Trước khi thù địch, Israel và Iran từng “thân” như thế nào?

Chia sẻ Facebook
12/11/2023 04:04:36

Sau cuộc chiến với các nước Ả Rập năm 1948, Israel đối mặt với thách thức an ninh cực lớn khi bị bao quanh bởi phần lớn các nước thù địch. Tình thế này khiến Israel phải đưa ra giải pháp trước khi quá muộn. Và họ chọn Iran.


Trước khi thù địch, Israel và Iran từng hình thành một liên minh chiến lược. Ảnh minh họa: Sky News

Theo Viện Brookings (tổ chức tư vấn có trụ sở tại Mỹ), sự thù địch Israel - Iran rất kỳ lạ. Hai nước không có biên giới chung, không xảy ra chiến tranh cũng như không có bất kỳ sự cạnh tranh gay gắt nào về kinh tế hay vị thế trong khu vực. Lịch sử về mối quan hệ giữa người Ba Tư (Iran ngày nay) và người Do Thái (Israel ngày nay) cũng phần lớn là những điều tích cực. Thậm chí, trước năm 1979, Israel và Iran còn tạo thành một liên minh chiến lược về chính trị, kinh tế, an ninh và nhiều lĩnh vực khác. Vậy điều gì đã khiến Israel và Iran từ bạn hóa thù? Loạt bài kỳ này sẽ cố gắng giải đáp phần nào câu hỏi đó.

Theo Viện Hòa bình Mỹ (USIP), Iran là tâm điểm trong chính sách đối ngoại của Israel gần như ngay sau khi nhà nước Israel thành lập năm 1948. Sau những mâu thuẫn ban đầu, 2 nước này đã phát triển mối quan hệ chặt chẽ dựa trên lợi ích chung trước sức ảnh hưởng của Liên Xô và chủ nghĩa dân tộc Ả Rập trong khu vực.

Từ khi thành lập năm 1948, Israel phải đối mặt với một thách thức an ninh cấp bách. Đó là việc bị bao quanh bởi phần lớn các quốc gia thù địch và có ác cảm với nước này.

Bốn quốc gia láng giềng của Israel đều là các nước Ả Rập hoặc nước ủng hộ Palestine - được hàng chục quốc gia Ả Rập khác và đa số người Hồi giáo hậu thuẫn.

Do đó, tâm thế của người Israel là nỗ lực tìm ra những sơ hở, điểm yếu của các quốc gia thù địch và hình thành liên minh. Điều này được thể hiện rõ qua "học thuyết ngoại vi" dưới thời ông David Ben Gurion - Thủ tướng đầu tiên của Israel.

Theo Viện Brookings (Mỹ), học thuyết này là nỗ lực đầu tiên của ông Gurion nhằm tạo dựng một liên minh giữa Israel với các quốc gia không thuộc thế giới Ả Rập hoặc các nhóm dân tộc không theo đạo Hồi ở Trung Đông để đối trọng với thế giới Ả Rập. Một số nước và nhóm dân tộc mà Israel hướng tới gồm: Thổ Nhĩ Kỳ ở phía bắc, Iran ở phía đông, Ethiopia ở phía nam, người Maronite ở Lebanon và người Kurd ở Iraq.

Iran dưới thời vua Mohammad Reza Pahlavi là quốc gia đứng đầu trong số các nước mà Israel khi đó muốn thiết lập quan hệ vì có nhiều lợi ích địa chính trị chồng chéo. "Tình hữu nghị Israel - Iran tồn tại và ổn định vì nó dựa trên những lợi ích chung mà 2 nước đều được hưởng khi hợp tác", ông Gurion nói trước Quốc hội Israel vào tháng 10/1960.


Năng lượng, cụ thể là dầu mỏ, được cho là một yếu tố thúc đẩy mối quan hệ Israel - Iran trước đây. Ảnh minh họa: Reuters

Những cân nhắc về lợi ích địa chính trị Israel - Iran ngày càng tăng khi Israel có nhu cầu cấp thiết về năng lượng, còn Iran cũng có mong muốn mở rộng xuất khẩu dầu mỏ. Thiếu tài nguyên dầu mỏ và bị các nước Ả Rập "tẩy chay" về kinh tế, Israel phải tìm các nguồn cung thay thế để đáp ứng nhu cầu của dân số đang tăng nhanh. Iran, cường quốc dầu mỏ không thuộc thế giới Ả Rập, trở thành lựa chọn tốt nhất.

Các mối liên hệ giữa 2 nước về dầu mỏ được thiết lập vào thập niên 50 và đạt đến đỉnh cao sau cuộc chiến tranh 6 ngày (tháng 6/1967) khi Israel thuyết phục Iran cùng xây dựng đường ống Eilat-Ashkelon, nối Biển Đỏ và Địa Trung Hải. Đường ống này không chỉ tạo thuận lợi cho việc Iran xuất khẩu dầu sang Israel mà còn giúp Tehran có cơ hội tiếp cận thị trường châu Âu. Kết quả là doanh số cùng doanh thu từ việc bán dầu của Iran cho Israel và châu Âu tăng lên đáng kể.

