Trước khi bắt tay với Vạn Thịnh Phát đầu tư mạnh vào hạ tầng và logistics, tập đoàn của tỷ phú Lý Gia Thành đã làm gì tại Việt Nam?
So với nhiều tỷ phú Hongkong khác, sự hiện diện của tỷ phú Lý Gia Thành tại Việt Nam vẫn còn khá khiêm tốn gồm nhà mạng Vietnamobile cùng 1 cảng biển và 1 chuỗi bán lẻ.
Li Kang-shing (Lý Gia Thành) là một trong những tỷ phú hàng đầu tại châu Á và trên thế giới. Xuất phát từ một gia đình nghèo ở Hong Kong, song với ý chí của mình, ông đã gây dựng nên những doanh nghiệp khổng lồ, một đế chế kinh doanh hiếm ai sánh bằng. Mặc dù không còn trực tiếp điều hành do tuổi già, song tập đoàn của ông vẫn tiếp tục phát triển với nhiều phương án đầu tư rất mạnh mẽ.
Gần đây nhất, CK Asset Holdings Limited, một trong hai quỹ đầu tư của Lý Gia Thành đã ngỏ ý muốn hợp tác với Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đầu tư vào Thành Phố Hồ Chí Minh, đem lại cơ hội phát triển mảng cơ sở hạ tầng của thành phố này.
Tỷ phú Lý Gia Thành sinh năm 1928 trong một gia đình nghèo chuyển tới Hong Kong năm ông 12 tuổi. Tại đây, ông bắt đầu với công việc của một nhân viên bán hàng đồng thời cũng thành lập công ty nhựa Cheung Kong. Với tài năng của mình, ông trở thành người bán hàng số một và trở thành giám đốc xí nghiệp ở tuổi 18.
Trong giai đoạn những năm 50 của thế kỷ trước, khi nền kinh tế thế giới bắt đầu có bước chuyển biến mạnh mẽ, hãng nhựa của ông Lý xuất khẩu hoa giả bằng nhựa sang Mỹ giúp ông có được một số vốn không nhỏ. Từ đây, Lý Gia Thành chuyển sang đầu tư vào bất động sản và nhanh chóng trở thành một trong những ông trùm tại Hong Kong.
Với niềm tin rằng giá thuê nhà tại Hong Kong sẽ gia tăng một cách chóng mặt trong tương lại, năm 1967, ông Lý đã mua lại hàng loạt bất động sản bị mất giá do khủng hoảng chính trị với giá rất rẻ, và thành lập nên công ty bất động sản Cheung Kong.
Cheung Kong dần trở thành tập đoàn kinh doanh đa ngành, với mảng kinh doanh chính là bất động sản; năm 1972, công ty chính thức được niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hồng Kông. Bên cạnh bất động sản, công ty còn tham gia vào các ngành như bán lẻ, giao dịch các loại tài sản, công nghệ và internet....
Tập đoàn dưới sự điều hành của chủ tịch Lý liên tục phát triển thịnh vượng trong nhiều năm, trở thành biểu tượng của nền kinh tế Hong Kong. Một trong những thương vụ thành công nhất của ông là việc bán công ty điện thoại di động Orange cho gã khổng lồ Đức Mannesmann AG, thu lời 15 tỷ USD vào năm 1999. Tới năm 2015, tập đoàn Cheung Kong được tái cơ cấu lại với hai công ty chính là CK Hutchison Holdings – doanh nghiệp đa ngành về cảng, bán lẻ, cơ sở hạ tầng, viễn thông và CK Asset Holdings – doanh nghiệp chủ yếu làm về bất động sản.
CK Hutchinson Holdings là doanh nghiệp có tầm phủ sóng trên nhiều lĩnh vực và đầu tư vào trên 50 quốc gia trên toàn cầu. Họ là nhà đầu tư, phát triển và khai thác cảng thuộc vào loại hàng đầu thế giới, với việc sở hữu cổ phần ở 52 cảng gồm 291 bến tại 26 quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, thông qua công ty con là Hutchinson Ports SITV, CK Hutchinson đã và đang đầu tư vào một cảng container ở khu vực Bà Rịa-Vũng Tàu từ năm 2007 tới nay. Cảng container này cung cấp đa dạng các dịch vụ xếp dỡ hàng một cách vô cùng chuyên nghiệp với sức chứa rơi vào khoảng 80.000 MTS, đem lại trải nghiệm tốt đẹp cho khách hàng trong và ngoài Việt Nam nhiều năm qua.
