Trung Quốc từ chối các sản phẩm của Micron sau khi kiểm định an ninh mạng
Micron cho biết, công ty này đã nhận được thông báo của CAC về kết luận kiểm định các sản phẩm mà công ty giao dịch tại Trung Quốc.
Chủ Nhật vừa rồi, cơ quan quản lý không gian mạng của Trung Quốc cho biết, các sản phẩm do công ty Micron Technology của Mỹ sản xuất đã không vượt qua được vòng kiểm định an ninh mạng của Trung Quốc, và nước này sẽ ra lệnh cấm các nhà điều hành một số cơ sở hạ tầng quan trọng mua các sản phẩm từ công ty này.
Được đưa ra trong thời điểm các tranh chấp công nghệ sản xuất chip vẫn đang nổ ra giữa Washington và Bắc Kinh, quyết định này có thể sẽ được áp dụng đối với các lĩnh vực như viễn thông, vận tải và tài chính, dựa trên định nghĩa về cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng của chính phủ Trung Quốc.
Cơ quan Quản lý Không gian mạng của Trung Quốc (CAC) cho biết: “Kiểm định an ninh cho thấy, các sản phẩm này mang một số rủi ro an ninh mạng nghiêm trọng, có thể mang lại rủi ro an ninh lớn đối với chuỗi cung ứng cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng của Trung Quốc, ảnh hưởng tới an ninh quốc gia.
CAC không đưa ra các chi tiết về các rủi ro mà họ phát hiện cũng như danh sách các sản phẩm của Micron sẽ bị ảnh hưởng.
Các nhà phân tích của Jefferies dự kiến quyết định này sẽ không có nhiều ảnh hưởng đối với Micron, vì các khách hàng chính của công ty tại Trung Quốc chủ yếu là các hãng điện tử tiêu dùng như các nhà sản xuất điện thoại thông minh hay máy tính, không phải các nhà cung cấp cơ sở hạ tầng.
“Vì các sản phẩm DRAM và NAND của Micron được sử dụng rất ít trong các máy chủ, chúng tôi tin rằng doanh thu chính của công ty này tại Trung Quốc không đến từ các công ty viễn thông và chính phủ Trung Quốc. Vì vậy, ảnh hưởng của quyết định này đối với Micron là khá hạn chế”.
Micron sản xuất các loại chip nhớ flash như DRAM và NAND, đối đầu với Samsung Electronics và SK Hynix của Hàn Quốc cũng như Kioxia, một bộ phận thuộc Toshiba Corp từ Nhật Bản.
Cổ phiếu của SK Hynix và Samsung đã lần lượt tăng 1% và 0.5% trong thứ Hai, chỉ số KS11 tăng 0.6% và cổ phiếu Toshiba giữ nguyên.
Ông Christopher Miller, một giáo sư tại Đại học Tufts và tác giả của cuốn “Cuộc chiến Chip: Cuộc chiến vì công nghệ quan trọng nhất trên toàn thế giới” đã cho biết, việc CAC đưa ra tuyên bố này trong lúc các lãnh đạo thuộc nhóm G7 đang họp mặt tại Nhật Bản là đáng lưu ý.
Trong tuần vừa rồi, Micron đã tuyên bố kế hoạch đầu tư tới 500 tỷ Yên (tương đương 3.7 tỷ USD) vào công nghệ cực tím cực ngoại tại Nhật Bản, trở thành nhà sản xuất chip đầu tiên đưa công nghệ sản xuất chip tiên tiến tới quốc gia đang tìm phương hướng hồi sinh ngành công nghiệp sản xuất chip này.
Trong Chủ Nhật vừa rồi, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết, các quốc gia thuộc nhóm G7 nhất trí “giảm thiểu rủi ro và đa dạng hóa quan hệ với Trung Quốc”. Các nhà lãnh đạo quốc gia cũng đã nhất trí đề ra một sáng kiến chống lại các hành vi “cưỡng chế” kinh tế.
Ông Miller cho biết: “Đây có thể là thử thách đầu tiên trên phương diện này cho các quốc gia thuộc nhóm G7”.
Chính phủ Trung Quốc tuyên bố sẽ kiểm định các sản phẩm của Micron vào cuối tháng 3 vừa rồi. Vào thời điểm đó, công ty này cho biết, họ sẽ hợp tác và những hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục như bình thường.
Trong các tranh chấp giữa chính phủ Mỹ và Trung Quốc, Washington đã đặt ra một loạt các hạn chế xuất khẩu công nghệ sản xuất chip tới Trung Quốc và cấm mua một số bộ phận được sản xuất tại Mỹ đối với công ty đối thủ của Micron, Yangtze Memory Technologies.
Các quan chức Mỹ, bao gồm thành viên của một ủy ban thuộc Quốc hội Mỹ về cạnh tranh với Trung Quốc, đã không phản hồi các yêu cầu bình luận.
Theo số liệu từ Jefferies, công ty này đã thu về 5.2 tỷ USD từ Trung Quốc và Hong Kong (Trung Quốc) trong năm 2022, chiếm khoảng 16% tổng doanh thu.
Theo các nhà phân tích, phần lớn các sản phẩm của Micron tại Trung Quốc được mua bởi các công ty ngoài Trung Quốc nhằm sản xuất các sản phẩm của họ tại quốc gia này.
Vào tháng 9 năm 2021, Trung Quốc đã đưa ra các quy định nhằm bảo vệ cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng, yêu cầu các nhà điều hành những cơ sở hạ tầng này phải chấp hành một số yêu cầu gắt gao hơn trong các mảng như an toàn dữ liệu.
Chính phủ Bắc Kinh đã định nghĩa chung một số ngành công nghiệp mà họ đánh giá là “quan trọng” như viễn thông và vận tải nhưng vẫn chưa cho biết rõ định nghĩa này sẽ được áp dụng với dạng công ty nào và quy mô tài chính nào.
Nguyễn Quang Minh (Theo REUTERS)