Trung Vũ hầu Gia Cát Lượng (2): Cuộc sống thanh tịnh của bậc hiền sĩ

Chia sẻ Facebook
21/03/2022 20:43:35

Vào thời Trung Quốc cổ đại, thanh bạch đạm bạc là một tiêu chuẩn đạo đức. Lão Tử từng nói “lấy điềm đạm làm đầu, thắng mà không đắc ý”. Suốt cuộc đời Gia Cát Khổng Minh quả thực đã đạt tới cảnh giới đạm bạc minh chí, tránh xa danh lợi, coi phú quý tựa phù vân…

Tiếp theo Phần 1

Khen ngợi của Đường Thái Tông dành cho Gia Cát Lượng

Đường Thái Tông vô cùng tán thưởng sự công bằng và trung nghĩa của Gia Cát Lượng. Cuốn 10 “Thái Tông hoàng đế – Luận bàn về sự công bằng chính trực của thừa tướng Gia Cát Lượng” thuộc tập “Toàn Đường Văn” có viết:

So với tất cả những vị lão thần dưới triều Tùy mà Trẫm từng biết, Gia Cát Lượng xứng đáng là một vị tướng cao thượng nhân từ. Đọc trong các tác phẩm được lưu truyền lại cũng có thể thấy: ông là người vừa có tài năng ưu tú kiệt xuất, vừa công bằng liêm chính.

Lại nói, từ thời Hán – Ngụy tới nay, thừa tướng Gia Cát Lượng vẫn luôn nổi danh là người làm việc theo đúng lẽ phải, không hề thiên vị. Bởi vậy, dù Lượng thường dâng biểu xin vua bãi chức của Liêu Lập và Lý Nghiêm phế làm thứ dân tại vùng Nam Trung, nhưng khi nghe tin Lượng mất Lập không kìm được nước mắt mà khóc than, còn Nghiêm thì phát bệnh mà chết. (Bởi lẽ, Liêu Lập và Lý Nghiêm biết: Gia Cát Lượng là người công minh. Dù 2 người bọn họ đang bị trách phạt nhưng chỉ cần họ lập được công thì vẫn sẽ có ngày vẻ vang. Nay Lượng mất, cơ hội trở mình cũng chẳng còn).

Năm xưa, Trần Thọ từng gọi cách làm việc của Lượng là: “mở rộng lòng thành, đem công đạo trải khắp thiên hạ. Những người hết lòng tận trung lập nên công trạng thì dù là kẻ thù cũng nhất định khen thưởng. Ngược lại, những người làm việc sơ suất, vi phạm luật pháp thì dù là người thân cũng tất phải trừng phạt.” Một thần tử như vậy sao có thể không ngưỡng mộ cho được!

Đường Thái Tông không chỉ ngưỡng mộ Gia Cát Lượng mà còn noi gương ông ấy. Bức tranh vẽ chân dung của Đường Thái Tông. (Ảnh: Phạm vi công cộng)

Đường Thái Tông không chỉ tán thưởng Gia Cát Khổng Minh mà còn học theo cách quản trị đất nước của ông. Trong cuốn 8 “Xá lệnh” thuộc tập “Trinh Quán chính yếu” có ghi chép: Năm Trinh Quán thứ 7, Thái Tông gọi quan hầu cận của mình đến và nói rằng:

“Thiên hạ kẻ ngu dốt thì nhiều, người thông minh thì ít. Người thông minh không tán đồng với việc làm ác, còn kẻ ngu dốt thì dễ vi phạm quy định. Phàm là ban phát ân huệ khoan dung miễn xá thì chỉ đem lại lợi ích cho hạng người chuyên gây rối loạn. Người xưa nói: “Hạnh phúc của tiểu nhân là bất hạnh của bậc quân tử”, “mỗi năm một lần đặc xá lại khiến những người tốt lần nữa rơi vào cảnh u tối, nguy hiểm rình rập.” Trước nay vẫn vậy, “người trồng cỏ đuôi chồn sẽ làm thiệt hại đến lúa thóc mùa màng, người ban ơn huệ cho kẻ xấu gian ác chính là đang gây tổn thương cho những người lương thiện.” Xưa kia “văn vương xử phạt, chỉ có thêm tội chứ không hề có miễn xá”.

Lại nói tiên chủ nước Thục thường bảo với Gia Cát Lượng rằng: Thời gian quốc gia còn đặt dưới chính sách quản trị của Trần Nguyên Phương và Trịnh Khang Thành, khi ông đang đi chu du khắp nơi, mỗi lần nhìn thấy cáo thị thì tội trong đó chỉ có tăng chứ không hề được giảm. Bản thân Gia Cát Lượng suốt 10 năm chủ trì mọi sự của nước Thục cũng chưa từng thực hiện đặc xá, nhưng nước Thục vẫn ngày càng trở nên hùng mạnh. Ngược lại, Lương Vũ đế mỗi năm đều có mấy lần miễn xá cho phạm nhân, cuối cùng khiến cho toàn quốc khuynh bại. Mưu tính cho kẻ tiểu nhân sẽ làm tổn hại đến những người nhân nghĩa. Vậy nên từ khi ta có được thiên hạ cho tới nay, tuyệt đối không có chuyện phóng thích đặc xá.

