Trung Quốc yêu cầu các nhà sản xuất trong nước ngừng mua chip của Micron

Chia sẻ Facebook
23/05/2023 15:25:52

VietTimes – Trong nỗ lực tăng cường cạnh tranh với Mỹ về công nghệ, chính phủ Trung Quốc hôm 21/5 đã yêu cầu các nhà sản xuất ngừng mua sản phẩm của Micron Technology Corp, nhà sản xuất chip nhớ lớn nhất của Mỹ.

Công ty Micron gánh chịu thiệt hại lớn bởi đòn trả đũa của Trung Quốc trong cuộc chiến chip với Mỹ (Ảnh: Nbd).

Ngày 21/5, Văn phòng quản lý mạng quốc gia Trung Quốc (Cyberspace Administration of China, CAC) còn được gọi là “Cục quản lý không gian mạng” đã thông báo trên website chính thức rằng các sản phẩm của Micron có "rủi ro an ninh mạng nghiêm trọng" không được nêu rõ, gây nguy hiểm cho cơ sở hạ tầng thông tin của Trung Quốc và gây nguy hại cho an ninh quốc gia. Tuy nhiên tuyên bố gồm 6 điểm của cơ quan này không cung cấp chi tiết cụ thể. CAC nhấn mạnh: “Các nhà khai thác cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng của Trung Quốc cần ngừng mua sản phẩm của Micron”.

Mỹ, châu Âu và Nhật Bản hiện đang tìm cách giảm cơ hội tiếp cận của Trung Quốc đối với chip tiên tiến và các công nghệ khác mà họ cho rằng có thể được sử dụng cho vũ khí.

Giới chức Trung Quốc dường như đang nỗ lực tìm biện pháp trả đũa mà không làm tổn hại đến nỗ lực của các nhà sản xuất điện thoại thông minh và các ngành công nghiệp trong nước, đồng thời phát triển các nhà cung cấp chip của riêng họ.

Vào ngày 4/4, chỉ vài giờ sau khi Nhật Bản cùng với Mỹ chỉ ra lý do an ninh để áp đặt các hạn chế đối với việc Trung Quốc tiếp cận công nghệ để sản xuất chip xử lý, Trung Quốc đã công bố đánh giá chính thức về Micron Technology Corp. căn cứ theo theo luật an ninh thông tin ngày càng nghiêm ngặt của họ.

Thông báo của Văn phòng Ủy ban Thông tin và An toàn mạng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc về thẩm tra, đánh giá an toàn mạng đối với các sản phẩm của Micron hôm 31/3.

Trung Quốc đang rót hàng tỉ USD nhằm tăng tốc độ phát triển chip và giảm bớt nhu cầu sử dụng công nghệ nước ngoài. Các xưởng đúc của Trung Quốc có thể cung cấp chip bậc thấp được sử dụng trong ô tô và thiết bị gia dụng, nhưng không thể hỗ trợ điện thoại thông minh, trí tuệ nhân tạo và các ứng dụng tiên tiến khác.

Cuộc cạnh tranh công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc khiến các nhà quan sát đưa ra cảnh báo rằng thế giới có thể bị tách rời hoặc chia tách thành các lĩnh vực theo các tiêu chuẩn công nghệ khác nhau không tương thích; nghĩa là máy tính, điện thoại thông minh và các sản phẩm khác ở một khu vực sẽ không hoạt động được ở nơi khác. Điều này sẽ làm tăng thêm giá thành và có thể làm chậm quá trình đổi mới.


Theo CCTV , mới đây CAC đã tiến hành thẩm tra đánh giá theo quy định của pháp luật về an toàn mạng đối với các sản phẩm của Micron được bán tại Trung Quốc. Kết quả cho thấy rằng các sản phẩm của Micron “có các vấn đề an ninh mạng tiềm ẩn tương đối nghiêm trọng, tạo thành rủi ro lớn cho chuỗi cung ứng cơ sở hạ tầng thông tin then chốt của quốc gia và ảnh hưởng đến an ninh quốc gia của Trung Quốc”. Vì vậy, CAC đã đưa ra kết luận “không thông qua đánh giá an toàn mạng”. Theo "Luật An ninh mạng", các luật và quy định khác, các nhà khai thác cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng ở Trung Quốc cần ngừng mua các sản phẩm của Micron.

Các sản phẩm của Micron hiện chiếm thị phần lớn trên thế giới.

Mục đích của việc đánh giá an toàn mạng đối với các sản phẩm của Micron là nhằm ngăn chặn các sự cố an toàn mạng của sản phẩm gây nguy hiểm cho an ninh của cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng của quốc gia, đây là một biện pháp cần thiết để duy trì an ninh quốc gia. Trung Quốc kiên quyết thúc đẩy mở cửa với thế giới bên ngoài, miễn là các công ty phải tuân thủ luật pháp và quy định của Trung Quốc.