Ngoài năng lượng, có các lợi ích cụ thể khác cho cả Israel và Iran khi 2 nước hợp tác cùng nhau.

Theo Viện Hòa bình Mỹ, sau cuộc chiến giành độc lập của Israel (chiến tranh Ả Rập - Israel năm 1948), Iraq đã đàn áp người Do Thái trong nước. Khi viễn cảnh các cuộc đàn áp ngày càng gia tăng, Israel đã tìm cách đưa người Do Thái rời Iraq, nước đã cấm việc di cư.


Iran, vốn không ưa Iraq, khi đó cung cấp một lối thoát cho người Do Thái ở Iraq qua lãnh thổ Iran. Đổi lại, Tehran được nhận một khoản tiền lớn. Các đặc nhiệm Israel được triển khai tới Iran để tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc "giải cứu" người Do Thái ở Iraq. Đồng thời, họ cũng có nhiệm vụ "làm thân" với các quan chức Iran để thúc đẩy quá trình Tehran thiết lập quan hệ với nhà nước Israel non trẻ. Dù nỗ lực ban đầu này thất bại, Israel vẫn duy trì một phái đoàn thường trực ở Tehran với vai trò trên thực tế là phái đoàn ngoại giao. Vào thập niên 70, hai nước đã có đại sứ ở lãnh thổ của nhau.


Người Do Thái Iraq trên chuyến bay tới Israel. Ảnh: Dangoor family archive

Trong những năm cuối thập niên 60, đầu thập niên 70, Tehran cũng cho phép Israel sử dụng lãnh thổ nước này để mở rộng sự hỗ trợ quân sự cho cuộc nổi dậy của người Kurd ở miền bắc Iraq. Động thái này phục vụ mục tiêu của vua Iran khi đó nhằm làm suy yếu Iraq và khẳng định sự thống trị của Tehran ở vịnh Ba Tư.

Một mặt, vua Iran xem việc hợp tác với Israel có lợi cho vị thế của Iran với Mỹ (thời điểm 2 bên chưa xung đột như hiện tại) vì cho rằng người Do Thái có ảnh hưởng mạnh mẽ đến chính sách của Washington. Mặt khác, sự hợp tác này là bàn đạp giúp Iran trở thành một quốc gia hiện đại và phát triển với công nghệ tiên tiến.

Do đó, vua Iran Pahlavi khuyến khích việc thiết lập sự hiện diện đáng kể của các cố vấn, người hướng dẫn và các nhà thầu Israel trong nhiều lĩnh vực ở Iran, từ quân sự, an ninh cho đến các dự án kỹ thuật, xây dựng, hỗ trợ nông nghiệp và khai thác tài nguyên nước.

Trong thập niên 60, 70, hàng nghìn người Israel đã đến Iran làm việc trong ngành công nghiệp quốc phòng với tư cách cố vấn quân sự và trong lĩnh vực nông nghiệp cũng như y tế với tư cách là cố vấn kỹ thuật. Cộng đồng người Israel lớn tới mức Iran quyết định mở một trường học Do Thái ở Tehran. Các chuyến bay giữa Tehran và Tel Aviv cũng diễn ra thường xuyên.

Theo Viện Hòa bình Mỹ, người Israel đã giúp vua Iran theo đuổi những ưu tiên cao nhất của ông, bao gồm: Tạo ra một quân đội hùng mạnh để hạn chế tầm ảnh hưởng của Liên Xô; phát huy ảnh hưởng của Iran ở Vịnh Ba Tư, nơi Tehran sẽ kiểm soát các hòn đảo mà Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất tuyên bố chủ quyền, và các mỏ dầu lớn; và thúc đẩy các mục tiêu của cuộc Cách mạng Trắng.

Về phần Israel, mối quan hệ với Iran được xem là minh chứng cho câu chuyện thành công của "học thuyết ngoại vi". Việc Israel thiết lập quan hệ ngoại giao với Iran giúp nước này giảm sự cô lập ngoại giao trong bối cảnh tứ phía là các nước thù địch, và tạo điều kiện đưa người Do Thái ra khỏi Iraq. Ngoài ra, Iran và Israel có chung đối thủ là Iraq và các nước Ả Rập, nên sự hợp tác càng có ý nghĩa. Hai nước hợp tác với nhau cũng giúp đảm bảo an ninh cho cộng đồng người Do Thái đông đảo ở Iran.

Tuy nhiên, mối quan hệ “đôi bên cùng có lợi” trong 3 thập kỷ của Iran và Israel đã đổ bể sau một sự kiện vào cuối thập niên 70.


Khi quan hệ Israel - Iran đang trong giai đoạn "mặn nồng", một sự kiện chính trị gây chấn động khu vực và thế giới đã đảo ngược mối quan hệ này. Vài tuần sau sự kiện, 2 nước đã cắt đứt mọi liên kết chính thức, mở đầu một kỷ nguyên mới trong quan hệ Israel-Iran, đặc trưng bởi sự thù địch sâu sắc tới tận ngày nay. Mời độc giả cùng tìm hiểu về sự kiện này cùng những tác động của nó đến quan hệ hai nước ở bài tiếp theo, đăng ngày 12/11/2023.


Nguyễn Thái - (t/h)

Chia sẻ Facebook