Trung Quốc và ĐCSTQ khác nhau như thế nào? (P1): Đài Loan và Trung Quốc đại lục
Khi nhắc đến Trung Quốc, người Việt Nam chúng ta thường có phản ứng khác nhau, phần đông thường không thích Trung Quốc, nhưng cũng có một bộ phận rất yêu thích. Tuy nhiên, liệu người Việt Nam chúng ta đã thật sự phân biệt được Trung Quốc và Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ)?
Một số bạn bè khi thấy tôi đọc những tác phẩm của Trung Quốc cổ đại, như Kinh Dịch, Thơ Đường hoặc Sử Ký Tư Mã Thiên,… họ thường châm chọc tôi rằng: “Thấy suốt ngày chê bai Trung Quốc mà sao lại xem văn hóa Trung Quốc vậy?” Tuy đó chỉ là đùa giỡn, nhưng tôi nhận ra nó phản ánh một vấn đề là nhiều người không phân biệt được văn hóa truyền thống của Trung Quốc và văn hóa của ĐCSTQ là khác nhau!
Loại văn hóa do ĐCSTQ tạo ra đang thống trị ở Trung Quốc hiện nay khác hẳn so với văn hóa truyền thống của Trung Quốc, văn hóa của ĐCSTQ đang đầu độc tư tưởng và hủy hoại đạo đức con người, đây là điều mà những người yêu thích văn hóa truyền thống có thể nhận ra được.
Văn hóa truyền thống coi trọng đạo đức, tin vào Thần Phật và quy luật nhân quả báo ứng, nên khuyên người làm lành tránh dữ, hành thiện tích đức để tạo phúc phận và thiện quả cho bản thân. Còn văn hóa của ĐCSTQ thì hoàn toàn trái ngược, truyền giảng học thuyết vô Thần, chỉ tin những điều mà đảng nói, coi Thần Phật và nhân quả là “mê tín dị đoan”, khiến người ta chạy theo vật chất kim tiền, coi rẻ đạo đức, coi mạng người như cỏ rác, từ đó mà khiến con người sa ngã, chuyện xấu nào cũng dám làm, xã hội rơi vào hỗn loạn nghiêm trọng.
Nói cụ thể hơn, điều văn hóa truyền thống giảng dạy là khiến con người ta trở thành người tốt, sống lương thiện, chân thành, bao dung và nhẫn nại với mọi người. Còn ĐCSTQ thì lại tuyên truyền giả dối, thù hận, cổ súy cho bạo lực và đấu tranh, có thể tóm gọn trong ba chữ “giả, ác, đấu”. Đây là khác nhau căn bản giữa văn hóa truyền thống và văn hóa do ĐCSTQ tạo ra.
Văn hóa truyền thống của người Trung Quốc đã hình thành hàng ngàn năm qua, còn ĐCSTQ thì chỉ mới chiếm được Trung Quốc chưa đến 100 năm, nhưng họ đã tạo ra một loại văn hóa phản truyền thống và phản nhân tính. Từ khi dựng chính quyền tới nay họ vẫn liên tục nhồi nhét loại văn hóa tà ác này vào đầu người dân các thế hệ bằng những công cụ truyền thông, giáo dục, nghệ thuật, điện ảnh,… và cả trong đời sống hằng ngày.
Vì thế rất nhiều người Trung Quốc hiện nay không còn giống như cổ nhân Trung Quốc nữa, họ hành xử theo văn hóa của ĐCSTQ chứ không phải văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Người Đài Loan và người Trung Quốc đại lục
Chúng ta có thể nhìn thấy rất nhiều điều khi so sánh người Đài Loan và người Trung Quốc đại lục. Phần đông những người đến từ Trung Quốc đại lục rất bất lịch sự và thô lỗ, mở miệng là quát mắng người khác hoặc chửi thề bằng tiếng địa phương của họ, kể cả khi họ sang Việt Nam thì vẫn giữ thái độ ngông nghênh như ở nhà mình; trong khi đó người Đài Loan thông thường rất thân thiện và ôn hòa, ít nhất thì họ cũng hành xử có chuẩn mực chứ không quá vô lễ. Đây là điều mà người Việt chúng ta có thể dễ dàng nhận ra.
Chỉ nhìn bầu không khí cũng có thể nhận ra Trung Quốc đại lục (trái) và Đài Loan (phải) khác nhau đến mức nào. (Ảnh: Internet)
Điều này thể hiện càng rõ hơn nếu chúng ta đối chiếu phim truyền hình của hai quốc gia này. Trong phim Trung Quốc có rất nhiều tình tiết lố lăng, phản cảm, nam nữ hành xử thường không có phép tắc, nói năng tùy tiện vô lễ, nhiều chi tiết hài kém duyên, thậm chí là tục tĩu, tính cách của nhân vật khá đơn điệu, người nam thì làm ra vẻ lạnh lùng, người nữ thì làm ra vẻ hoạt bát hiếu động, cứ lặp lại một mô tuýp như vậy trong nhiều bộ phim.
