Trước lúc lâm chung, vì sao Đỗ thái hậu xin hoàng đế đừng truyền ngôi cho con trai?

Chia sẻ Facebook
17/11/2024 04:22:33

Trong “Tam tự kinh” nói: “Hạ truyền tử, gia thiên hạ”, tức là vua truyền ngôi cho con, thiên hạ thuộc về sở hữu của một gia đình. Kể từ khi Đại Vũ truyền vương vị cho con trai, Trung Quốc vẫn tiếp tục chế độ vương vị thế tập cha truyền con nối. Nhưng có một triều đại, hoàng đế lại truyền ngôi cho em trai mình. Lý do là gì?

Vào năm thứ hai sau khi triều đại Bắc Tống kiến lập, thái hậu đầu tiên của vương triều là Đỗ thái hậu bệnh trọng không chữa được, muốn lập di chúc bí ẩn. Ghi chép của chính sử là thế này: Đương thời, hoàng đế khai quốc Tống Thái Tổ đã luôn ở bên cạnh thái hậu, ngày đêm hầu hạ thái hậu, khi thái hậu lâm chung, bà đặc ý triệu tập công thần Triệu Phổ.


Thái hậu hỏi hoàng đế: “Con có biết thiên hạ bị chinh phục như thế nào không?” Tống Thái Tổ hiếu thuận rất lo lắng cho bệnh tình của mẹ mình, khóc lóc rất thương tâm, không thể trả lời. Thái hậu tiếp tục hỏi ông, Thái Tổ mới nói: “Sở dĩ ta có được thiên hạ là vì tổ tiên và mẫu hậu đã tích được đại đức.” Thái hậu nói: “Không, là vì Chu Thế Tông trước con đã để cho hoàng đế nhỏ tuổi trị lý thiên hạ. Nếu nhà Chu chọn một người trưởng thành làm hoàng đế, thiên hạ liệu có thể thuộc về Đại Tống không?”


Vì vậy, Đỗ thái hậu lập di mệnh: “Sau khi con chết, ngai vàng nên được truyền lại cho em trai con. Thiên hạ rộng lớn như vậy, chính vụ phức tạp như vậy, nếu nhà Tống có thể lập một trưởng giả làm vua, điều này mới là phúc khí cho quốc gia!” Tống Thái Tổ lập tức quỳ xuống và khóc: “Con không dám không nghe giáo huấn của thái hậu.” Thế là, thái hậu lệnh cho Triệu Phổ ghi lại những lời bà vừa mới nói thành chiếu thư, ký tên “Thần Phổ thư” ở cuối thư. Sau khi hoàn thành xong, thái hậu đem di chiếu cất trong một chiếc rương vàng, do một người chuyên môn bảo quản. Điển cố này được gọi là “Thề ước rương vàng” nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc.

Sau đó khi Thái Tổ băng hà, ngai vàng quả thực được truyền lại cho em trai ông là Triệu Quang Nghĩa, chính là Tống Thái Tông. Chiểu theo mối quan hệ huyết thống, Thái Tổ khẳng định là hy vọng con trai mình làm hoàng đế. Tuy nhiên, khi triều đại mới được kiến lập, nền tảng còn chưa ổn định, Thái Tổ nguyện ý từ bỏ lợi ích của con trai mình vì cơ nghiệp của nhà Tống, điều này cho thấy ông là một vị minh quân biết chiếu cố toàn đại cục. Từ cuộc đối thoại giữa ông và thái hậu, chúng ta có thể thấy Tống Thái Tổ là một hiền nhân trọng đạo hiếu, biết giữ lời hứa!

Tượng hoàng đế Tống Thái Tông (Phạm vi công cộng)


Tất nhiên, Đỗ thái hậu cũng là một phụ nữ thâm hiểu đại nghĩa, nên lời nói của bà nói mới có lực ảnh hưởng rất lớn đến hoàng đế! Sau đây lại xin chia sẻ với các bạn một câu chuyện nhỏ về Đỗ thái hậu lúc sinh thời. Thái Tổ mặc hoàng bào, vừa lên ngôi xưng đế, có người vội tới bẩm báo: “Con trai của bà đã trở thành hoàng đế!” Thái hậu chỉ điềm đạm nói: “Con trai ta tố chất chí lớn, hôm nay xem ra quả nhiên là như vậy.”


Khi chính thức được phong làm thái hậu, nhìn thấy các đại thần trong triều kính cẩn chúc mừng, thái hậu lại biến trở nên trầm tư không vui. Có người khích lệ bà: “Thần nghe nói ‘mẫu dĩ tử quý’ (mẹ vinh quý nhờ con), hiện tại con trai đã làm hoàng đế, bà có gì không vui đây?”


Thái hậu nói: “Ta nghe nói làm hoàng đế rất khó, hoàng đế là chủ của vạn dân, nếu ông trị quốc có đạo, thì đế vị sẽ có thể trường cửu; Một khi quốc gia bị mất kiểm soát, muốn trở lại làm lão bách tính cũng không có khả năng, đây mới là lo lắng của ta!” Tống Thái Tổ nghe thấy, lập tức nói với mẹ: “Con nhất định sẽ nghe theo giáo đạo của mẫu hậu!” Đỗ thái hậu chỉ làm thái hậu một năm, mà đã lưu lại ba cuộc trò chuyện trong chính sử, điều này rất hiếm có trong lịch sử!

