Trung tâm Bản quyền số ký thỏa thuận hợp tác bảo vệ bản quyền Hệ sinh thái học liệu số Hoclieu.vn

Chia sẻ Facebook
29/06/2023 17:00:55

VietTimes – Sáng 29/6, Trung tâm Bản quyền số (thuộc Hội Truyền thông số Việt Nam) đã ký thỏa thuận hợp tác với Công ty CP Đầu tư và Phát triển Giáo dục Hà Nội, với nội dung bảo vệ bản quyền hệ sinh thái hoclieu.vn

Ông Hoàng Đình Chung - Giám đốc Trung tâm Bản quyền số và ông Phạm Quốc Cường - Phó Tổng giám đốc Công ty Đầu tư và Phát triển Giáo dục Việt Nam ký thỏa thuận hợp tác
Ông Hoàng Đình Chung - Giám đốc Trung tâm Bản quyền số và ông Phạm Quốc Cường - Phó Tổng giám đốc Công ty Đầu tư và Phát triển Giáo dục Việt Nam ký thỏa thuận hợp tác

Giới thiệu về Hệ sinh thái Học liệu số - hoclieu.vn, ông Phạm Quốc Cường - Phó Tổng giám đốc Công ty Đầu tư và Phát triển Giáo dục Hà Nội (HEID) - cho biết, hưởng ứng Quyết định 131 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong ngành Giáo dục và Đào tạo, HEID đã tiên phong xây dựng Hệ sinh thái Học liệu số.


Đây là giải pháp giáo dục trực tuyến đa nền tảng, hỗ trợ toàn diện hoạt động quản lý, giảng dạy, học tập, kiểm tra, đánh giá dành cho các cấp từ Sở/Phòng GD&ĐT, Nhà trường, cho đến Giáo viên, Học sinh, Phụ huynh. Hoclieu.vn tích hợp sẵn Kho học liệu số cùng Hệ thống quản lý học tập .

Kho học liệu số đa dạng, phong phú với hệ thống nội dung đầy đủ, trọng tâm, chuẩn mực, bao gồm: Học liệu thông minh; Cổng luyện thi tốt nghiệp THPT; Học liệu SGK Tiếng Anh; Học liệu giáo dục khác.


Hệ thống quản lý học tập giúp cho việc giảng dạy và học tập trở nên dễ dàng, thuận lợi và tiết kiệm chi phí; giúp giáo viên, các nhà quản lý giáo dục có thể theo dõi quá trình học tập của học sinh và điều chỉnh cho phù hợp.

Ông Phạm Quôc Cường giới thiệu về Hệ sinh thái Học liệu số - hoclieu.vn

Ông Phạm Quốc Cường cho biết thêm, Hệ sinh thái Học liệu số - hoclieu.vn được ứng dụng các công nghệ tiên tiến như nhận dạng giọng nói, trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu lớn, phương pháp học tập thích ứng (Adaptive Learning), hỗ trợ tối đa và tối ưu hóa trải nghiệm người dùng. Hệ thống luôn được cải tiến cũng như cập nhật nội dung đáp ứng yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Hiện nay, trên Internet có rất nhiều đơn vị không có bản quyền về sách giáo khoa nhưng đã số hóa nhiều bộ sách, đưa lên mạng để thương mại hóa. Ngoài ra, tình trạng vi phạm bản quyền các kho học liệu, trong đó có tài sản trí tuệ của hoclieu.vn, đã xảy ra. Vì thế, HEID - đơn vị sở hữu Hệ thống Học liệu số - hoclieu.vn đã hợp tác với Trung tâm Bản quyền số để ngăn chặn tình trạng vi phạm này.

Ông Hoàng Đình Chung - Giám đốc Trung tâm Bản quyền số (DCC) -ncho biết, ngay từ khi Hội Truyền thông số Việt Nam thành lập cách đây hơn 10 năm đã đặt ra vấn đề phải bảo vệ các tác quyền trên môi trường số.