Nội dung phim Trung Quốc thường là cổ vũ cho sắc tình, bạo lực hoặc mô tả những cách thức người ta đấu đá lẫn nhau, khởi tác dụng kích động tâm lý người xem, có rất ít ý nghĩa thực chất.
Ngược lại phim Đài Loan có nội dung khá trau chuốt, thường ẩn sau phim là một đạo lý nhân sinh hoặc một vài giá trị truyền thống nào đó, nhiều bộ phim tập trung vào nội hàm ẩn chứa bên trong hơn là hình thức cảnh quay hoành tráng bên ngoài. Nhân vật trong phim cũng có tính cách rõ ràng và độc lập, người nam thể hiện được phong thái điềm đạm lịch lãm, người nữ cũng có nét duyên dáng đáng yêu, lời thoại giữa các nhân vật không tùy tiện và thô lỗ như trong phim Trung Quốc.
Nếu là người xem phim chỉ vì để thỏa kích thích tâm lý thì sẽ không nhận ra chỗ yếu kém của điện ảnh Trung Quốc hiện nay, nhưng những khán giả chân chính của lĩnh vực điện ảnh hoặc những người làm nghệ thuật đều thấy rằng từ nội dung, lời thoại, diễn xuất, tình tiết,… của phim Trung Quốc thông thường đều không đạt. Nhiều cảnh quay, kỹ xảo và tạo hình trong các phim cổ trang hoặc Tiên hiệp còn là mô phỏng theo kỹ xảo điện ảnh trong các phim Marvel của người phương Tây.
Trong một vài phiên bản Bao Thanh Thiên do Trung Quốc sản xuất, Bao Công khi nhắc đến Hoàng thượng thường chỉ giống như nhân viên nhắc đến một người cấp trên trong công ty; còn Bao Công trong bản do Đài Loan sản xuất thì thường đề cập đến Hoàng thượng với vẻ rất tôn kính, vì ông biết rằng Hoàng thượng là Thiên tử (con Trời).
Khi phá án, Bao Công bản Trung Quốc chỉ dựa vào logic và suy luận là chính, trong khi Bao Công bản Đài Loan ngoài hai điều đó ra còn dựa trên các tình tiết liên quan đến quỷ Thần, đạo sĩ, phép thuật,… Bởi vì theo quan niệm dân gian, Bao Công vốn có một nửa là Thần nên ông xử án nhất định phải có Thần tích và mang theo màu sắc huyền ảo. Nhưng đây là những tình tiết mà phiên bản Trung Quốc cho là truyền bá “mê tín”.
Những chi tiết trên tuy rất nhỏ nhưng nó phản ánh hai loại quan niệm đối lập nhau của người Trung Quốc và người Đài Loan: Người Đài Loan còn giữ được đức tin vào Thần Phật và tôn trọng lễ nghĩa truyền thống, còn đa số người Trung Quốc thì không như vậy.
Một ví dụ khác là bộ phim Bảo Liên Đăng, kể về hành trình cứu mẹ của chàng trai Trầm Hương, mẹ anh là Tiên nữ do vi phạm Thiên quy nên bị Vương Mẫu giam cầm ở Hoa Sơn. Phim này có hai phiên bản do Đài Loan và Trung Quốc lần lượt thực hiện. Trong bản Đài Loan, Vương Mẫu vì cảm động trước lòng hiếu thảo của Trầm Hương nên đã đặc cách miễn tội cho mẹ anh, nhưng đồng thời Bà cũng nói Thiên quy không được phép khinh nhờn nên tước bỏ quả vị Tiên nữ của mẹ Trầm Hương, giáng xuống làm người phàm.
Còn trong bản của Trung Quốc đại lục, Trầm Hương sau nhiều lần cứu mẹ không thành đã kích động nhân loại và yêu quái các nơi nổi dậy chống lại Ngọc Hoàng và Vương Mẫu, đòi Thiên đình phải lập tức thả mẹ anh ra và sửa lại Thiên quy! Trong bản này, Ngọc Hoàng và Vương Mẫu đều bị hư cấu thành rất vô năng, nhát gan và ích kỷ, thiếu uy nghiêm, thậm chí bảo thủ và ngu ngốc, hoàn toàn không khác gì tham quan ô lại nơi thế gian.
