Trung Quốc phong tỏa 27 thành phố
Trung Quốc phong tỏa ít nhất 27 thành phố trên cả nước để ngăn chặn đợt bùng dịch Covid-19 mới nhất, ảnh hưởng tới cuộc sống của gần 180 triệu người.
Trung Quốc phong tỏa 27 thành phố
Thượng Hải là trung tâm trong đợt bùng dịch mới nhất ở Trung Quốc, ghi nhận tới 15.000 ca mắc Covid-19 mới mỗi ngày. Để ngăn chặn làn sóng dịch, giới chức địa phương đã yêu cầu 25 triệu cư dân sống trong cảnh phong tỏa kéo dài suốt nhiều tuần.
Kể từ khi đại dịch bùng phát, Trung Quốc đã áp dụng nghiêm ngặt chiến lược Zero Covid-19. Tuy nhiên, sự xuất hiện của biến chủng Omicron đang thách thức tính bền vững của chiến lược này và những gì Bắc Kinh phải đánh đổi.
Theo ước tính của CNN , Trung Quốc đang áp đặt lệnh phong tỏa toàn bộ hoặc một phần ở ít nhất 27 thành phố, ảnh hưởng tới gần 180 triệu người.
Hàng loạt thành phố bị phong tỏa
Số ca mắc Covid-19 ở Trung Quốc bắt đầu tăng vào tháng 3, nhanh chóng trở thành đợt bùng phát tồi tệ nhất ở nước này kể từ đợt dịch đầu tiên tại Vũ Hán, vào đầu năm 2020.
Trong giai đoạn đầu, tỉnh Cát Lâm bị ảnh hưởng nặng nề. Giới chức địa phương đã yêu cầu phong tỏa thành phố Trường Xuân, thủ phủ của tỉnh, kể từ ngày 11/3, và sau đó là thành phố Cát Lâm vào ngày 21/3.
Thượng Hải là nơi có làn sóng dịch tồi tệ nhất. Hơn nửa triệu ca mắc Covid-19 đã được ghi nhận tại đây kể từ ngày 1/3, dẫn đến lệnh phong tỏa toàn thành phố.
Đến ngày 27/4, chính quyền thành phố thông báo nới lỏng biện pháp phòng dịch ở một số khu dân cư không có ca mắc trong hai tuần qua. Tuy nhiên, họ vẫn có nguy cơ bị phong tỏa nếu phát hiện dù chỉ một ca nhiễm SARS-CoV-2.
"Thật điên rồ", một người dân Thượng Hải nói với Guardian. “Chúng tôi chưa bao giờ nghĩ điều này có thể xảy ra ở Thượng Hải. Các quan chức ở Thượng Hải không thấy xấu hổ về những gì đang xảy ra ở thành phố trong những tuần gần đây ư?".
Trong khi đó, giới chức Bắc Kinh đã tiến hành chiến dịch xét nghiệm hàng loạt với gần 20 triệu cư dân. Ít nhất 46 tòa nhà ở quận Triều Dương đã bị phong tỏa, trong khi hơn 5.300 người ở quận Phòng Sơn cũng chịu tình cảnh tương tự. Một số trường học, bệnh viện, khu vui chơi, rạp chiếu phim ở thủ đô cũng bị đóng cửa.
Đến nay, 27 thành phố ở Trung Quốc đang áp dụng phong tỏa cục bộ hoặc từng phần, trải dài 14 tỉnh, trong đó có Hàng Châu (12,2 triệu dân), Tô Châu (12,7 triệu dân) và Cáp Nhĩ Tân (9,5 triệu dân).
Hỗn loạn
Phần lớn các cuộc phong tỏa ở Thượng Hải gây ra sự hỗn loạn. Nhiều người dân đã phàn nàn về tình trạng thiếu lương thực, không được tiếp cận dịch vụ y tế, điều kiện tồi tệ tại các trại cách ly tạm bợ và các biện pháp nặng tay, chẳng hạn chia cắt những đứa trẻ mắc Covid-19 với cha mẹ.
Vào đầu tháng 4, một nhân viên y tế đã đánh chết một con chó corgi, sau khi người chủ bị đưa đi cách ly.
