết đến nhiều hơn và không tạo ra phản ứng ngược với khán giả.
3. Trời Sáng Rồi, Ta Ngủ Đi Thôi
"Trời ơi phim chưa muốn chết!" - là thông điệp chính trong bức tâm thư của đạo diễn Chung Chí Công khi Trời Sáng Rồi, Ta Ngủ Đi Thôi thất thu ngoài rạp. Vẫn biết lời nhắn nhủ này được "chế biến" lại từ tên bài hát Trời Ơi Con Chưa Muốn Chết của rapper Đen Vâu (có sử dụng trong phim) nhưng nó vẫn gây ra tranh cãi trái chiều. Độ "khẩn thiết" trong lời kêu gọi khiến nhiều khán giả tự hỏi tại sao mình phải chịu trách nhiệm về sự "sống chết" cho một bộ phim gần như không làm truyền thông trước khi chiếu.
Nguồn: Tổng hợp