Trung Quốc: thị trường bất động sản cực kỳ khó khăn, giá nhà giảm sâu không ai mua

Chia sẻ Facebook
08/06/2023 11:39:10

VietTimes – “Thị trường bất động sản cả nước đã bước vào một thời kỳ khốn khó, tồi tệ chưa từng thấy”, đó là nhận định của bài viết “Thị trường bất động sản Bắc Kinh bước vào thời kỳ tồi tệ” đăng trên trang Zhihu ngày 4/6.

Thị trường nhà đất Trung Quốc hiện đang ở vào thời kì ảm đạm (Ảnh: Thepaper).

Thị trường bất động sản khốn khó


Theo bài viết, số lượng nhà ở đã qua sử dụng được rao bán ở Bắc Kinh hiện vượt quá 120.000 căn và số lượng rao bán trên mạng nội bộ vượt quá 140.000 căn, lượng hàng tồn đọng cao như vậy cho thấy thị trường bất động sản Bắc Kinh hiện rất khó khăn.

Để so sánh tình hình của thị trường bất động sản Bắc Kinh, bài viết cũng tìm hiểu số lượng nhà ở rao bán trên mạng của 3 thành phố cấp một và một số thành phố cấp hai khác.

Đầu tiên là Quảng Châu, số lượng nhà ở đã qua sử dụng đang được rao bán là 134.015 căn, đây cũng là số lượng rao bán bên ngoài, nếu tính cả số lượng trên mạng nội bộ, ước tính sẽ không ít hơn số lượng nhà rao bán ở Bắc Kinh. Thứ hai là Thượng Hải, trước đây trên mạng có tin đồn rằng số lượng nhà ở đã qua sử dụng ở Thượng Hải rao bán là 400.000 căn. Con số này có thể hơi phóng đại.

Điều kỳ lạ là số lượng nhà ở đã qua sử dụng ở Thượng Hải không được hiển thị trên app của một sàn trung gian lớn, mà nó được ẩn đi một cách có chủ đích. App này vẫn công bố số lượng bất động sản cho thuê và số lượng bất động sản mới, nhưng số lượng nhà ở đã qua sử dụng lại không được công bố. Vì vậy, cho dù con số 400.000 căn được nói đến có hơi phóng đại, e rằng cũng không phải là hoàn toàn vô căn cứ.

Ở Thâm Quyến, số lượng nhà ở đã qua sử dụng cần bán là 36.939 căn. Thoạt nhìn, con số này cho thấy dường như có rất ít nhà tồn kho trên thị trường nhà ở cũ ở Thâm Quyến. Tuy nhiên, tình hình thực tế không phải vậy.

Theo "Quy hoạch phát triển đảm bảo nhà ở Thâm Quyến (2016-2020)" cho thấy, căn cứ khảo sát tình hình nhà ở năm 2013, tổng số đơn vị nhà ở tại Thâm Quyến là 10,35 triệu căn, trong đó khoảng 1,28 triệu căn là nhà ở thương mại. Số lượng nhà ở thương mại mới tăng thêm ở Thâm Quyến chỉ từ 50.000 đến 60.000 căn/năm. Xem xét số lượng nhà ở thương mại mới được bổ sung trong 10 năm qua, số lượng nhà ở thương mại ở Thâm Quyến chỉ khoảng 1,8 triệu căn, đại khái sẽ không vượt quá 2 triệu căn hộ. Số lượng nhà ở thương mại ở Thâm Quyến ít hơn nhiều nên việc rao bán dĩ nhiên cũng ít.

So sánh số lượng nhà ở đã qua sử dụng rao bán ở 3 thành phố cấp một gồm Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Châu, người ta thấy số lượng nhà ở đã qua sử dụng rao bán ở Bắc Kinh rất có thể là thấp nhất trong số 3 thành phố cấp một.

Sau nhiều năm phát triển nóng, bất động sản ở các thành phố Trung Quốc giờ đây ứ đọng rất nhiều (Ảnh: Thepaper).

Làn sóng "bán ế" lan tới các thành phố cấp hai

Đối với các thành phố cấp hai, điểm đến đầu tiên là Thiên Tân, thành phố nằm gần Bắc Kinh nhất. Thành phố này có 172.156 căn nhà ở đã qua sử dụng rao bán trên Internet. Ít ai ngờ con số này lại cao hơn nhiều so với Bắc Kinh.

Tiếp đến là Hàng Châu, có 130.070 căn nhà ở đã qua sử dụng được niêm yết bán. Trước đây, do Tập đoàn Alibaba sa thải nhân viên, thành phố này một lần nữa lọt vào tầm ngắm của nhiều người. Trong 22 năm, dân số thường trú của Hàng Châu là 12,37 triệu người và số lượng nhà cũ được rao bán là 130.000 căn. Xét về tỷ lệ dân số, số lượng nhà cũ cần bán của Hàng Châu rõ ràng vượt quá Bắc Kinh.

Tại Thành Đô, một thành phố khác ở khu vực tây nam, nơi số lượng nhà ở đã qua sử dụng rao bán đã lên tới con số đáng kinh ngạc là 200.115 căn, bỏ xa một số thành phố cấp hai khác.

Số lượng nhà ở đã qua sử dụng niêm yết bán tại các thành phố cấp hai tiêu biểu này, không có ngoại lệ, đều vượt qua Bắc Kinh.

