Trung Quốc ngừng công bố tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên
Ngày 15/8, Trung Quốc cho biết bắt đầu từ tháng 8, việc công bố tỷ lệ thất nghiệp được khảo sát ở thành thị đối với thanh niên và các nhóm tuổi khác trên toàn quốc sẽ bị đình chỉ. Có phân tích cho rằng lý do là vì dữ liệu thực tế là bi quan và ĐCSTQ sợ kích thích những người trẻ tuổi đi theo con đường phản kháng.
“Dữ liệu thực tế là bi quan”
Vào ngày 15/8, tại cuộc họp báo của Văn phòng Thông tin của Quốc vụ viện Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), ông Phó Lăng Huy (Fu Linghui), người phát ngôn của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc kiêm Vụ trưởng Vụ Thống kê kinh tế tổng hợp Quốc gia cho biết, kể từ tháng 8 năm nay, khảo sát tỷ lệ thất nghiệp thành thị của thanh niên theo nhóm tuổi trên cả nước sẽ bị tạm dừng công bố.
Davy Jun Huang, một nhà kinh tế học tại Mỹ, nói với tờ Epoch Times hôm 15/8 rằng tỷ lệ thất nghiệp mà ĐCSTQ công bố trước đó đã vượt quá 20%, ngay cả khi dữ liệu chính thức không chính xác thì tỷ lệ thất nghiệp cũng đã rất cao. Hiện nay ĐCSTQ tạm dừng công bố dữ liệu này, có lẽ họ lo lắng điều đó sẽ gây tác động rất tiêu cực đến thị trường và gây ra sự hoảng loạn hơn nữa.
Ông Davy Jun Huang nói rằng, “Thị trường suy yếu, vì thế để dẫn dắt dư luận, và dẫn dắt niềm tin thị trường nên không công bố dữ liệu nữa.” Ông nói, ĐCSTQ thường sử dụng phương pháp này, sử dụng dữ liệu sai sự thật hoặc không công bố dữ liệu, điều này thực tế chứng minh rằng tình hình hiện tại tương đối đáng lo ngại, dữ liệu thực được ước tính là bi quan.
Thống kê về tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị được khảo sát bắt đầu vào năm 2018. Vào ngày 17/7 năm nay, Cục Thống kê của ĐCSTQ công bố tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên ở Trung Quốc trong tháng 6 là 21,3%, đây là mức cao nhất từng được ghi nhận. Tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị được khảo sát đã vượt qua 20% trong 3 tháng liên tiếp. Vào chiều tối ngày 17/7, một bài viết của bà Trương Đan Đan (Zhang Dandan), phó giáo sư tại Đại học Bắc Kinh, nói rằng nếu khoảng 16 triệu người không làm việc nằm bẹp, ăn bám cha mẹ được coi là thất nghiệp, thì tỷ lệ thất nghiệp thực tế của những người trẻ tuổi vào tháng 3 cao tới 46,5%, cao hơn mức 19,7% được công bố chính thức vào tháng đó.
Ông Davy Jun Huang nói rằng ĐCSTQ sử dụng một mẫu dữ liệu nhỏ để thu thập số liệu thống kê, sử dụng khoảng 20.000 đến 50.000 bảng câu hỏi để điều tra xem những người trẻ tuổi có việc làm hay không; và hiện nay nhiều trường giáo dục bậc cao, trường trung cấp yêu cầu sinh viên tìm một đơn vị việc làm để đóng dấu trước khi tốt nghiệp, thì có thể lấy đó để đăng ký là đã tìm được việc làm, cho dù đó là đăng ký giả thì cũng được. Dữ liệu những người “ tìm được việc làm này ” sẽ trở thành một phần của thống kê.
“Một nguồn như vậy thực sự không có giá trị tham khảo lớn và rất không chính xác,”
ông Davy Jun Huang nói thêm.
“ĐCSTQ sợ giới trẻ kháng cự”
Nhà bình luận các vấn đề thời sự Vương Hách nói với Epoch Times hôm 15 /8 rằng cuộc khảo sát này khác xa với thông lệ quốc tế, tính xác thực và chính xác của dữ liệu là đáng nghi ngờ. ĐCSTQ tạm dừng công bố dữ liệu, điều này cho thấy vấn đề việc làm của giới trẻ Trung Quốc đang là vấn đề nổi cộm. Tư tưởng của giới trẻ tương đối tích cực, năng động hơn, tương tác nhiều hơn trên Internet, và cũng là đối tượng nhạy cảm nhất với xã hội, ĐCSTQ rất sợ giới trẻ đi vào con đường phản kháng, vì như thế thì cái gọi là “duy trì ổn định” của ĐCSTQ sẽ sụp đổ.
