Trung Quốc phát hiện hàng chục người nhiễm virus Langya mới gây sốt nghiêm trọng
Các nhà khoa học châu Á đã xác định được một loại virus mới có thể gây sốt nghiêm trọng và có khả năng truyền sang người từ động vật ở miền Đông Trung Quốc.
Virus henipa - Langya (LayV) được phát hiện ở 35 người tại các tỉnh Sơn Đông và Hà Nam của Trung Quốc. Những người này đã được xét nghiệm từ năm 2018 đến năm 2021, theo Tạp chí Y học New England hồi đầu tháng 8.
Các nhà nghiên cứu cho biết, virus có thể gây sốt cấp tính, mệt mỏi, ho và chán ăn. Một số bệnh nhân còn bị đau nhức cơ thể, buồn nôn, nôn mửa và đau đầu, thậm chí suy giảm chức năng gan.
Các nhà nghiên cứu có trụ sở tại Trung Quốc, Australia và Singapore, cho biết, LayV lần đầu tiên được xác định ở một phụ nữ 53 tuổi vào tháng 12/2018 trong quá trình giám sát những bệnh nhân bị sốt cấp tính và gần đây có tiền sử tiếp xúc với động vật.
Sau đó, các nhà nghiên cứu đã tiến hành khảo sát các loài động vật hoang dã và trong nước để theo dõi vật chủ của virus và phát hiện ra rằng, Langya RNA chủ yếu ở chuột chù, loài động vật có vú nhỏ với mõm dài và đôi mắt nhỏ.
Khoảng 27% chuột chù được xét nghiệm dương tính với virus, cho thấy chúng có thể là "ổ chứa LayV tự nhiên". Khoảng 5% số chó và 2% số dê cũng cho kết quả dương tính.
Việc phát hiện ra LayV xảy ra chưa đầy ba năm sau đại dịch COVID-19, mà các nhà khoa học tin rằng cũng do sự lây lan của virus từ động vật sang người.
Tuy nhiên, không giống như virus SARS-CoV2 gây bệnh COVID-19, các nhà nghiên cứu cho biết, họ không tìm thấy bằng chứng về sự lây truyền từ người sang người đối với LayV cho đến nay.
"Không có tiếp xúc gần gũi hoặc tiền sử phơi nhiễm chung giữa các bệnh nhân, điều này cho thấy rằng sự lây nhiễm ở người có thể diễn ra rất lẻ tẻ. Kết quả theo dõi 9 bệnh nhân với 15 thành viên gia đình có tiếp xúc gần không cho thấy có sự lây truyền LayV. Nhưng phạm vi theo dõi của chúng tôi quá nhỏ để xác định tình trạng lây truyền từ người sang người đối với LayV," các nhà khoa học thông tin.
Wang Linfa, giáo sư tại Trường Y Duke-NUS của Singapore, người tham gia vào nghiên cứu, nói với Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc rằng các trường hợp nhiễm LayV không dẫn đến tử vong hoặc mắc bệnh nghiêm trọng.
Theo các nhà nghiên cứu, LayV có liên quan chặt chẽ nhất về mặt di truyền với virus henipa ở Mặc Giang (tỉnh Vân Nam) đã lây nhiễm cho sáu thợ mỏ ở miền Nam Trung Quốc vào năm 2012. Ba người đã tử vong.
LayV cũng cùng họ với virus Nipah và Hendra.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, virus Nipah được phát hiện lần đầu tiên trong một đợt bùng phát ở những người chăn nuôi lợn tại Malaysia vào năm 1999 và cũng đã được xác định ở Bangladesh và Ấn Độ.
Người nhiễm virus Nipah có thể gây tử vong, với 40 đến 75% số người nhiễm bệnh chết trong các đợt bùng phát trước đây. Virus có thể được truyền sang người từ động vật, chẳng hạn như dơi và lợn, và từ người sang người.
Virus Hendra lần đầu tiên được xác định ở Australia vào năm 1999 và đã lây nhiễm cho 7 người và hơn 70 con ngựa. WHO cho biết, tất cả các trường hợp nhiễm giới hạn ở bờ biển Đông Bắc Australia.
Hiện vẫn chưa có phương pháp điều trị hoặc vaccine cho bệnh nhiễm trùng do virus henipa.
Bé trai 12 tuổi tại bang Kerala, miền Nam Ấn Độ, đã tử vong ngày 4/9, chưa đầy 1 tuần sau khi nhập viện. Xét nghiệm cho thấy cậu bé đã bị nhiễm virus Nepah.