Con trai đột nhiên được làm hoàng đế, nhưng người mẹ lại rất bình tĩnh; bà vừa trở thành người phụ nữ tôn quý nhất, vừa thanh tỉnh nhận thức được tầm quan trọng của việc trị lý quốc gia. Phẩm đức coi nhẹ danh lợi, lo toan cho dân cho nước của Đỗ thái hậu cũng khởi tác dụng phò tá và đốc thúc rất tốt đối với hoàng đế, bà không hổ là đệ nhất thái hậu của triều Tống.

Còn những ai là hoàng đế mà không truyền ngôi cho con trai?

Thông thường, hoàng đế sẽ chọn con trai cả của mình làm người thừa kế ngai vàng, chỉ một số ít truyền lại cho anh em của mình hoặc người khác. Điều này không phải vì hoàng đế có thành kiến ​​gì với con trai mình, mà là vì họ xuất phát từ đại cục quốc gia mà tuyển chọn một hiền nhân thực sự có tài năng, có đức hạnh để gánh vác trọng trách trị lý thiên hạ. Cũng giống như những thánh vương Nghiêu, Thuấn, Vũ thời cổ đại, thông qua chế độ nhường ngôi mà truyền vương vị, đây kỳ thực là một cách làm có trách nhiệm đối với quốc gia và trăm họ. Chúng ta hãy cùng nhìn lại những vị hoàng đế khác trong lịch sử truyền ngôi cho người hiền tài chứ không truyền ngôi cho con trai.


Tôn Sách, người sáng lập chính quyền Tôn Ngô, truyền ngôi cho em trai Tôn Quyền. Tôn Sách mặc dù không xưng đế, nhưng vào thời đại Tam Quốc đỉnh lập, Tôn Sách đã bình định Giang Đông, được coi là thủ lĩnh đầu tiên của nước Ngô, đáng tiếc là ông lại chết trẻ. Trước khi qua đời, Tôn Sách không giao phó sự nghiệp Đông Ngô cho con trai nhỏ tuổi, mà lựa chọn Tôn Quyền, một người toàn đức toàn tài. Trong “Tam quốc chí” ghi chép, Tôn Sách nói với Tôn Quyền: “Phát động dân chúng Giang Đông, quyết định cơ hội giữa hai trận, thiên hạ tranh bá, khanh không giỏi bằng ta. Tiến cử người hiền, bổ nhiệm người có năng lực, tận tâm hết mình bảo vệ Giang Đông, ta không giỏi bằng khanh.” Tôn Quyền quả thực không phụ kỳ vọng, không ngừng phát triển bá nghiệp của anh trai, trở thành hoàng đế khai quốc của Đông Ngô.


Tượng Tôn Quyền.

Tống Cao Tông Triệu Cấu không có con trai nối dõi, truyền ngôi cho con nuôi là Tống Hiếu Tông. Do Tống Hiếu Tông lên ngôi, ngai vàng của nhà Tống cuối cùng đã về tay con cháu Thái Tổ Triệu Khuông Dận, có thể coi là “vật quy nguyên chủ”. Hiếu Tông cũng là vị hoàng đế thành đạt nhất thời Nam Tống. Cuốn “Tống sử” ca ngợi ông là “trác việt hàng đầu trong số các vị hoàng đế thời Nam Tống”. Chẳng hạn, ông đã bình phản cho vụ án oan của Nhạc Phi, chủ trương thu phục lãnh thổ Trung Nguyên đã mất, chỉnh trị quan tham, trọng thị nông nghiệp, Nam Tống từ thời kỳ động loạn tiến vào thời kỳ trung hưng, sử gọi là “Càn Thuần chi trị”.


Minh Hy Tông Chu Do Hiệu, con trai nối dõi chết trẻ, ngai vàng được truyền lại cho em trai Minh Tư Tông Chu Do Kiểm. Minh Hy Tông là vị “hoàng đế thợ mộc” hiếm hoi trong lịch sử, ông có ít thành tựu trong việc triều chính, nhưng trước lúc lâm chung, ông đã quyết định truyền ngôi cho em trai mình là Chu Do Kiểm. Cuốn “Minh sử ký sự bản mạt” ghi lại lời của ông: “Anh trai tôi xứng đáng là vua Nghiêu Thuấn.” Chu Do Kiểm còn được gọi là hoàng đế Sùng Trinh, là vị hoàng đế cuối cùng của nhà Minh. Tuy nhiên, bản thân ông rất siêng năng trong việc triều chính, dốc sức thanh trừ loạn đảng, nỗ lực xoay chuyển thế bại vong của triều Minh. Khi nhà Minh sụp đổ, ông đã tự tuẫn vì đất nước, cũng là một vị hoàng đế rất có khí tiết.

(Tài liệu tham khảo: “Tam Quốc chí”, “Cựu Ngũ Đại sử”, “Tống sử”, “Minh sử ký sự bản mạt”)

Ảnh đại diện: Đỗ Thái hậu xuất phát từ đại cục, hy vọng Tống Thái Tổ sẽ truyền ngôi cho em trai mình. Trong ảnh là chân dung của Tống Thái Tổ (trái) và Đỗ Thái hậu (phải). (Tên miền công cộng/Tổng hợp của Epoch Times)


Theo Epoch Times
Hương Thảo biên dịch

Chia sẻ Facebook