Trung Quốc thử nghiệm đĩa bay chở người đầu tiên trên thế giới

Chia sẻ Facebook
14/06/2023 19:12:17

Nhiều công ty trên thế giới đang phát triển taxi bay cất, hạ cánh thẳng đứng chạy bằng điện, nhưng một công ty Trung Quốc lại có ý tưởng chế tạo UFO chở người.

Chiếc iUFO bay thử nghiệm tại công viên ở Thâm Quyến hôm 3/6 (Ảnh: technews).

Chiếc đĩa bay cất hạ cánh thẳng đứng chạy bằng điện đầu tiên trên thế giới đã bay thử nghiệm thành công trong một sự kiện quảng cáo được tổ chức tại thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông hôm 3/6 vừa qua. Đĩa bay có tên iUFO này, đúng như tên gọi, có hình dáng của một chiếc đĩa bay như trong các bộ phim khoa học viễn tưởng, thể đạt tốc độ tối đa 50 km/h, có thể bay lên độ cao 200 mét, thời gian bay liên tục 15 phút, có thể điều khiển bằng tay và chế độ lái tự động. iUFO tuy không thể đưa bạn vào vũ trụ nhưng cũng là quá đủ để ngắm cảnh trong thành phố.

Chiếc iUFO cất hạ cánh và bay nhờ 6 trục cánh quạt (Ảnh: electrek)

Động lực của chiếc đĩa bay này thực sự đến từ các trục cánh quạt nằm trong sáu hốc. Theo tuyên bố của nhà chế tạo, thiết kế này tăng gấp ba lần khả năng dự phòng an toàn của nó; nói cách khác, cho dù 4 cánh quạt bị trục trặc thì hai chiếc còn lại vẫn có thể cho phép đĩa bay hạ cánh an toàn; chưa hết, chiếc đĩa bay này có cả khả năng cất hạ cánh cả trên mặt nước và trên mặt đất.

Công ty Công nghệ UFO Thâm Quyến (Shenzen UFO Flying Saucer Technology) nơi phát triển chiếc đĩa bay này đã hợp tác với các nhà khoa học ở Đại học Bắc Cương và Đại học Bách khoa Tây Bắc để nghiên cứu chế tạo chiếc khí cụ bay cất và hạ cánh thẳng đứng hào nhoáng này sau ba năm. Theo công ty, trong tương lai có thể sử dụng nó vào việc tham quan du lịch và biểu diễn quảng cáo và các mục đích khác. Hiện tại, chiếc iUFO chạy điện này chủ yếu sẽ được sử dụng để tham quan và quảng cáo, công ty cũng đã nhận được bằng sáng chế toàn cầu cho công nghệ của mình.

Nhiều người tò mò tham quan phương tiện bay độc đáo này (Ảnh: electrek).

Đây dường như là một loại hình eVTOL (khí cụ bay cất cánh và hạ cánh thẳng đứng bằng điện) đã được đề cập tới nhiều. Nhiều công ty đều cho rằng eVTOL sẽ trở thành một lựa chọn mới cho việc đi lại trong đô thị trong tương lai; chỉ cần một tài xế chuyên nghiệp có thể chở được từ 4 đến 6 người di chuyển nhanh chóng giữa các địa điểm, trở thành phương tiện công cộng cao cấp kết hợp giữa taxi và trực thăng.

Công nghệ eVTOL đã phát triển đáng kể trong vài năm qua với một loạt các khoản đầu tư được bỏ ra để cắt giảm khí thải và giải quyết vấn đề giao thông ở các thành phố đông đúc. Một số nhà sản xuất ô tô và công ty hàng không đang nỗ lực hợp tác để làm cho công nghệ này trở nên khả thi. “Ô tô bay” X2 của XPeng đã trở thành eVTOL có người lái đầu tiên nhận được giấy phép bay tại Trung Quốc vào đầu năm nay.

Video về chuyến bay thử nghiệm chiếc iUFO (nguồn: Hk01).

Hãng Volkswagen của Đức cũng đã tiết lộ nguyên mẫu máy bay không người lái chở khách chạy điện đầu tiên vào tháng 7 năm ngoái, có biệt danh là “Flying Tiger” (Hổ bay). Trong khi đó, Toyota đã mở rộng quan hệ đối tác với Joby Aviation để sản xuất hàng loạt eVTOL chở khách.

Archer Aviation là một cái tên khác đáng được theo dõi, với eVTOL “Midnight” đầu tiên được đưa ra từ dây chuyền sản xuất vào tháng 5/2023.

Tuy nhiên, chiếc đĩa bay mang tính thời sự cao này lại không có khả năng đó; mặc dù có thể chở người nhưng iUFO chỉ có một chỗ ngồi. Thật khó hình dung nếu khi sử dụng nó cho mục đích “tham quan”, cho phép một mình hành khách tự “lên đĩa bay” rồi hoàn toàn nhờ vào hệ thống lái tự động? E rằng rất ít quốc gia trên thế giới dám thách thức mối quan ngại về an toàn như vậy.

Trong thời gian ngắn tới đây, chiếc iUFO này có lẽ chỉ được sử dụng trong lĩnh vực quảng cáo và biểu diễn, còn trong các ứng dụng thực tế, sản phẩm tạo hình độc đáo này không có ứng dụng thực sự, tiềm năng phát triển rất hạn chế .


Theo Technews, Electrek

Chia sẻ Facebook