Trung Quốc sợ mất danh xưng 'công xưởng thế giới' vì thiếu lao động

Chia sẻ Facebook
08/02/2023 09:38:03

Để giải quyết tình trạng thiếu lao động tay nghề cao, những thành phố lớn như Bắc Kinh ban hành nhiều chương trình, quy định về tối ưu hóa hệ thống giáo dục nghề nghiệp.

Trung Quốc sợ mất danh xưng 'công xưởng thế giới' vì thiếu lao động

Nhiều sinh viên trường nghề tốt nghiệp nhưng không thể vào nhà máy làm việc vì thiếu kỹ năng. Ảnh: Brian Wang.

Sau khi lấy bằng kỹ thuật của Cao đẳng Khoa học và Công nghệ Điện tử Quý Châu, Guo Wenli nhận thấy anh không thể dùng tấm bằng của mình để làm việc đúng ngành.

"Chuyên ngành của tôi được cho là sẽ phù hợp với bộ phận gia công trong các nhà máy. Nhưng những gì giáo viên dạy lại không giúp tôi áp dụng được khi làm việc trong nhà máy", chàng trai 23 tuổi nói với SCMP.

Được biết, ngành học của Guo liên quan gia công cơ khí thông qua điều khiển số trên máy tính - ngành tập trung vào điều khiển tự động các công cụ gia công bằng máy. Nhưng sau khi tốt nghiệp, Guo không làm trong nhà máy mà chuyển hướng bán bất động sản.

Guo nói rằng hầu hết sinh viên trong lớp anh không thể thành thạo phần thực hành. Anh cho rằng nguyên nhân là sinh viên thiếu cơ hội tiếp xúc và tập vận hành máy móc. Chính điều này khiến họ thiếu đi các kỹ năng cơ bản để sử dụng thiết bị tại nhà máy.

"Ví dụ, tôi có thể đạt 92 điểm môn lập trình. Nhưng khi vào nhà máy, tôi còn không biết cách sử dụng bảng điều khiển", Guo tâm sự, đồng thời cho biết thêm các giáo viên hầu như là người có bằng đại học, không phải công nhân lành nghề. Do đó, sinh viên không được dạy những kỹ năng cần thiết trong các buổi học thực tế.

Trung Quốc dự kiến tuyển sinh ít nhất 1,4 triệu sinh viên vào đại học, cao đẳng kỹ thuật. Ảnh: China Daily.

Nhiều người học nghề nhưng vẫn thiếu lao động

Trung Quốc đã và đang cố gắng khuyến khích nhiều sinh viên theo đuổi nền giáo dục kỹ thuật vì nước này muốn giải quyết tình trạng thiếu nhân viên cổ cồn xanh, đồng thời duy trì danh xưng "công xưởng thế giới".

Tháng 5/2022, Bộ Nhân sự và An sinh Xã hội cho biết Trung Quốc đang nhắm tới việc tuyển sinh ít nhất 1,4 triệu sinh viên vào các trường đại học, cao đẳng kỹ thuật trong năm 2022-2023. Bắc Kinh cũng tuyên bố sẽ coi việc đào tạo nhân lực có tay nghề là một phần quan trọng trong chiến lược phát triển lực lượng lao động chất lượng.

Các nhà hoạch định chính sách theo đó đã đưa ra một số cải cách trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Chính sách này được đưa ra sau khi Trung Quốc ước tính cả nước sẽ thiếu gần 30 triệu lao động trong lĩnh vực sản xuất vào năm 2025. Trong số 100 nghề thiếu nhiều lao động nhất, 36 nghề được phân vào nhóm sản xuất và liên quan biên chế.

Theo Zhang Xiaorao, Giám đốc Silk Road Vocational College, do suy thoái kinh tế quốc gia và áp lực ngày càng tăng đối với lực lượng lao động, Trung Quốc đang khiến những người trẻ tuổi nhận thức được sự cần thiết của việc sở hữu kỹ năng liên quan kỹ thuật. Do đó, các trường dạy nghề bắt đầu cạnh tranh hơn khi tuyển sinh.

"Chúng tôi từng gặp khó khăn trong việc tuyển sinh. Nhưng bây giờ, số lượng sinh viên lớn hơn nhiều so với nhu cầu nên chúng tôi phải chọn lọc kỹ hơn", Zhang nói, đồng thời cho biết thêm tình trạng thiếu lao động hiện nay ở một số nhà máy khiến việc dạy nghề trở nên dễ dàng hơn.

Các quan chức ở Bắc Kinh dự đoán số sinh viên tốt nghiệp đại học năm nay sẽ đạt 11,58 triệu, tăng 820.000 người so với năm 2022. Dù vậy, tỷ lệ thất nghiệp của nhóm 16-24 tuổi vẫn ở mức cao, khoảng 16,7% trong tháng 12, tháng 11 là 17,1%.