Tại Việt Nam, tình trạng vi phạm bản quyền diễn ra khá phổ biến. Từ khi thành lập đến nay, Trung tâm Bản quyền số đã phối hợp với các đơn vị tiến hành phát hiện, ngăn chặn nhiều trường hợp vi phạm bản quyền trong các lĩnh vực như sách, âm nhạc, học liệu, tác phẩm số. Đặc biệt, vừa qua DCC đã thực hiện bảo vệ quản quyền cho loạt phim hoạt hình Wolfoo trong vụ kiện giữa công ty Sconnect (Việt Nam) và Entertainment One (Vương quốc Anh).

Ông Hoàng Đình Chung giới thiệu về Trung tâm Bản quyền số

Ông Chung cho biết để có thể bảo vệ bản quyền, DCC tiếp cận theo 4 hướng: Thứ nhất là về công nghệ. DCC luôn cập nhật các công nghệ mới nhất nhằm phát hiện và ngăn chặn dữ liệu vi phạm bản quyền. Thứ hai là các chính sách pháp lý. Mặc dù Việt Nam đi sau các nước về luật bản quyền nhưng cho đến nay các chính sách về bản quyền cũng đã tương đối đầy đủ.

Thứ ba là các hoạt động liên quan đến truyền thông. DCC đã phổ biến đến cho những chủ thể sáng tạo nội dung rằng họ phải là những người chủ động trong việc bảo vệ tác quyền của mình. Việc truyền thông cũng hướng tới các cơ quan quản lý nhà nước để họ có sự chủ động trong việc tiếp cận các vấn đề mới, đưa ra các biện pháp xử lý tức thời hơn. Thứ tư là hoạt động liên quan đến phân phối. DCC khuyến cáo các chủ thể sở hữu nội dung nên có sự hiện diện ở tất cả các nền tảng số, tránh để một đối tượng nào đó lợi dụng sự vắng mặt của chủ thể ở một nền tảng và họ đưa nội dung lên nền tảng đó - từ đó nghiễm nhiên được ghi nhận là chủ sở hữu nội dung.

Ông Vũ Kiêm Văn - Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) nói rằng ở Việt Nam, VDCA và DCC là những đơn vị đầu tiên thực hiện việc bảo vệ bản quyền trên môi trường số. Ông Văn nói rằng giáo dục là một lĩnh vực được ưu tiên trong chương trình chuyển đổi số quốc gia của Chính phủ, và ông thấy rất ấn tượng với những gì mà công ty HEID đã làm để ứng dụng chuyển đổi số trong giáo dục. HEID đang có trong tay một cơ sở dữ liệu lớn về giáo dục. Đây là cơ sở dữ liệu rất đáng quý, cần được bảo vệ bản quyền.

Ông Vũ Kiêm Văn ấn tượng với việc chuyển đổi số học liệu của HEID

Ban lãnh đạo Công ty CP Đầu tư và Phát triển Giáo dục Hà Nội


Tham dự lễ ký kết giữa DCC và HEID, về phía DCC có ông Vũ Kiêm Văn - Tổng Thư ký, Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam; ô ng Hoàng Đình Chung – Giám đốc Trung tâm Bản quyền số ; ông Nguyễn Minh Tuấn – Phó Giám đốc Trung tâm Bản quyền số; ô ng Vũ Gia Luyện - Phó Giám đốc Trung tâm Bản quyền số ; bà Hoàng Thị Lệ Thùy - Phó Giám đốc Trung tâm Bản quyền số; bà Hà Kim Chi – Trưởng phòng Pháp chế và tư vấn Trung tâm Bản quyền số; ông Doãn Duy Kiên – Giám đốc Trục Bản quyền số Quốc gia; ô ng Lương Ngọc Tuấn – Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phẩn Bản quyền số.

Về phía HEID có ông Phạm Quốc Cường – Phó Tổng Giám đốc Công ty; ông Nguyễn Thanh Tuấn - Trưởng Ban Nội dung số; ông Trương Đình Hà – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Học liệu số; ông Nguyễn Viết Xuân – Phó Giám đốc Trung tâm Phát hành Học liệu số; bà Hoàng Lê Mai Phương - Trưởng phòng Truyền thông Công ty.

Chia sẻ Facebook