Tuần trước, cảnh sát và các nhân viên y tế được cho là đã phá cửa xông vào nhà một cụ bà 92 tuổi trong đêm, để đưa bà đi cách ly. Những câu chuyện này nhanh chóng được lan truyền trên mạng xã hội, khiến công chúng phẫn nộ.
Những gì xảy ra ở Thượng Hải, nơi vốn được coi là thành phố hiện đại nhất Trung Quốc, đã khiến người dân ở những khu vực khác cảnh giác cao độ.
Do lo ngại phong tỏa trên diện rộng, nhiều người dân Bắc Kinh đổ xô đi tích trữ thực phẩm, xếp hàng dài tại các siêu thị và cửa hàng tạp hóa, ngay sau khi có thông báo xét nghiệm hàng loạt.
Trong khi đó, việc phong tỏa nhiều thành phố đã giáng một đòn mạnh vào hoạt động kinh tế, đặc biệt là ở những thành phố quan trọng như Thượng Hải và Thâm Quyến.
Vào tháng 3, tỷ lệ thất nghiệp ở Trung Quốc đạt mức cao nhất trong 21 tháng. Nhiều doanh nghiệp buộc phải tạm ngừng hoạt động tại một số địa điểm, bao gồm các nhà sản xuất ôtô Volkswagen, Tesla và nhà máy lắp ráp iPhone Pegatron. Trong tuần này, đồng nhân dân tệ của Trung Quốc mất giá nhanh chóng, chạm mức thấp nhất kể từ tháng 11/2020.
Có những dấu hiệu cho thấy các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng đang lo ngại. Vào tháng 3, Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết Trung Quốc phải "giảm thiểu tác động của dịch bệnh đối với phát triển kinh tế - xã hội". Hôm 26/4, ông Tập cũng yêu cầu "dốc toàn lực" để thúc đẩy tăng trưởng.
Chính phủ Trung Quốc "đau đớn nhận thức được thiệt hại đối với nền kinh tế", Chủ tịch Phòng Thương mại Liên minh châu Âu tại Trung Quốc Jörg Wuttke cho biết.
"Họ lo lắng về tình trạng thất nghiệp, và việc các công ty nước ngoài đổ tiền vào nơi khác", ông Wuttke dẫn thông tin từ một bộ của Trung Quốc, nhưng từ chối nêu tên cơ quan này.
"Cố chấp" với Zero Covid-19
Bất chấp sự tức giận ngày càng tăng do các đợt phong tỏa, giới chức Trung Quốc và các phương tiện truyền thông nhà nước chỉ ra rằng chính sách Zero Covid-19 sẽ không sớm thay đổi.
“Tình hình nghiêm trọng ở Thượng Hải cho thấy cần thiết phải tuân theo chính sách Zero Covid-19 năng động. Nếu Thượng Hải, nơi có hệ thống y tế tốt nhất, đang rất cần sự giúp đỡ khi đối mặt với số ca mắc nghiêm trọng ngày càng tăng, ai sẽ giúp đỡ các khu vực khác nếu họ bị SARS-CoV-2 tấn công?", Global Times nhận định hôm 27/4.
Có một vài lý do khiến Trung Quốc quyết duy trì chiến lược Zero Covid-19. Nhiều nhà lãnh đạo và nhà khoa học nước này bày tỏ lo ngại rằng việc nới lỏng các hạn chế có thể khiến SARS-CoV-2 lây lan trên toàn quốc, lấn át hệ thống chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là khi tỷ lệ tiêm chủng ở người cao tuổi còn thấp.
Trong khi Trung Quốc tập trung nguồn lực khổng lồ vào việc tự phát triển và sản xuất vaccine, họ lại không thể đảm bảo những liều vaccine này sẽ đến tay người cao tuổi.
Giờ đây, với kỳ vọng giữ vững tỷ lệ tử vong ở mức thấp, các nhà chức trách không còn lựa chọn nào khác ngoài việc dựa vào các biện pháp phong tỏa để bảo vệ những người dễ bị tổn thương.
Chiến dịch Zero Covid-19 mang đậm dấy ấn cá nhân của Chủ tịch Tập Cận Bình. Ông đã nhiều lần ủng hộ chính sách này trong suốt đại dịch. Vào năm 2021, ông từng tuyên bố chiến dịch này thể hiện cam kết cứu "mọi mạng sống con người" của Trung Quốc.
Hải Linh