Cũng trong tháng 12/2022, Trung Quốc ghi nhận tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị ở mức 5,5%, giảm nhẹ so với tháng 11 là 5,7%.

Nguyên nhân bắt nguồn từ khâu đào tạo

Dù nhận được nhiều tài trợ từ chính phủ, Zhang cho biết trường của cô vẫn phải đối mặt với tình trạng hợp tác yếu kém giữa nhà trường và doanh nghiệp vì nền kinh tế trì trệ, các công ty phải ưu tiên sự sống còn của chính họ.

Các doanh nghiệp không thực sự tính đến nhu cầu về nhân tài nên sự hợp tác giữa công ty và trường học đã yếu đi đáng kể. Vấn đề là dù có hệ thống giáo dục nghề nghiệp lớn nhất thế giới, Trung Quốc lại không bắt kịp xu hướng thay đổi trong sản xuất.

Cụ thể, các cơ sở dạy nghề vẫn chưa nhạy bén với các xu hướng thay đổi trong sản xuất và thiếu suy nghĩ về cách phát triển lực lượng lao động phù hợp với yêu cầu của các ngành công nghiệp mới.

Ước tính, chưa đến 10% giáo viên tại các trường trung học dạy nghề của Trung Quốc có kinh nghiệm quản trị kinh doanh hoặc sản xuất chuyên nghiệp. Chỉ khoảng 15% giáo viên đã tham gia đào tạo kỹ thuật trong các công ty. Bằng cấp là yếu tố cản trở khiến các lao động lành nghề không thể trở thành giáo viên dạy nghề.

Đây cũng chính là lý do gây mẫu thuẫn về cơ cấu, khiến hàng chục triệu sinh viên tốt nghiệp trường nghề không thể lấp đầy tình trạng thiếu hụt gần 10 triệu công nhân lành nghề cao cấp ở Trung Quốc.

Sinh viên học nghề nhiều nhưng ít được thực hành, khiến các doanh nghiệp Trung Quốc vẫn thiếu lao động tay nghề cao. Ảnh: Reuters.

Theo Mao Yufei, trợ lý nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Việc làm Trung Quốc, việc thiếu công nhân lành nghề là một vấn đề nổi cộm trong thị trường việc làm của Trung Quốc, đặc biệt là trong các lĩnh vực sản xuất yêu cầu độ chính xác cao.

Công nhân lành nghề của Trung Quốc chủ yếu đến từ các trường cao đẳng nghề, nhưng hệ thống giáo dục nghề nghiệp hiện tại không đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp và không thể cung cấp những tài năng doanh nghiệp đang tìm kiếm.

Theo Mao, so với các khóa học lý thuyết, đào tạo công nhân lành nghề đòi hỏi chú trọng nhiều vào hoạt động thực tế và đào tạo thực hành. Đây là điều hầu hết trường dạy nghề ở Trung Quốc đều thiếu.

"Thực tế hiện nay là giáo dục nghề nghiệp đang tập trung nhiều vào dạy lý thuyết, đội ngũ giáo viên thiếu chuyên môn, thiết bị giảng dạy lạc hậu, chương trình giảng dạy không phù hợp với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp và sinh viên không được đào tạo năng lực phù hợp", Mao nói.

Giải pháp

Mao Yufei nói thêm rằng nếu muốn giải quyết tình trạng lao động lành nghề, Trung Quốc phải thúc đẩy cải cách trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp, bao gồm việc đào tạo sinh viên trường nghề theo nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.

Hiện nay, hơn 70% công nhân lành nghề của Trung Quốc (bao gồm lao động nhập cư) ở trình độ trung học và chỉ khoảng 5% lực lượng lao động công nghiệp là công nhân lành nghề cao cấp. Con số này thấp hơn nhiều so với Nhật Bản (40%) và Đức (50%).

Do khoảng cách giữa nhu cầu của ngành sản xuất và trình độ của sinh viên trường nghề, đến năm 2025, Trung Quốc có thể phải đối mặt với tình trạng thiếu nhân tài, cụ thể là thiếu 9,5 triệu người trong ngành công nghệ thông tin và thiếu 9,09 triệu trường trong ngành thiết bị điện.

Để thu hẹp khoảng cách cung - cầu, Bắc Kinh ban hành chương trình cải cách để tối ưu hóa hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Chương trình yêu cầu chính quyền địa phương thành lập các khóa học về công nghệ thông tin mới, người máy, thiết bị điện và hàng không vũ trụ tại các trường cao đẳng nghề.

Ngoài ra, thành phố này ban hành Luật Giáo dục nghề nghiệp, nêu rõ giáo dục nghề nghiệp cũng quan trọng như giáo dục phổ thông. Từ đó, các công ty sẽ được khen thưởng nếu tăng cường hợp tác với các trường dạy nghề. Bắc Kinh cũng kêu gọi nâng cao địa vị xã hội và cải thiện việc điều trị cho nhân viên kỹ thuật.

Thái An


Zing.vn

Chia sẻ Facebook