Trung Quốc nới lỏng xét nghiệm Covid-19 đối với thực phẩm nhập khẩu
Trung Quốc đã xét nghiệm Covid-19 trên bao bì thực phẩm nhập khẩu ướp lạnh và đông lạnh từ tháng 6/2020, sau khi phát hiện lao động tại một khu chợ bị nhiễm vi-rút.
Cơ quan y tế Trung Quốc mới đây đã thông báo chính quyền địa phương nước này không cần duy trì việc xét nghiệm Covid-19 đối với một số hàng hóa nhập khẩu nữa. Động thái mới có thể giúp nền kinh tế lớn thứ hai thế giới giảm chi phí gây ra bởi các biện pháp phòng ngừa Covid-19 nghiêm ngặt.
Trung Quốc bắt đầu xét nghiệm Covid-19 đối với thực phẩm nhập khẩu ướp lạnh và đông lạnh vào tháng 6/2020, sau khi phát hiện hàng loạt người lao động tại một khu chợ thực phẩm bán buôn tại thủ đô Bắc Kinh dương tính với vi-rút.
6 tháng sau, Trung Quốc khuyến cáo xét nghiệm cả trên các thực phẩm có thể được bảo quản an toàn ở nhiệt độ phòng, mặc dù các nhà khoa học cho biết nguy cơ lây nhiễm Covid-19 khi tiếp xúc với các bề mặt bị nhiễm là rất thấp, theo hãng tin Reuters.
Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) cho biết trên trang web chính thức rằng chính quyền địa phương không cần xét nghiệm Covid-19 trên các thực phẩm có thể được bảo quản an toàn ở nhiệt độ phòng nữa, nhưng cơ quan không làm rõ liệu các sản phẩm này còn bị kiểm tra tại hải quan hay không.
Thực phẩm ướp lạnh và đông lạnh vẫn tiếp tục bị xét nghiệm, nhưng các nhà sản xuất sẽ không bị đình chỉ nhập khẩu nếu hàng hóa của họ dương tính với Covid-19 khi xét nghiệm ở hải quan, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cho biết thêm.
Việc giám sát chặt chẽ, xét nghiệm và khử trùng sản phẩm nhập khẩu đã làm tăng đáng kể gánh nặng chi phí và gây gián đoạn thương mại. Trung Quốc đã phát hiện Covid-19 trên hàng trăm lô hàng thực phẩm ướp lạnh và đông lạnh kể từ năm 2020, một số nhà cung cấp các sản phẩm như thịt, hải sản đã bị đình chỉ nhập khẩu trong nhiều tuần.
Một số chính quyền địa phương đã siết chặt hơn các quy tắc của quốc gia. Chẳng hạn, thành phố Lhasa, thủ phủ của Khu tự trị Tây Tạng, đã cấm hoàn toàn thực phẩm đông lạnh nhập khẩu nhằm giảm nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh .
Phạm Hà Thanh (theo Reuters, ABC News)