Trung Quốc tìm “mô hình mới” trong quan hệ với Mỹ và những nơi khác

Chia sẻ Facebook
11/01/2024 04:35:17

Trước những thách thức kinh tế và căng thẳng với phương Tây, Trung Quốc theo đuổi mối quan hệ chặt chẽ ở những nơi khác thông qua các nền tảng như BRI và nhóm BRICS.


Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (Wang Yi) hôm 9/1 cho biết đất nước ông hy vọng sẽ hình thành một “mô hình mới” điều chỉnh quan hệ quốc tế vào năm 2024, nhấn mạnh các nguyên tắc hòa bình và chủ nghĩa đa phương.


Trong bài phát biểu đánh giá các hoạt động ngoại giao của Trung Quốc trong năm 2023, ông Vương cho biết Bắc Kinh đã chọn con đường “hợp tác” và “công bằng” thay vì “chính trị quyền lực” đối đầu.


Giai đoạn mới


“Trong thế giới ngày nay, những mâu thuẫn mới và cũ đan xen, chủ nghĩa đơn phương gia tăng, các ưu tiên trong nước được đề cao, thâm hụt quản trị và thâm hụt niềm tin của cộng đồng quốc tế tiếp tục gia tăng”, ông Vương, cũng là người đứng đầu ngành ngoại giao của đất nước tỷ dân, cho biết.


“Trung Quốc sẽ luôn tuân thủ hợp tác cùng có lợi, tích cực thúc đẩy toàn cầu hóa kinh tế toàn diện và kiên quyết phản đối mọi hình thức chủ nghĩa đơn phương, chủ nghĩa bảo hộ và toàn cầu hóa ngược. Chúng tôi sẽ luôn tuân thủ sự công bằng và chính nghĩa, ủng hộ việc xây dựng một thế giới đa cực bình đẳng và trật tự, đồng thời thực hiện chủ nghĩa đa phương thực sự”, ông nói.


Ông Vương – phát biểu tại sự kiện do 2 tổ chức tư vấn là Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc và Quỹ Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc tổ chức – cho biết rằng nền ngoại giao của quốc gia Đông Á sẽ bước vào một giai đoạn mới “hoàn thành” hơn, giống như nhận xét của Chủ tịch Tập Cận Bình (Xi Jinping) vào tháng trước.

Ngoại trưởng Vương Nghị phát biểu tại Hội nghị chuyên đề về tình hình quốc tế và ngoại giao Trung Quốc năm 2023 tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 9/1/2024. Ảnh: EFE


Ông nói rằng đất nước nên đi theo các triết lý của ông Tập Cận Bình “để mở ra một lĩnh vực mới trong lý thuyết và thực tiễn ngoại giao của Trung Quốc, đồng thời định hình một mô hình quan hệ mới giữa đất nước chúng ta và thế giới, nhằm nâng cao ảnh hưởng, sức thu hút và quyền lực quốc tế của đất nước chúng ta đối với định hình các sự kiện lên tầm cao mới”.


Bài phát biểu của ông Vương được đưa ra trong trong bối cảnh những thách thức kinh tế và căng thẳng với phương Tây. Trung Quốc đang theo đuổi mối quan hệ chặt chẽ với các nước đang phát triển thông qua các nền tảng như Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) và nhóm BRICS.


Ông Vương cho biết Trung Quốc sẽ tiếp tục “khám phá con đường đúng đắn để hòa hợp” với Mỹ và cho biết sẽ “không có sự đối đầu giữa các khối hay chiến tranh lạnh mới” nếu “Trung Quốc và châu Âu cùng chung tay”.


Tuần trước, người đứng đầu Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cảnh báo rằng, việc chia nền kinh tế thế giới thành các khối do Mỹ và Trung Quốc dẫn đầu có thể làm giảm 7% sản lượng kinh tế toàn cầu do chi phí thương mại cao hơn.


Điểm “cộm” nhất


Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) đã trở nên căng thẳng do mối quan hệ chặt chẽ của Bắc Kinh với Moscow, và việc Trung Quốc không ủng hộ cuộc chiến ở Ukraine nhưng cũng không lên án hay tuân theo các lệnh trừng phạt Nga.


Ngoại trưởng Vương cho biết Trung Quốc sẽ tiếp tục mở rộng mạng lưới đối tác toàn cầu và hợp tác chặt chẽ với các nước đang phát triển, đồng thời làm sâu sắc thêm niềm tin chiến lược và quan hệ đối tác với Nga.


Ông cũng cam kết duy trì “sự công bằng và chính nghĩa” cũng như cung cấp thêm “các giải pháp và trí tuệ của Trung Quốc” nhằm tìm kiếm hòa bình cho các cuộc chiến ở Ukraine và Dải Gaza.


Nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc khẳng định quyết tâm của Trung Quốc trong việc bảo vệ công lý, bao gồm toàn vẹn lãnh thổ, bằng lập trường mạnh mẽ về Đài Loan, cảnh báo chống lại sự can thiệp và khiêu khích từ bên ngoài.

Hải quân Trung Quốc tập trận trong vùng biển xung quanh đảo Đài Loan, ngày 5/8/2022. Ảnh Xinhua/Getty Images


“Chúng ta sẽ chiến đấu kiên quyết và mạnh mẽ… trước sự can thiệp và khiêu khích từ bên ngoài. Quyết tâm của 1,4 tỷ người dân Trung Quốc thúc đẩy thống nhất đất nước là vững chắc”, ông nói, đề cập đến đảo Đài Loan, nơi mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền.


“Không ai hay bất kỳ thế lực nào được phép thách thức ý chí sắt đá của người dân Trung Quốc hoặc cố gắng làm tổn hại đến lợi ích cốt lõi của Trung Quốc”.


Đài Loan – nơi mà Bắc Kinh coi là một phần của Trung Quốc và phải được thống nhất với đại lục, bằng vũ lực nếu cần thiết – được coi là điểm “cộm” nhất trong quan hệ Mỹ-Trung. Đài Loan sẽ bầu lãnh đạo mới vào ngày 13/1 và kết quả của cuộc bầu cử này có thể có tác động đáng kể đến mối quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh.


Hôm 7/1, Trung Quốc công bố lệnh trừng phạt đối với 5 công ty quốc phòng Mỹ sau khi Washington phê duyệt thỏa thuận trị giá 300 triệu USD để nâng cấp hệ thống thông tin chiến thuật của Đài Loan .


Minh Đức (Theo SCMP, EFE/La Prensa Latina)

Chia sẻ Facebook