Đường Thái Tông cho rằng: việc quản lý quốc gia cần phải thể hiện tấm lòng đại nhân đại nghĩa. Để làm được điều này thì trước tiên cần phải tiến hành giáo hóa dân chúng, chỉ dẫn cho họ cách đi đứng làm sao cho có phép tắc, cho họ biết lễ nghi chào hỏi và khiêm nhường. Có như vậy, những kẻ vi phạm pháp lệnh kia mới không còn cơ hội để tiếp tục làm ác nữa. Quốc gia cũng không cần đến việc đại xá nữa.

Lưu Bị từng đề cử cho Gia Cát Lượng cách trị quốc của Trần Nguyên Phương và Trịnh Huyền vào những năm cuối thời Đông Hán. Gia Cát Lượng tiếp nhận gợi ý của Lưu Bị. Trong suốt 10 năm quản lý nước Thục, ông chưa từng tiến hành đại xá. Nhờ đó, an ninh và trật tự của Thục quốc ngày càng ổn định, người dân yên ổn làm ăn. Vậy nên, Đường Thái Tông quyết tâm học theo Gia Cát Lượng: không miễn giảm án cho những người phạm tội. Việc Lương Vũ Đế một năm cho thực thi nhiều lần đại xá để cuối cùng nước mất nhà tan cũng đã minh chứng rõ sức phá hoại của những kẻ tiểu nhân tiểu nghĩa đối với toàn xã hội.

Cuộc sống thanh tịnh của bậc hiền sĩ

Khi Gia Cát Lượng còn đang ở ẩn, ông lấy việc “tỏ rõ chí hướng, không màng danh lợi, lánh xa trần thế” làm mục tiêu cho bản thân. Gia Cát Lượng tự trồng trọt để lấy thức ăn. Trong cuốn “Xuất sư biểu” ông cũng đã tự giãi bày nội tâm của mình: “Thần vốn là kẻ dân thường áo vải”, “tự cày cấy nuôi thân tại vùng Nam Dương”, “không cầu đạt được danh tiếng của bậc chư hầu”. Nhà Gia Cát Lượng vốn là một gia tộc hiển hách có quan hệ mật thiết với những gia đình thượng lưu ở vùng Tương Dương. Nhà ông là thông gia của nhà họ Thái và nhà họ Khoái, còn có quan hệ chú cháu đồng hương với Lưu Biểu. Thế nhưng, ông nhất quyết không nhận sự trợ giúp từ những quý tộc vùng Tương Dương. Đây cũng là chỗ biểu thị ra cảnh giới tu thân của Gia Cát Lượng.

Bức tranh vẽ chân dung Gia Cát Lượng. (Ảnh: Phạm vi công cộng)

“Giới tử thư” là tác phẩm ông viết tặng cho người con trai Gia Cát Chiêm mới 8 tuổi của mình khi Gia Cát Lượng 54 tuổi. Nội dung trong đó rất ngắn, chỉ có vẻn vẹn 86 chữ:

“Phù quân tử chi hạnh, tĩnh dĩ tu thân, kiệm dĩ dưỡng đức. Phi đạm bạc vô dĩ minh chí, phi ninh tĩnh vô dĩ trí viễn. Phù học tu tĩnh dã, tài tu học dã. Phi học vô dĩ quảng tài, phi chí vô dĩ thành học. Đãi mạn tắc bất năng lệ tinh, hiểm táo tắc bất năng trị tính. Niên dữ thời trì, ý dữ tuế khứ, toại thành khô lạc, đa bất tiếp thế. Bi thủ cùng lư, tương phục hà cập!”

Diễn nghĩa:


“Đức hạnh của người quân tử, là lấy tĩnh để tu thân, lấy việc tiết kiệm để dưỡng đức. Nếu không sống thanh bạch, rời xa danh lợi thì không thể minh xác chí hướng, nếu không có sự tĩnh lặng thì sẽ không thể tiến xa được. Học cần phải tĩnh, muốn thành tài thì cần phải học. Nếu không học thì không thể mở rộng tài năng, nếu không có chí hướng thì việc học sẽ không thể đạt thành. Phóng túng chậm trễ thì không thể đạt được tinh thông, hiểm ác nóng nảy thì không thể sửa đổi tâm tính. Năm tháng trôi qua, ý chí dần bị mài mòn, thân thể suy sụp khô kiệt, mà vẫn chưa hiểu sự đời, bi thương nghèo túng, lúc đó có muốn làm lại thì cũng không thể nữa rồi!”

Tác phẩm này của Gia Cát Lượng có ý nghĩa vô cùng sâu sắc cùng với nội hàm bác đại tinh thâm. Ở đây chúng ta sẽ cùng xem xét một cách đơn giản về khía cạnh “sống thanh bạch, rời xa danh lợi” được ông đề cập đến.

