Trung Quốc nói làn sóng Covid hiện thời ở nước này 'sắp kết thúc'

Chia sẻ Facebook
30/01/2023 23:35:41

Giới chức nói số các ca tử vong đã đạt đỉnh điểm và không phát sinh đợt bùng phát nào trong thời gian Tết Nguyên đán.

Tác giả, Nicholas Yong Vai trò, BBC News 4 giờ trước

Nguồn hình ảnh, EPA

Chụp lại hình ảnh, Trung Quốc bị một làn sóng Covid lớn tấn công sau khi nước này gỡ bỏ chính sách hạn chế hà khắc hồi tháng 12/2022

Giới chức y tế Trung Quốc cho biết làn sóng lây nhiễm Covid-19 hiện thời của nước này "sắp kết thúc".

Số ca mắc bệnh nghiêm trọng và tử vong do Covid đang có xu hướng giảm, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) nói trong một báo cáo.

Cơ quan này cũng cho biết "không có sự bùng lại rõ ràng" nào trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán hồi tuần trước, khi hàng triệu người về nhà sum họp gia đình.

Từ lâu nay đã có những câu hỏi được đặt ra về việc Trung Quốc báo cáo tình trạng lây nhiễm Covid.

Nhưng các chuyên gia cho biết sự suy giảm được báo cáo hiện nay tương ứng với thời điểm dự kiến kết thúc làn sóng lớn này.


Dịp Tết yên bình

Virus đã lan nhanh tới các thành phố, thị trấn của Trung Quốc sau khi chính quyền dỡ bỏ chính sách "không Covid" hồi tháng 12. Tuy nhiên, tỷ lệ đến các trạm xá, phòng khám đã giảm hơn 90% trong tháng Giêng và tỷ lệ nhập viện giảm hơn 85%.

Đã có những lo ngại rằng virus có thể bùng phát trở lại trong thời gian lễ hội, nhưng điều này đã không xảy ra.

Trong báo cáo của mình, CDC cho biết: “Không có sự bùng lại rõ ràng nào về số ca nhiễm Covid trong dịp Tết Nguyên đán.

"Trong thời gian này, không có biến thể mới nào được phát hiện và làn sóng lây nhiễm hiện nay của đất nước sắp kết thúc."

CDC cũng báo cáo sự sụt giảm mạnh về số người tử vong vì Covid hàng ngày mà các bệnh viện báo về - từ mức cao nhất là 4.300 người chết vào ngày 4/1 xuống còn 896 ca tử vong vào ngày 23/1.

Chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm Hsu Li Yang nói với BBC: "Tình trạng các ca tử vong thấp đi sau việc đi xuống của làn sóng nhiễm bệnh khổng lồ đầu tiên sau khi Trung Quốc nới lỏng các hạn chế; đây là điều có thể hiểu được và nó đã xảy ở hầu hết mọi quốc gia từng hứng chịu làn sóng Covid lớn.

“Chúng tôi sẽ sớm biết liệu kỳ nghỉ lễ đón Tết Nguyên đán có gây ra một đợt bùng phát nữa ở Trung Quốc hay không, nhưng nhiều khả năng là điều đó sẽ không phù hợp với những gì đã xảy ra trong tháng 12 và đầu tháng 1/2023.”

Một trong những nhà dịch tễ học hàng đầu của Trung Quốc - đồng thời là cựu giám đốc CDC, Zeng Guang - hồi đầu tháng này đã cảnh báo rằng các ca bệnh sẽ gia tăng ở các vùng nông thôn trong dịp năm mới.

BBC cũng đã tìm thấy bằng chứng về một số lượng đáng kể các ca tử vong liên quan đến Covid ở các vùng nông thôn của Trung Quốc, khi virus lây lan từ các thành phố lớn đến các vùng xa xôi hơn, nơi dân số già hơn.

Tuy nhiên, CDC cho biết không có sự tăng đột biến ngay lập tức sau thời gian lễ hội.

Ước tính đã có 226 triệu lượt hành khách đi lại trong dịp Tết Nguyên đán, từ ngày 22 đến ngày 27/1 - tăng 70% so với năm ngoái khi các hạn chế về đại dịch vẫn được áp dụng trên nhiều vùng của Trung Quốc.


Đảo ngược chính sách

Vào tháng 12, Bắc Kinh đột ngột chấm dứt các biện pháp kiểm soát Covid hà khắc, vốn khiến hàng triệu công dân nước này bị phong tỏa trong ba năm qua.

Điều đó dẫn đến sự gia tăng nghiêm trọng số ca nhiễm và tử vong do Covid, với một số chuyên gia ước tính phần lớn dân số nhiễm Covid trong những tuần sau đó.

Một nghiên cứu của Đại học Bắc Kinh cho biết tính đến ngày 11/1, khoảng 900 triệu người ở Trung Quốc đã bị nhiễm virus corona, trong bối cảnh có nhiều báo cáo về các bệnh viện và lò hỏa táng quá tải.

Tuy nhiên, chính quyền Trung Quốc ban đầu khẳng định rằng chỉ có bảy trường hợp tử vong kể từ khi kết thúc chính sách "không Covid" vào ngày 7/12, sau khi thu hẹp định nghĩa thế nào thì được coi là tử vong do Covid.

Ủy ban Y tế Quốc gia sau đó đã báo cáo gần 60.000 trường hợp tử vong liên quan đến Covid từ ngày 8/12 đến ngày 12/1, sau khi bắt đầu tính các trường hợp tử vong do bệnh nền và các ca suy hô hấp do Covid gây ra.

Số liệu chính thức về Covid của Trung Quốc được cho là chưa được báo cáo đầy đủ, và giới chức đã ngừng công bố báo cáo về số ca nhiễm hàng ngày vào tháng trước.

Bắc Kinh cho biết họ đã chia sẻ dữ liệu Covid một cách “kịp thời, công khai và minh bạch theo quy định của pháp luật”.

Chia sẻ Facebook