Trung Quốc tố Mỹ gây rối, muốn lôi kéo các nước chống Bắc Kinh

Chia sẻ Facebook
13/06/2022 00:20:53

Bài phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa tại Đối thoại Shangri-La sáng 12-6 đầy những lời đả kích Washington, nhằm đáp trả những gì người đồng cấp Mỹ cáo buộc một ngày trước đó.

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa tại Đối thoại Shangri-La 2022 sáng 12-6 ở Singapore - Ảnh: REUTERS

Trong bài phát biểu có chủ đề "Tầm nhìn của Trung Quốc đối với trật tự khu vực" ở Singapore sáng 12-6, ông Ngụy gọi những phát ngôn của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin hôm 11-6 là "những cáo buộc bôi nhọ" và "đe dọa Trung Quốc".


"Không ngại chiến đấu tới cùng"

Người đứng đầu Bộ Quốc phòng Trung Quốc cáo buộc chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ là "một sự gây rối và sẽ đem lại bất ổn cho khu vực".

Ông mô tả các nỗ lực của Mỹ nhằm tập hợp các nước trong khu vực theo từng nhóm không có Trung Quốc, chẳng hạn như AUKUS gồm Mỹ, Anh và Úc hay Đối thoại An ninh bốn bên (QUAD) gồm Mỹ, Úc, Ấn Độ và Nhật Bản đều nhằm mục đích kìm tỏa Trung Quốc.


"Đối với Mỹ, chiến lược này là một nỗ lực nhằm xây dựng một nhóm nhỏ riêng biệt dưới danh nghĩa một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở. Họ thực chất muốn lôi kéo các quốc gia trong khu vực của chúng ta để nhắm mục tiêu vào một quốc gia cụ thể. Đó là một chiến lược tạo ra xung đột và đối đầu, được dùng để kiềm chế và bao vây những nước khác", ông Ngụy nêu cáo buộc.

Hôm 11-6, trong bài phát biểu đầu tiên tại Đối thoại Shangri-La 2022, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Austin khẳng định Mỹ không tìm kiếm đối đầu nhưng sẽ chuẩn bị sẵn sàng để đánh bại những lực lượng gây hấn. Washington sẽ tìm cách tăng cường hợp tác an ninh với các nước, nâng cấp các cuộc tập trận và phát triển những vũ khí mới để tạo ra "năng lực răn đe tích hợp".

Người đứng đầu Lầu Năm Góc cũng mô tả Trung Quốc như một lực lượng gây lo ngại tại khu vực với các yêu sách lãnh thổ vô lý và tham vọng thay đổi hiện trạng quanh eo biển Đài Loan. Ông cam kết Mỹ sẽ sát cánh cùng Đài Loan, hỗ trợ hòn đảo này đủ sức phòng vệ.

"Nếu các vị muốn đối thoại, chúng ta có thể đối thoại nhưng phải tôn trọng lẫn nhau. Còn nếu các vị muốn đối đầu, chúng tôi sẽ chiến đấu đến cùng", ông Ngụy nói về quan hệ Mỹ - Trung tại Đối thoại Shangri-La 2022.

Theo ông Ngụy, không một quốc gia nào có thể ngăn cản con đường tái thống nhất Đài Loan của Trung Quốc.


Khi được hỏi liệu Bắc Kinh có thay đổi hiện trạng nếu Đài Bắc không tuyên bố tách khỏi nước này, ông Ngụy khẳng định sẽ "thống nhất hòa bình" nhưng nếu Đài Loan ly khai, Trung Quốc sẽ hành động "theo cách khác".


"Nếu ai đó dám tách Đài Loan khỏi chúng tôi, Trung Quốc sẽ không ngần ngại mà chiến đấu và sẽ chiến đấu tới cùng, chiến đấu bằng mọi giá", vị bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc nêu cảnh báo tại sự kiện sáng 12-6.


Cũng theo ông Ngụy, việc Mỹ can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc sẽ đẩy quan hệ song phương trượt dốc hơn nữa và việc cải thiện quan hệ nằm ở thái độ, hành động của Mỹ chứ không phải Trung Quốc.


"Trung Quốc muốn hòa bình, không tấn công ai"


Cũng trong bài phát biểu sáng 12-6, bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc tiếp tục tuyên bố nước này sẽ không tìm kiếm bá quyền và chưa bao giờ là nước phát động một cuộc tấn công nước khác.


Theo ông Ngụy, dù đạt được "những tiến bộ ấn tượng" trong phát triển vũ khí hạt nhân, Trung Quốc chỉ dùng cho mục đích tự vệ và sẽ không tấn công nước nào trước bằng loại vũ khí hủy diệt này.

Ông nhấn mạnh quan điểm của Bắc Kinh là mọi quốc gia đều bình đẳng như nhau, bất kể là nước lớn hay nước nhỏ và do đó cần tôn trọng lẫn nhau.

Ông cũng trấn an rằng sự phát triển của nước này không phải là một mối đe dọa, mà là một sự đóng góp cho hòa bình, ổn định của thế giới với minh chứng là những hỗ trợ cho các nước trong COVID-19.

Về vấn đề Biển Đông, nơi Trung Quốc đưa ra các yêu sách vô lý chiếm phần lớn diện tích khu vực, ông cho biết Bắc Kinh "tôn trọng tự do hàng hải theo luật quốc tế" tại Biển Đông và mong muốn biến nơi này thành "vùng biển hòa bình, hữu nghị, hợp tác".

"Hãy giải quyết các tranh chấp hàng hải trên Biển Đông thông qua các cuộc tham vấn hữu nghị", ông nêu quan điểm của Bắc Kinh.

Đối thoại Shangri-La là một sự kiện thường niên, quy tụ các quan chức an ninh - quốc phòng cấp cao từ nhiều nước châu Á nên còn được xem như "Thượng đỉnh an ninh châu Á".


Thời báo Hoàn Cầu mô tả sự kiện như một tập hợp nói xấu Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh vẫn tham gia để thể hiện thiện chí lắng nghe và đáp trả các tuyên bố "sai lệch" của nước khác.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nhấn mạnh Washington sẽ tiếp tục sát cánh cùng các đồng minh và đối tác tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nhưng sẽ không có một liên minh kiểu "NATO phiên bản châu Á" như nhiều lo ngại.

Chia sẻ Facebook