Trung Quốc tích trữ vàng để giảm phụ thuộc vào USD?

Chia sẻ Facebook
23/11/2022 13:26:11

Trung Quốc từng bất ngờ tiết lộ nắm giữ 600 tấn vàng sau 6 năm không công bố bất cứ giao dịch mua vàng nào. Giờ đây, nước này có thể tiếp tục âm thầm tích trữ kim loại quý.

Trung Quốc tích trữ vàng để giảm phụ thuộc vào USD?

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc được cho là đứng sau thương vụ mua vào hàng trăm tấn vàng. Ảnh: Reuters.


Theo Nikkei Asia, các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới đã đẩy mạnh mua vàng trong năm nay, nhưng danh tính bên mua không được tiết lộ. Nhiều nhà phân tích cho rằng Trung Quốc là khách hàng lớn. Bởi nước này muốn giảm phụ thuộc vào đồng USD .

Theo Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), các ngân hàng trung ương trên thế giới đã mua tổng cộng 400 tấn vàng trong quý III, tăng gấp 4 lần so với một năm trước đó.

Trong quý I và quý II, con số này lần lượt là 87,7 tấn và 186 tấn. Kể từ đầu năm, lượng kim loại quý được các ngân hàng trung ương mua vào đã đạt mức cao nhất kể từ năm 1967.

300 tấn vàng không rõ bên mua

Các ngân hàng trung ương của Thổ Nhĩ Kỳ, Uzbekistan và Ấn Độ cho biết đã mua lần lượt 31,2 tấn, 26,1 tấn và 17,5 tấn vàng, tổng cộng khoảng 90 tấn. Đến nay, vẫn chưa rõ những ngân hàng trung ương nào đang nắm giữ 300 tấn vàng còn lại.

"Không phải tất cả tổ chức đều công khai lượng vàng mà họ nắm giữ, hoặc họ có thể công khai muộn", WGC cho biết trong một báo cáo. "Chúng tôi không loại trừ khả năng có nhiều thương vụ mua vàng hơn nữa nhưng không được công khai", WGC nói thêm.

Theo ông Koichiro Kamei - nhà phân tích tài chính và kim loại quý, quy mô của những thương vụ không xác định bên mua này "là chưa từng có". Điều này làm dấy lên nhiều suy đoán.

"Trung Quốc có thể đã mua một lượng vàng lớn từ Nga", ông Itsuo Toshima - một chuyên gia phân tích thị trường - bình luận. Trên thực tế, Bắc Kinh từng có những động thái tương tự trước đây.

Vào năm 2015, Bắc Kinh khiến thị trường choáng váng với lượng nắm giữ vàng lên tới 600 tấn. Trước đó, họ đã không công bố bất cứ giao dịch mua nào kể từ tháng 9/2009.

Theo ông Toshima, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc có khả năng đã mua một phần trong số lượng nắm giữ vàng hơn 2.000 tấn của Ngân hàng Trung ương Liên bang Nga.

Đa dạng hóa danh mục


Trong hơn 10 năm qua, các ngân hàng trung ương và tổ chức chính phủ đã tăng cường tích trữ vàng. Kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 làm xói mòn niềm tin vào trái phiếu kho bạc Mỹ và những tài sản bằng USD khác, các tổ chức này phải đẩy mạnh đa dạng hóa danh mục đầu tư.


Theo Bộ Tài chính Mỹ, kể từ cuối tháng 2 đến hết tháng 9, Trung Quốc đã bán 121,2 tỷ USD trái phiếu của Mỹ, có giá trị tương đương với 2.200 tấn vàng.

Theo cơ quan hải quan Trung Quốc, nhập khẩu vàng của Trung Quốc từ Nga đã tăng mạnh trong tháng 7, tăng gấp 8 lần so với tháng trước và gần 50 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo ông Nikos Kavalis - Giám đốc điều hành của công ty kim loại quý Metals Focus, các ngân hàng trung ương vẫn sẽ tăng mua vàng. Bởi giá kim loại quý đã đi lên trong vài năm qua, và tài sản này cũng không bị ảnh hưởng bởi các quốc gia khác.

Khi giá kim loại giảm, khách hàng châu Á tranh thủ mua vàng trang sức và vàng miếng giá rẻ. Ảnh: Reuters.

Ngoài ra, tháng trước, Bloomberg đưa tin thị trường vàng toàn cầu đang chứng kiến một cuộc chuyển dịch. Các nhà đầu tư phương Tây ồ ạt bán vàng miếng. Trong khi đó, khách hàng châu Á tranh thủ mua vàng trang sức và vàng miếng giá rẻ.

Theo Bloomberg, một lượng lớn kim loại quý đang bị rút khỏi những trung tâm tài chính như New York, và hướng tới phía đông để đáp ứng nhu cầu tại thị trường Thượng Hải, Grand Bazaar (Thổ Nhĩ Kỳ).

Hiện tượng này đã xảy ra trong nhiều giai đoạn suốt những thập kỷ qua. Khi các nhà đầu tư phương Tây có xu hướng bán tháo dẫn đến giá giảm, lực mua của những khách hàng châu Á sẽ tăng lên. Kim loại quý do đó chảy về phía đông và giúp giá phục hồi phần nào.

Sau đó, khi giá vàng tăng trở lại, phần lớn kim loại quý sẽ quay về các hầm chứa dưới lòng New York, London và Zurich.

Thảo Phương

Chia sẻ Facebook