Ở mảng bán lẻ, công ty sở hữu nhà bán lẻ A.S Watson chuyên về sức khỏe và sắc đep với 16.300 cửa hàng tại 28 thị trường. Mảng kinh doanh cơ sở hạ tầng của công ty tương đối đa dạng, đầu tư vào hạ tầng giao thông, nước, năng lượng sạch, quản lý chất thải... tại nhiều quốc gia phát triển như Anh, Úc, New Zealand, Mỹ.... Cuối cùng, mảng viễn thông của công ty nổi tiếng với mạng điện thoại 3 tại Áo, Đan Mạch, Ireland, Thụy Điển và Anh. Đây là một trong số những nhà tài trợ chính của câu lạc bộ bóng đá Chelsea tại nước Anh.
CK Hutchinson cũng là một trong 2 cổ đông chính Vietnamobile, một trong những mạng di động có vốn nước ngoài hiếm hoi có mặt tại Việt Nam từ năm 2016 với tên gọi ban đầu là HT Mobile. Tuy nhiên tính đến thời điểm hết năm 2020, mạng di động này chỉ có được khoảng 4% thị phần tại Việt Nam, thấp hơn khá nhiều so với 3 ông lớn Viettel, Mobiphone và Vinaphone.
Kết thúc năm tài chính 2021, Tập đoàn này đạt doanh thu 445 tỷ HKD (tương đương với 56.7 tỷ USD) với lợi nhuận sau thuế đạt 40 tỷ HKD (5 tỷ USD). Trong cơ cấu doanh thu của tập đoàn, mảng bán lẻ (40% tổng doanh thu) và viễn thông (21%) chiếm tỷ trọng lớn nhất.
Doanh nghiệp quan trọng thứ hai sau đợt tái cơ cấu của tập đoàn là CK Asset Holdings chủ yếu tập trung vào kinh doanh bất động sản. Họ bán, cho thuê các bất động sản tại Hong Kong và Trung Quốc, đồng thời tham gia phát triển các dịch vụ khách sạn. Bên cạnh đó, họ cũng quản lý việc đầu tư các bất động sản thông qua các quỹ đầu tư tín thác thuộc mảng này (REIT). Ngoài Trung Quốc và Hong Kong, doanh nghiệp này cũng đầu tư vào cơ sở hạ tầng tại nhiều nước khác trên thế giới.
Trong số đó, Việt Nam cũng là một lựa chọn lý tưởng của công ty khi mới đây CK Asset và Orix của Nhật Bản ngỏ ý muốn thông qua Vạn Thịnh Phát để đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng của thành phố Hồ Chí Minh. Các mảng đầu tư chính của công ty bao gồm cả hạ tầng kinh tế và hạ tầng xã hội, đem lại sự phát triển mạnh mẽ hơn cho thành phố mang tên Bác trong nhiều năm tới. Kết thúc năm 2021, CK Assets đạt doanh thu 10,5 tỷ USD và là một trong những công ty bất động sản hàng đầu tại Hong Kong và Trung Quốc.
Nhờ vào việc đầu tư đúng đắn, Lý Gia Thành hiện sở hữu khối tài sản lên tới 36,3 tỷ USD ở tuổi 93. Năm 2018, ông chính thức lùi bước ra phía sau để những người con trai tiếp quản lại những công ty khổng lồ của mình, nhưng vẫn làm cố vấn cao cấp tại cả CK Asset và CK Hutchinson. Tính tới thời điểm hiện tại, ông là tỷ phú giàu thứ 37 thế giới và số 1 tại Hong Kong, theo số liệu của Forbes. Ông được người hâm mộ đặt cho biệt danh Superman – Siêu nhân, thể hiện lòng nể phục với doanh nhân số một tại Hong Kong này.
Mặc dù khởi đầu tại một gia đình nghèo, song ngày nay, Lý Gia Thành là một trong những tỷ phú hàng đầu thế giới. Những công ty thuộc tập đoàn Cheung Kong của ông đều là những cái tên lớn trên thương trường thế giới, sở hữu nhiều thương hiệu nổi tiếng với doanh thu lên tới hàng chục tỷ USD. Với việc một trong những công ty của đại gia bất động sản này đánh tiếng muốn đầu tư vào Tp. HCM, có thể hi vọng trong tương lai không xa, thành phố sẽ thay da đổi thịt, nhất là đối với mảng cơ sở hạ tầng.
Theo Phạm Tiến Đạt
Nhịp Sống Kinh tế