Trước khi có đồng hồ báo thức, con người làm thế nào để dậy đúng giờ? Các phát minh thú vị sau người hiện đại cũng phải thán phục
Ngoài việc đợi gà gáy hay trời sáng, người xưa đã dùng cách gì thay thế đồng hồ báo thức để có thể thức dậy vào đúng giờ?
Việc thức dậy đúng giờ vào buổi sáng để làm việc, sinh hoạt đã luôn là thói quen của hầu hết con người từ xưa đến nay. Thời xa xưa khi chưa có đồng hồ hiện đại chính xác, loài người vẫn tìm ra nhiều cách để đong đếm thời gian. Nhưng vậy còn nhu cầu được đánh thức đúng giờ thì giải quyết như thế nào bên cạnh phương pháp tự nhiên như dựa vào tiếng gà trống gáy ?
Chiếc đồng hồ báo thức đầu tiên trên thế giới được phát minh vào năm 1787. Trước đó, tiền nhân đã có rất nhiều sáng kiến thú vị để có thể dậy đúng giờ mà người đời sau cũng phải trầm trồ vì sáng tạo.
Nến báo thức
Nến chính là phương thức được dùng thay thế đồng hồ báo thức phổ biến nhất của người xưa trên khắp thế giới. Cách sử dụng loại đồng hồ này không hề đơn giản. Người ta sẽ đóng đinh cố định vào nến, tính toán sao cho thời gian nến cháy hết đến mốc đinh là qua một khoảng nhất định. Đến lúc nến tan chảy ở nơi bị đóng đinh thì chiếc đinh sẽ rơi xuống, tạo ra tiếng động đánh thức con người.
Ghi chép đầu tiên về công cụ này là vào năm 520 TCN trong một bài thơ của người Trung Quốc. Tại Nhật Bản hay Anh quốc cũng từng có tài liệu ghi chép về đồng hồ nến từ trước Công nguyên. Con người đã dùng nến để thức dậy cho đến ít nhất là thế kỷ 18.
Sử dụng chính cơ thể để báo thức
Các chiến binh người Mỹ bản địa thời xưa đã sử dụng chính... bàng quang của mình để ước lượng thời gian, thức dậy đúng giờ mỗi sáng. Trong cuốn sách tên Warpath xuất bản năm 1984 của Stanley Vestal đã kể lại câu chuyện như sau: "Các chiến binh Anh Điêng xác định trước giờ dậy của họ bằng cách điều chỉnh lượng nước uống trước khi đi ngủ".
Dùng thuốc súng, lò xo hay ánh sáng
Một số loại đồng hồ tự chế cũng đã sử dụng các cơ chế khác nhau để tạo ra tiếng ồn hoặc ánh sáng đánh thức con người dậy. Đó có thể là thuốc súng, cầu chì để tạo ra tiếng ồn lớn tại một thời điểm kích hoạt nhất định. Một số loại khác lại sử dụng ánh sáng - lò xo hoạt động để làm bật lên ngọn nến sáng. Tuy nhiên, các đồng hồ báo thức sơ khai này có yếu điểm lớn là không an toàn, rất dễ gây ra hỏa hoạn cháy nhà.
Chuông tự chế
Vào năm 725, Yi Zing, một nhà sư kiêm nhà toán học, kỹ sư, chiêm tinh học người Trung Quốc đã chế tạo ra một chiếc chuông có thể tự động phát ra tiếng vào khung giờ nhất định.
Trong tài liệu ghi lại, hệ thống của Yi Zing hoạt động nhờ một cối xay nước. Khi cối xay đến một mốc nhất định, nó sẽ đẩy một con rối ngã xuống đập vào chiếc chuông và vang ra âm thanh lớn.
Thuê người đánh thức
Có một phương pháp cực kỳ đơn giản để người xưa dậy đúng giờ, không lỡ mất công việc của mình đó là... thuê người chuyên đi đánh thức. Nghề lạ này tồn tại cả đến khi đồng hồ báo thức thực sự đã ra đời vì lúc bấy giờ, việc bỏ tiền ra sắm đồng hồ còn đắt đỏ hơn là đi thuê người.
Vào những năm 1970 của thế kỷ trước, tại Anh, Ireland, những người hành nghề báo thức chuyên nghiệp sẽ đi gõ cửa phòng khách hàng cho đến khi họ chịu thức dậy và phản hồi lại. Một số có thể huýt sáo hoặc dùng nhạc cụ để đánh thức nhiều người dậy cùng một lúc.
Arab Saudi sẽ xây hai toà nhà lớn nhất thế giới trong dự án 500 tỷ USD: Cực hoành tráng!