Vào thời Trung Quốc cổ đại, thanh bạch đạm bạc là một tiêu chuẩn đạo đức. Lão Tử từng nói “lấy điềm đạm làm đầu, thắng mà không đắc ý”. Những bậc sĩ phu trong văn hóa truyền thống Trung Quốc cũng luôn coi cuộc sống đạm bạc như một loại cảnh giới để hướng tới. Một bài thơ thuộc tập “Văn thu quang” của nhà thơ Bạch Cư Dị có đoạn viết: “Thân tâm chuyển điềm thái, yên cảnh di đạm bạc” để biểu thị một loại tâm thái không mang bất cứ một tạp niệm nào.

Suốt cuộc đời Gia Cát Khổng Minh quả thực đã đạt tới cảnh giới đạm bạc minh chí, tránh xa danh lợi, coi phú quý tựa phù vân. Trong 24 năm làm thừa tướng, Gia Cát Lượng không hề vơ vét của cải, mưu tính trục lợi cho bản thân mà chỉ một lòng cống hiến cho sự nghiệp phục hưng nhà Hán.

Sau khi hậu chủ kế vị, Gia Cát Lượng giữ chức thừa tướng, được phong là Vũ Hương Hầu, quản lý toàn bộ vùng Ích Châu. Mặc dù nắm trong tay quyền lực lớn của nước Thục Hán nhưng Gia Cát Lượng cũng không vì quyền cao chức trọng mà nảy sinh hai lòng. Ông chấp nhận ủy thác của Lưu Bị, hết lòng tận trung với hậu chủ. Đối với Lưu Thiện, Gia Cát Lượng chính là hết lòng hết sức, coi việc công của đất nước như việc nhà của mình. Tác phẩm “Xuất sư biểu” đã thể hiện rõ ràng chí hướng của ông khi tự mình thân chinh Bắc phạt, cùng với nỗi lo việc quân việc nước khiến ông kiệt sức thành bệnh mà qua đời.

Khác với Gia Cát lượng, người cũng nhận được ủy thác của Lưu Bị là Lý Nghiêm lại vì coi trọng danh lợi quyền thế mà nhiều lần viết thư khuyên Gia Cát Lượng tiếp nhận cửu tích. Cửu tích là nghi lễ ban thưởng tối cao do Thiên tử tặng cho đại thần được thăng quan tiến chức. Cửu tích do Hoàng đế ban tặng gồm có: xe ngựa, trang phục, nhạc tắc, nhà son, đồ cống nạp, cung tiễn, búa rìu, đồ ăn cùng rượu ngon.

Thế nhưng, Gia Cát Lượng đều cự tuyệt. Trong thư phúc đáp lại Lý Nghiêm, ông bày tỏ rõ chí hướng sự nghiệp của mình.

Gia Cát Lượng cho rằng: ông và Lý Nghiêm đã có một thời gian dài cùng phục vụ cho Thục quốc nên có thể thấu hiểu lẫn nhau mà không cần phải giải thích nhiều. Ông nói: bản thân ông từ một người dân bình thường sau khi đi theo Lưu Bị đã sáng lập nên cơ nghiệp đế vương tại nước Thục, trở thành trung thần lập quốc. Hiện giờ đại nghiệp khôi phục nhà Hán còn chưa thành công, ơn tri ngộ của Lưu Bị còn chưa báo đáp nên việc yêu cầu quân chủ dành cho Gia Cát Lượng đãi ngộ như vậy là một hành vi bất nghĩa.

Trong “Hựu dữ Lý Nghiêm thư” ông nói: “Ta nhận ban thưởng 80 vạn đấu, đến nay đã không còn dư thừa chút tiền của tích trữ nào, thiếp không có phó phục.” “Không có phó phục” ở đây là muốn nói không có nhiều y phục để thay. Trong phần chú thích, Trương Chú viết: “Thiếp của Hầu (Gia Cát Lượng), không phó phục, là tấm gương của đức tiết kiệm.”

Trước khi chết, Gia Cát Lượng phân phó cho người mai táng ông dưới chân núi nơi đóng quân tại Hán Trung. Ông yêu cầu giản lược tang lễ, dựa theo thế núi để dựng mộ. Mộ cũng chỉ cần đủ rộng để có thể đặt quan tài vào trong đất là được. Bản thân ông chỉ cần mặc một bộ trang phục bình thường, ngoài ra không cần thêm bất cứ vật dụng nào khác cùng mai táng.

Gia Cát Lượng trung nghĩa song toàn. Ông được công nhận là người có trí tuệ nhất trong lịch sử Trung Quốc. Tinh thần “cúc cung tận tụy, đến chết mới thôi” của ông tạo nên sự khích lệ xuyên suốt qua các triều đại cho vô số chí sĩ nhân ái yêu nước đời sau, khiến ông trở thành biểu tượng của nội hàm tinh thần trong văn hóa truyền thống Trung Quốc.


Theo NTDTV
Trường Lạc biên dịch

Chia sẻ Facebook