Hai phiên bản phim phản ánh hai cách nhìn khác hẳn nhau của Đài Loan và Trung Quốc: Trong khi người Đài Loan cho rằng tấm chân tình và lòng thành kính của con người có thể làm cảm động Trời Đất, cảm ứng với Thần linh, thì người Trung Quốc lại nhìn nhận mọi mâu thuẫn đều phải giải quyết thông qua “bạo lực cách mạng”, “đấu tranh giai cấp”, “lật đổ giai cấp thống trị”,… Hơn nữa người Trung Quốc dám mang Thần Thánh ra đánh đồng với quan chức xấu và người xấu nơi thế gian, quả thật là đại bất kính.
Càng ngày càng có nhiều bộ phim Trung Quốc, nhất là các phim thuộc thể loại Tiên hiệp, tùy tiện gán cho các vị Thần Phật những tính cách và cách hành xử hệt như người thường: ghen tuông, thù hận, đố kỵ, yêu và ghét,… làm cho các Ngài không khác gì phàm phu tục tử. Nhưng Thần Phật trong tín ngưỡng truyền thống vốn thiêng liêng, trang nghiêm, thù thắng và vĩ đại, các Ngài nào có những đặc điểm trần tục thấp kém ấy! Việc “phàm nhân hóa” như vậy có khác gì đang công khai lăng mạ Thần Phật? Cách làm này hoàn toàn phản lại văn hóa truyền thống!
Nhiều bộ phim cổ trang Tiên hiệp Trung Quốc có kĩ xảo hoành tráng, nhưng nội hàm đằng sau đó lại là báng bổ Thần Phật và phản truyền thống. (Ảnh qua Saostar)
Những ví dụ trên trong điện ảnh chủ yếu để nói rằng người Trung Quốc đại lục và người Đài Loan tuy cùng là người Hoa nhưng cách hành xử, lời ăn tiếng nói, cho đến cách nhận thức vấn đề và phương pháp tư duy đều khác nhau một trời một vực. Từ điện ảnh của một quốc gia chúng ta có thể nhận ra văn minh tinh thần của quốc gia đó, người Đài Loan trân trọng các giá trị đạo đức truyền thống nhiều hơn hẳn người Trung Quốc, nhất là trong thái độ đối với tín ngưỡng.
Thực tế cũng chứng minh như vậy! Trong khi Trung Quốc nổi tiếng là quốc gia bức hại tín ngưỡng và tôn giáo vô cùng nghiêm trọng, thì sự phát triển văn hóa tâm linh của Đài Loan khiến nhiều đất nước khác phải ngưỡng mộ.
Chính quyền Trung Quốc đàn áp tôn giáo, phá hủy chùa chiền, giết hại người tu luyện, mổ cướp nội tạng sống,… có thể nói là không từ điều ác nào. Còn Đài Loan rất chú trọng phát triển tôn giáo, tôn trọng tín ngưỡng, kính trọng người tu luyện, tạo điều kiện cho việc người dân nâng cao văn minh tinh thần. Khi người người đều trọng tín ngưỡng, tin vào Thần Phật và nhân quả báo ứng, họ sẽ không dám làm điều xấu hoặc tùy tiện hại người, như thế có thể khiến xã hội được ổn định.
Người Đài Loan và người Trung Quốc cùng một tổ tiên và chỉ sống cách nhau một eo biển, vì sao lại khác nhau đến như vậy? Tất nhiên, đây là do nền giáo dục mà họ tiếp nhận là khác nhau.
Người Đài Loan vẫn còn chú trọng vào giáo dục đạo đức lễ nghĩa và văn hóa truyền thống, còn người Trung Quốc thì bị đặt dưới sự cai trị của ĐCSTQ, họ chỉ được nghe tuyên truyền của đảng, chỉ tiếp thu được văn hóa đấu tranh, thù hận, kích động và bạo lực của đảng, nên dần dần trong tư tưởng chỉ còn lại “giả ác đấu”, vì thế mà rời xa truyền thống, phản lại truyền thống.
Từ điều này có thể thấy rằng, không phải người Trung Quốc không tốt, mà là người ta dưới sự cai trị của ĐCSTQ mới trở thành như vậy. Thực chất nhiều người phương Tây vốn rất văn minh và lịch thiệp, nhưng sau khi sang Trung Quốc sống một thời gian dài cũng tiếp thu văn hóa “giả ác đấu” và cũng hành xử không khác là bao so với người Trung Quốc.
Như vậy đây là do chế độ chứ không phải do con người, có thể nói rằng nếu người Trung Quốc không bị ĐCSTQ cai trị, họ sẽ không trở nên biến chất như chúng ta thấy ngày hôm nay.
(còn tiếp)
Thế Di