Theo trang Nhật báo Đổi mới Công nghệ (Chinastarmarket), Micron đã đưa ra phản hồi: "Chúng tôi đã biết tin CAC công bố đánh giá an toàn mạng đối với các sản phẩm chúng tôi bán ở Trung Quốc. Chúng tôi đang tích cực liên lạc và hợp tác đầy đủ với CAC”.


Theo China Fund News , trong số các công ty niêm yết hạng A, các công ty như Longsys và BIWIN đã tiết lộ rằng nhà sản xuất thẻ nhớ quốc tế Micron là bên cung cấp của họ.

Tỷ lệ mua sắm của Micron trong Longsys đã giảm đáng kể, ít nhất nó không còn là nhà cung cấp chính. Báo cáo thường niên năm 2022 cho thấy Longsys đã ký hợp đồng dài hạn với các nhà sản xuất wafer lưu trữ lớn như Samsung, Micron và Western Digital để đảm bảo nguồn cung cấp ổn định và củng cố lợi thế cung ứng của công ty ở thị trường hạ nguồn. Công ty đã duy trì sự hợp tác tốt đẹp với các Công ty Dương Tử Vũ Hán (Yangtze Memory Technology Corp) và Hợp Phì Trường Tân.

Dongxin Co. Ltd. cho biết công ty hiện vẫn chưa có bất kỳ hình thức hợp tác nào với Micron. Theo giới thiệu, công ty đang tập trung vào nghiên cứu và phát triển độc lập, thiết kế và kinh doanh chip bộ nhớ dung lượng vừa và nhỏ; cam kết cung cấp cho khách hàng các sản phẩm và giải pháp lưu trữ chất lượng cao với quyền sở hữu trí tuệ độc lập, hệ thống chuỗi cung ứng ổn định và sản phẩm có độ tin cậy cao.

Với biện pháp trả đũa của Trung Quốc đối với sản phẩm của Micron, cuộc chiến chip hai nước tiếp diễn gay gắt.

Một số công ty chứng khoán trước đây đã phân tích rằng nếu doanh số bán hàng của Micron tại Trung Quốc bị hạn chế, các khách hàng có thể chuyển sang Samsung, SK Hynix của nước ngoài và các sản phẩm trong nước của Dương Tử Vũ Hán, Hợp Phì Trường Tân…


Theo Jiemian News , Micron là một trong ba gã khổng lồ về chip bộ nhớ; các sản phẩm khác của nó được sử dụng rộng rãi trong điện thoại di động, máy tính, máy chủ và các lĩnh vực khác. Dữ liệu của TrendForce cho thấy trong quý 4/2022, trên thị trường DRAM toàn cầu, Samsung Electronics, SK Hynix và Micron Technology đứng trong top 3; với thị phần lần lượt là 45,1%, 27,7% và 23,0%; trong thị trường NAND, Micron Technology đứng thứ năm với thị phần 12,3%, Samsung Electronics và SK Hynix lần lượt xếp thứ nhất và thứ ba với thị phần 31,4% và 18,5%.

Vào ngày 29/3, nhà sản xuất chip nhớ Micron đã công bố báo cáo quý thứ hai của năm tài chính 2023. Doanh thu trong quý là 3,69 tỉ USD, so với 4,09 tỉ USD của quý trước và 7,79 tỉ USD cùng kỳ năm ngoái; giảm mất khoảng 53% so với cùng kỳ năm trước.

Micron Technology đã lỗ 2,31 tỉ USD trong quý tài chính thứ hai, bao gồm khoản lỗ hàng tồn kho hơn 1,4 tỉ USD, với mức lỗ 2,12 USD trên mỗi cổ phiếu. Đây là khoản lỗ hàng quý tồi tệ nhất của Micron trong hai thập kỷ qua. Lần thua lỗ hàng quý gần đây nhất là vào quý tài chính thứ hai của năm tài chính 2003, khi khoản lỗ ròng của Micron lên tới 1,94 tỉ USD.

Sanjay Mehrotra, Giám đốc điều hành của Micron, thông báo rằng ngoài việc cắt giảm lương của các chức vụ cấp cao và đình chỉ hoàn toàn tiền thưởng cho năm tài chính 2023, tỷ lệ cắt giảm nhân lực chung hiện dự kiến ​​​​là 15% (ước tính ban đầu là 10%); biện pháp bao gồm các đợt sa thải mở rộng và không có đợt bổ sung tháng 12/2023.

Chia sẻ Facebook