Trung tướng Tô Ân Xô thông tin vụ bà Phương Hằng, Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao

Chia sẻ Facebook
06/04/2022 10:27:01

Trung tướng Tô Ân Xô - người phát ngôn Bộ Công an - cho biết một số đối tượng liên quan vụ án nhận hối lộ ở Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) đã đối phó rất quyết liệt và hoạt động tinh vi.

Trung tướng Tô Ân Xô - Ảnh: NGUYỄN HIỀN


Tại phiên họp báo thường kỳ Chính phủ chiều 4-4, trả lời câu hỏi về kết quả điều tra ban đầu vụ khởi tố, bắt tạm giam bà Nguyễn Phương Hằng (tổng giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam), trung tướng Tô Ân Xô - chánh văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an - cho hay hơn một năm nay, báo chí, dư luận xã hội, cộng đồng mạng rất sôi sục, bàn tán về vụ việc.

Ngày 24-3, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã khởi tố bà Hằng về hành vi "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" quy định tại điều 331 Bộ luật hình sự.

Bộ Công an đã chỉ đạo Công an TP.HCM tập trung lực lượng điều tra, làm rõ toàn bộ vụ việc, sớm đưa ra xét xử theo đúng quy định.


Đối với vụ Việt Á, trung tướng Tô Ân Xô nói thông báo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã nói khá rõ trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức và cần chờ để có các xử lý tiếp theo.


Liên quan đến vụ án nhận hối lộ ở Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao), trung tướng Tô Ân Xô cho hay Cơ quan an ninh điều tra khẳng định có hành vi lợi dụng chính sách để trục lợi. Tất cả các bị can bị tạm giam bước đầu nhận tội và phối hợp với cơ quan điều tra trong quá trình tiến hành tố tụng.

Cũng theo ông Xô, hoạt động của các đối tượng trong vụ án này rất tinh vi, số người tham gia đông, phạm vi rộng, cả trong nước và ngoài nước gồm một số cơ quan, ban, ngành trung ương, địa phương, xảy ra trong thời gian dài.

Một số đối tượng đối phó rất quyết liệt và điều này làm khá tốn thời gian cho công tác điều tra, xác minh vụ việc. Hiện đang mở rộng điều tra, tiếp tục làm việc với một số cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, địa phương có liên quan để làm rõ bản chất vụ việc.

Cơ quan công an đề nghị các cá nhân, tổ chức hợp tác với cơ quan điều tra và nếu có thông tin, tài liệu liên quan thì chủ động cung cấp cho Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an.

"Thời gian tới sẽ có bước chuyển biến, đột phá mới của vụ án và khi có chúng tôi sẽ sớm thông tin", trung tướng Tô Ân Xô nói thêm.

Công khai thông tin để tránh giới đầu cơ lợi dụng 'thổi' giá đất

Ông Lê Công Thành - thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường - cho hay hiện tượng giá đất tăng cục bộ ở một số địa phương đã làm mất đi ưu thế thu hút vốn đầu tư, phá vỡ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở địa phương và ảnh hưởng tới kinh tế vĩ mô.

Ngoài lý do khách quan, theo lãnh đạo Bộ Tài nguyên và môi trường, ở một số nơi thực hiện chưa nghiêm các phiên đấu giá. Có hiện tượng để lộ thông tin, sự thông đồng giữa tổ chức thực hiện đấu giá và người tham gia đấu giá… Việc đấu giá quyền sử dụng đất, đấu giá bất động sản liên quan tới chức năng quản lý của nhiều bộ ngành.

Trước tình hình trên, bộ đã có văn bản yêu cầu quản lý chặt chẽ các dự án bất động sản, công bố, công khai thông tin, tránh để giới đầu cơ lợi dụng "thổi" giá, đẩy giá đất. Quản lý chặt tách thửa đất; xử lý nghiêm hành vi không đưa đất vào sử dụng, sử dụng đất chậm so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư…

Về việc mở cửa du lịch nhưng khách quốc tế đến Việt Nam còn thấp, ông Đoàn Văn Việt - thứ trưởng Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch - cho hay do ảnh hưởng dịch COVID-19 tạo nên đứt gãy kết nối giữa nơi gửi khách và nhận khách.

Luồng khách từ Đông Bắc Á đến Việt Nam chiếm tới 70%, trong khi nhiều nước lại có chính sách khác nhau như Trung Quốc là "zero COVID", Hàn Quốc áp dụng cách ly 1 tuần khi đến từ Việt Nam nên việc đón khách khó khăn.

Thêm nữa là tình hình Nga và Ukraine nên dòng khách châu Âu bị đóng băng, nhiều tỉnh có lợi thế đón khách Nga như Khánh Hòa không có khách. Chưa kể, tình hình COVID-19 diễn biến phức tạp nên việc đón khách còn hạn chế.

Về giải pháp, ông Việt cho hay cần tăng cường truyền thông, triển khai các chính sách y tế, kết nối cơ quan ngoại giao, tăng kết nối đưa và đón khách, có các sản phẩm khuyến khích, hỗ trợ để thu hút du khách tốt hơn. Về y tế, cần cập nhật tình hình diễn biến thông thoáng hơn, tăng cường kiểm soát dịch bệnh và điều trị...

Ông Lê Nam cho rằng, câu chuyện ở FLC giống với lời dạy là 'đánh chuột đừng để vỡ bình'. Chuột là người vi phạm, còn bình là doanh nghiệp, nên xử lý nghiêm nhưng phải lưu ý việc bảo vệ doanh nghiệp, người lao động.

Chia sẻ Facebook