Trung Quốc thành lập ban chuyên trách kinh tế tư nhân, hy vọng cứu vãn nền kinh tế
Trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc suy thoái, có vẻ ĐCSTQ lại tìm kiếm “quân bài cứu mạng” từ doanh nghiệp tư nhân.
Trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc suy thoái, có vẻ nhà cầm quyền Trung Quốc lại tìm kiếm “quân bài cứu mạng” từ doanh nghiệp tư nhân. Mới đây hôm 4/9, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc đã thông báo sẽ thành lập Cục Phát triển Kinh tế Tư nhân. Về vấn đề này, không ít chủ doanh nghiệp nhỏ bày tỏ sự mất lòng tin, chỉ ra rằng tình hình hiện tại giống như thời cuối nhà Thanh, vô phương vãn hồi.
Giống những cải cách cuối thời nhà Thanh?
Hôm 4/9, Phó giám đốc Cong Liang của Ủy ban Cải cách và Phát triển Trung Quốc tiết lộ trong cuộc họp báo Chính phủ, rằng đã thành lập Cục Phát triển Kinh tế Tư nhân thuộc Ủy ban này, chịu trách nhiệm “lập kế hoạch và điều phối tổng thể” các chính sách kinh tế tư nhân.
Vì nội dung cải cách thể chế do chính quyền Trung Quốc (ĐCSTQ) công bố vào tháng 3 năm nay không có cơ quan này, cho nên dường như đây chỉ là biện pháp bổ sung tạm thời.
Về vấn đề này, tổng biên tập tờ “Mùa xuân Bắc Kinh” (Beijing Spring) là ông Chen Weijian nói với Epoch Times hôm 4/9, rằng nền kinh tế Trung Quốc hiện đang trong tình trạng sụp đổ, chính quyền nhận thức được nguy cơ nên thành lập Cục Phát triển Doanh nghiệp Tư nhân như một phương sách ứng phó khẩn cấp.
Dong Ping (tên hiệu) – chủ một doanh nghiệp nhỏ ở Trung Quốc nói với Epoch Times vào ngày 4/9, rằng ông không tin vào những “cải cách” này của chính quyền, tình hình trong nước hiện tại mà ĐCSTQ đang giải quyết rất giống với những cái gọi là “cải cách” vào cuối thời nhà Thanh. Ông nói: “Tất cả những cải cách được công khai hô hào đều là giả mạo, mục đích duy nhất là bảo toàn vị thế thống trị của ĐCSTQ. Cho dù có Cục Phát triển Kinh tế Tư nhân cũng là để kiểm soát doanh nghiệp, để nhà cầm quyền cố gắng duy trì sinh tồn của họ trong lúc hấp hối”.
Còn ông Chen Weijian cho rằng ĐCSTQ cần văn phòng này để tạo niềm tin cho các doanh nghiệp tư nhân, nhưng hầu hết các doanh nghiệp tư nhân sẽ không còn tin nữa. Ông lưu ý: “Điều quan trọng là dù có tin thì cũng vô ích, vì nếu đầu tư mở rộng sản xuất thì sản phẩm sẽ không bán được, do không có nhu cầu trong nước”.
Sau khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền đã thanh lọc nhiều ngành nghề tập trung doanh nghiệp tư nhân, nhưng trong bối cảnh gần đây, giới doanh nghiệp tại Trung Quốc điêu đứng thì nhà cầm quyền lại nhấn mạnh hỗ trợ nền kinh tế tư nhân và ban hành một loạt biện pháp.
Ví dụ ngày 19/7 đã ban hành “ Ý kiến về thúc đẩy sự phát triển và tăng trưởng của kinh tế tư nhân” (gọi là Điều 31 hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân). Nhưng các chính sách của chính quyền Trung Quốc đã bị cáo buộc là tự mâu thuẫn. Theo quy định tại “Điều 31” , các ban ngành “không được gây rào cản trong vấn đề thành lập doanh nghiệp thông qua các hình thức như lập hồ sơ, đăng ký, kiểm tra hàng năm, công nhận, chứng nhận, yêu cầu chỉ định…”. Tuy nhiên, Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin ngày 8/8 đã công bố quy định mới rằng tất cả các ứng dụng di động (App) phải được đăng ký trước thì mới có thể hoạt động. Phần lớn những người mở ứng dụng di động ở Trung Quốc là doanh nghiệp tư nhân.
Nói với Epoch Times hôm 4/9, cựu doanh nhân Thâm Quyến sống ở Mỹ là Wang Yingguo cho rằng nền kinh tế tư nhân là sản phẩm của nền kinh tế thị trường, đó cũng là nhờ cải cách hệ thống chính trị. Kinh tế tư nhân sẽ tự phát triển khi không còn bị cỗ máy chính trị bóc lột qua những chính sách bất công. Ông cho rằng ĐCSTQ hiện tại đã cạn kiệt mọi tích lũy kinh tế có được trong những thập niên gần đây, không ngừng đùa giỡn với người dân và dư luận, quan chức các cấp chỉ muốn thể hiện lòng trung thành với bộ máy để thăng tiến nên xem nhẹ dân sinh, thực tế đó chẳng khác nào tự hại bộ máy cầm quyền.