Hiện nay, tình hình thị trường bất động sản ở Bắc Kinh tương đối kém và sức nóng của thị trường bất động sản đã giảm đi rất mạnh. Tuy nhiên, tình hình ở các thành phố khác trên cả nước còn tồi tệ hơn, Thượng Hải thậm chí không dám công bố số liệu về số lượng nhà cũ rao bán, thật khó để tưởng tượng làn sóng bán tháo khủng khiếp đến mức nào.

Vào thời điểm thị trường bất động sản rơi vào tình trạng tồi tệ toàn diện, hoạt động của thị trường bất động sản Bắc Kinh vẫn có thể được coi là khá nhất. Cũng bởi điều này mà trong những tháng gần đây, các nhà phát triển nhà ở từ các nơi khác đã ráo riết đổ về thị trường đấu giá đất ở Bắc Kinh, họ muốn trúng thầu để được chia phần miếng bánh.

Thị trường bất động sản của Bắc Kinh là thị trường có sức kháng cự tốt nhất, và cũng là hy vọng cuối cùng. Nếu thị trường này gặp trục trặc, thị trường bất động sản ở các thành phố khác trên cả nước sẽ chỉ càng thêm khó khăn.

Quảng cáo rao bán nhà dán khắp nơi mà không có người mua (Ảnh: Zhihu).

Giá giảm 200.000 tệ trong ngày, chỉ mong bán được


Trang Eastmoney (Tài phú Phương Đông) ngày 1/6 cũng đăng bài “Thị trường nhà đất Bắc Kinh quá thảm”, trong đó có đoạn: “Thị trường bất động sản ở Bắc Kinh năm nay thê thảm như thế nào? Giá nhà ở nhiều khu vực giảm sâu, nhà cũ dù muốn bán cũng không được".

Một số doanh nghiệp giảm giá 200.000 NDT/căn mỗi ngày chỉ để thoát khỏi bất động sản trong tay họ, một số giảm giá tới 500.000 NDT, nhưng cũng không ai mua.

Thị trường bất động sản ở Bắc Kinh đang trải qua một làn sóng bán tháo, số lượng nhà cũ được rao bán đã vượt quá 120.000 căn, tuy nhiên, vẫn quá khó để tìm được người mua. Trong tháng 4, chỉ có 13.928 bất động sản được đăng ký trực tuyến thành công tại Bắc Kinh, giảm mạnh 37% so với tháng trước và số liệu trong tháng 5 sẽ chỉ càng tồi tệ hơn.

Hầu hết những căn hộ cũ mà Bắc Kinh rao bán đều tập trung ở những ngôi nhà cũ kỹ và diện tích nhỏ. Lấy 110.000 bất động sản do trang “Lianjia” niêm yết làm ví dụ, chỉ một phần mười số căn hộ có tuổi đời chưa đầy 10 năm trong khi tỷ lệ căn hộ dưới 70 mét vuông là lớn nhất. Hiện nay chuỗi thay thế nhà cũ và nhỏ về cơ bản đã bị cắt đứt.


Ở quy mô lớn hơn, xu hướng thị trường bất động sản Bắc Kinh chỉ là một mô hình thu nhỏ của xu hướng thị trường bất động sản Trung Quốc , và hiện nay thị trường bất động sản cả nước không tốt.

Điều này có thể được nhìn nhận từ hai góc độ. Trước hết, hãy nhìn vào các công ty trong chuỗi ngành liên quan đến bất động sản, chẳng hạn như các công ty cải tạo nhà cửa. Năm 2022, có 42 công ty bị phá sản, hoạt động của ngành trang trí nội thất về cơ bản phụ thuộc vào bất động sản; nghề trang trí nội thất khó khăn cho thấy thị trường nhà ở không ổn. Thứ hai, thị trường chứng khoán, dòng vốn đang tháo chạy khỏi thị trường bất động sản. Đương nhiên, hiện nay vẫn chưa phải là thời điểm tồi tệ nhất, thị trường bất động sản sẽ còn "nguội lạnh" hơn trong tương lai.

Chính quyền các địa phương đã phải liên tục “tiêm thuốc trợ tim” cho thị trường bất động sản, với các chính sách kích thích khác nhau như lệnh cấm hạ giá, trả trước quỹ tiết kiệm, hạ lãi suất cho vay, chuyển nhượng thế chấp...Những chính sách này thực chất rất không đem lại kết quả, vẫn chưa có cách nào ngăn chặn tình trạng giá nhà đất sụt giảm, số lượng rao bán ồ ạt, dẫn đến việc các chính sách dần mất tác dụng.

Theo bài viết, năm 2023 là năm cuối cùng để thoát khỏi thị trường bất động sản đang suy sụp. "Đừng ảo tưởng quá nhiều, khi thị trường bất động sản thực sự mất kiểm soát, chính sách sẽ trở nên vô hiệu, ngay cả một thành phố lớn cực kỳ xuất sắc như Bắc Kinh cũng không thể ngăn được xu hướng lớn chứ đừng nói đến các thành phố khác", bài viết có đoạn.

Bài báo kết luận: “Sau nhiều năm phát triển điên cuồng, bất động sản ở Trung Quốc giờ đây ứ đọng nhiều, số lượng nhà mới ngày càng tăng mà dân số lại đang giảm, thị trường bất động sản liệu còn lại bao nhiêu người mua. Loại bỏ kẻ yếu giữ lại kẻ mạnh, và ngăn chặn sự bế tắc, then chốt là ở năm nay”.


Theo Zhihu, Eastmoney

Chia sẻ Facebook