Trung Quốc nỗ lực cải thiện gen của đàn lợn
Hiện Trung Quốc có đàn lợn lớn nhất thế giới, với gần 700 triệu con lợn ra đời mỗi năm.
Trung Quốc đang nỗ lực phát triển việc chăn nuôi lợn đạt mức tự chủ, không phụ thuộc vào nước ngoài, nhất là có thể sản xuất thịt lợn ở mức rẻ hơn cho đất nước vốn tiêu thụ thịt lợn nhiều nhất thế giới. Để đạt được mục tiêu này, Trung Quốc đang cải thiện gen của đàn lợn để chúng lớn nhanh hơn, đẻ nhiều hơn và ăn ít đi.
Những con lợn mới sinh đang là đối tượng nghiên cứu của khoảng 100 trang trại hoạt động dưới sự chỉ đạo của nhà nước nhằm phát triển đàn lợn bền vững cho hơn 1,4 tỷ người dân ở Trung Quốc. Điều này có nghĩa là Trung Quốc phải sản xuất ra thịt lợn với giá rẻ hơn, đòi hỏi đàn lợn phải có những lứa đẻ nhiều con hơn, lợn con phải lớn đến lúc thịt được nhanh hơn mà lại ăn ít thức ăn hơn. Một công ty tư nhân có thể thu thập hàng trăm nghìn dữ liệu mỗi năm về cỡ của mỗi lứa đẻ hay mức tăng cân mỗi ngày của đàn lợn.
Ông JanMerks - Chuyên gia tư vấn cho rằng: "Về cơ bản, tiến bộ trong cải thiện gen của chúng tôi là do các yếu tố kinh tế thúc đẩy. Vì thế, chúng tôi cố gắng giảm chi phí sản xuất 1 kg thịt lợn. Đấy là mục tiêu. Và đúng là có thể làm được điều đó bằng cách tăng mức lên cân mỗi ngày, giảm lượng thức ăn và tăng số lợn con được sinh ra".
Tất cả những nỗ lực này tại Trung Quốc nhằm đảm bảo việc tự cung tự cấp thực phẩm. Hiện Trung Quốc có đàn lợn lớn nhất thế giới, với gần 700 triệu con lợn ra đời mỗi năm. Vậy nhưng, Trung Quốc lại đang phụ thuộc nhiều vào giống, thức ăn nhập khẩu. Tất cả những yếu tố này cộng với tình trạng bệnh tật cao trong đàn lợn khiến việc nuôi một con lợn ở Trung Quốc tốn gấp khoảng 2,5 lần so với ở Mỹ.
Dịch tả lợn châu Phi đã gây ra nhiều thiệt hại cho nhà nông, thậm chí nhiều người chăn nuôi còn phải gánh khoản nợ lớn sau khi dịch đi qua.