Ông chủ doanh nghiệp nhỏ Dong Ping cho biết, giờ đây mọi người có thể thấy mọi ngành nghề đều bị đẩy vào đường cùng do cái gọi là “thịnh vượng chung” của nhà cầm quyền, vì thực hiện con đường này phải dùng cách trấn áp những doanh nghiệp giàu có. Ông chỉ ra rằng toàn bộ xã hội hiện đang tràn ngập bầu không khí tuyệt vọng, ĐCSTQ có tuyên truyền bao nhiêu cũng vô ích vì thực tế cảnh khốn khó không giải quyết được.
Doanh nghiệp tư nhân và thân phận “vỗ béo để thịt”
Trong bối cảnh này, gần đây cộng đồng mạng Trung Quốc lại chia sẻ nóng một video về bài phát biểu của nhà kinh tế Trung Quốc Xiang Songzuo cách đây vài năm. Ông Xiang Songzuo cho rằng tâm lý chung của các doanh nhân tư nhân hiện nay là: “Cần chúng tôi là lựa chọn chẳng đặng đừng, loại bỏ chúng tôi là lý tưởng cao nhất”.
Ông Chen Weijian cho rằng bài phát biểu của ông Xiang Songzuo đã nói lên gốc rễ của vấn đề: Doanh nghiệp tư nhân sẽ luôn trong thân phận “vỗ béo để thịt” của ĐCSTQ, thậm tệ hơn, họ vừa là miếng mồi vừa bị lên án trở thành kẻ thù của nhân dân, vấn đề này không ít lần xảy ra trong thời ĐCSTQ cầm quyền.
Vài năm qua, chính quyền Trung Quốc thường nhấn mạnh vấn đề gọi là “an ninh chính trị”. Về vấn đề này, Giáo sư Xu Chenggang, nhà nghiên cứu tại Viện Hoover của Đại học Stanford ở Mỹ, gần đây đã chỉ ra trên truyền thông rằng cơ chế của ĐCSTQ không thể dung nạp sự phát triển của chủ nghĩa tư bản.
Ông lưu ý:
-“Khi ĐCSTQ cảm thấy những yếu tố [tư bản] này có lợi cho cai trị của họ thì họ có thể tạm cho phép nó phát triển; nhưng khi ĐCSTQ lo lắng về các cuộc cách mạng màu bên cạnh xu thế lớn mạnh của chủ nghĩa tư bản, thì là lúc họ sẽ trấn áp chủ nghĩa tư bản để tránh ‘diễn biến hòa bình’…”.
-“Nhiều người cho rằng Trung Quốc khác với Liên Xô, Trung Quốc khác với Đông Âu. Nhưng đó vẫn là Đảng Cộng sản, hệ thống đó là như vậy: không thể dung chứa sự phát triển của chủ nghĩa tư bản. Đảng Cộng sản chỉ có thể cho phép chủ nghĩa tư bản phát triển dưới sự kiểm soát, nhưng khi chủ nghĩa tư bản nhận ra rằng Đảng Cộng sản không cho phép nó phát triển thì chủ nghĩa tư bản còn có thể phát triển được không? Chính vì vậy mà hiện nay là các yếu tố của chủ nghĩa tư bản đang nhanh chóng biến mất ở Trung Quốc, chiều ngược lại là các doanh nghiệp nhà nước đang nhanh chóng mở rộng”.
Số liệu chính thức từ ĐCSTQ trong 7 tháng đầu năm nay cho thấy: lợi nhuận của nhóm doanh nghiệp nhà nước tăng 3,9% so với cùng kỳ năm trước, trong khi lợi nhuận của các doanh nghiệp tư nhân trên toàn quốc giảm 15,5% so với cùng kỳ năm trước.
Chia sẻ với Epoch Times hôm 31/8, chuyên gia về các vấn đề Trung Quốc là ông Wang He cho hay, điều này cho thấy trong vài năm qua không chỉ thu hẹp doanh nghiệp trong nước mà cả các doanh nghiệp có vốn nước ngoài cũng thoái lui, lợi nhuận của họ đều trong cảnh giảm sút, chỉ có doanh nghiệp nhà nước của ĐCSTQ ngày càng tăng, khoảng trống để phát triển doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nước ngoài trở nên bế tắc.
Theo Hải Chung và Lạc Á / Epoch Times
Nhà đầu tư Trung Quốc liên tục đổ vào quỹ nước ngoài để tránh rủi ro
Tốc độ phục hồi kinh tế Trung Quốc chững lại đã khiến các nhà đầu tư trong nước mất niềm tin và liên tiếp đầu tư vào thị trường vốn nước ngoài.