Vương Hách nói rằng ở bất kỳ quốc gia nào, nếu tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên vượt quá 20%, đó là một vấn đề chính trị xã hội lớn, ĐCSTQ xuất phát là một phong trào quần chúng và phong trào thanh niên, vì vậy họ (ĐCSTQ) sẽ đề phòng các vấn đề của thanh niên, tâm lý sợ hãi của họ là rất rõ ràng, “Họ sẽ không tiếc bất cứ thủ đoạn nào để kiểm soát và kìm hãm vấn đề này”.
Ông cho rằng việc hủy bỏ công bố dữ liệu của ĐCSTQ chỉ là một trong các bước, và sẽ có một số biện pháp tiếp theo để nhắm mục tiêu đến tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ.
Lý do của chính quyền “hoang đường và nực cười”
Hôm 15/8, ĐCSTQ chính thức tuyên bố rằng lý do không công bố dữ liệu là công tác thống kê cần được cải thiện và số liệu thống kê điều tra lực lượng lao động cũng cần được kiện toàn và tối ưu hóa.
Ông Vương Hách nói rằng ĐCSTQ đang tìm cớ bào chữa, nhưng thực ra họ sợ rằng sau khi tỷ lệ thất nghiệp cao của thanh niên được công bố, sẽ khơi dậy sự tức giận của những người trẻ tuổi, điều này sẽ trở thành ngòi nổ và kích động xã hội [phản kháng], “họ sợ sẽ có chuyện bất ngờ xảy ra” . Do đó, việc không công bố dữ liệu, là để tiến hành duy trì ổn định xã hội trước theo cách “lợn chết không sợ nước sôi” , đồng thời kiểm soát phản ứng của giới trẻ bằng cách kiểm soát dữ liệu.
“ĐCSTQ trước giờ vẫn là cách làm như thế này. Khi gặp phải một số thông tin nhạy cảm, họ chưa bao giờ công bố nó ra công chúng.” Ông Vương Hách nói rằng việc đưa ra những lý do như vậy thực sự là “ĐCSTQ đang cố tình khuấy nước đục” , “những lời bào chữa này rất hoang đường và đáng cười”.
Tranh luận sôi nổi
Bài viết của bà Trương Đan Đan, phó giáo sư tại Đại học Bắc Kinh, cũng dự đoán rằng theo xu hướng biến động theo mùa, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên sẽ tiếp tục tăng vào tháng 7 và tháng 8 năm nay. Đây là mùa tốt nghiệp của sinh viên đại học trên cả nước, đồng nghĩa với việc có nhiều người tìm việc làm hơn. Một cử nhân từng than thở: “Tốt nghiệp đồng nghĩa với thất nghiệp”.
Tin tức về việc tạm dừng công bố dữ liệu khảo sát tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên ở các thành thị đã thu hút sự chú ý trên Internet. Chủ đề này nằm trong danh sách tìm kiếm nóng của Weibo và Baidu.
Nhiều cư dân mạng cho rằng chính quyền không công bố dữ liệu này vì tình hình thực tế rất tồi tệ; chính quyền tự lừa mình dối người, nhưng không lừa được người dân.
“Hiện giờ biên tạo (làm giả) dữ liệu cũng lười chẳng thèm làm nữa?”
“Cho thấy tình hình nghiêm trọng đến nỗi không cách nào thống kê.”
“Công bố hay không cũng không quan trọng, dù sao thì dữ liệu công bố cũng không thể phản ánh tình hình thực tế.”
“Bịt tai trộm chuông, lừa mình dối người.”
“Chỉ cần tôi không công bố, thì sẽ không có người thất nghiệp.”
”Mặc dù chúng ta không thể thay đổi nhiệt độ, nhưng chúng ta có thể điều chỉnh nhiệt kế. Ha ha ha.”
Một cư dân mạng khác nói: “Việc làm là nền tảng của cuộc sống con người, và việc làm của những người trẻ tuổi là nền tảng của con người.”
“Bịt miệng lại, bịt mắt lại thì có thể giải quyết vấn đề ư. Việc làm linh hoạt, chậm tìm việc làm, tự chủ việc làm, làm việc một giờ, tìm việc không coi là thất nghiệp. Những con số của Cục thống kê cũng đều như thế, những gì cần hiểu thì đều hiểu. Giao hàng, giao đồ ăn, chạy xe công nghệ, điểm mấu chốt là gần như bão hòa, vậy thì còn tiêu dùng và sinh đẻ, sẽ ra sao, có cần nói thêm không?”
Một cư dân mạng khác tiết lộ:
“Lần này tôi về quê và hỏi em gái (em gái tôi năm nay tốt nghiệp đại học. Một lớp có khoảng 40 người, chuyên ngành của em ấy mỗi khóa có 3 lớp), hỏi rằng sau khi tốt nghiệp thì em đi làm việc ở đâu? Làm việc gì? Em gái tôi nói, năm nay chỉ có 3, 4 người tìm được việc làm, những người còn lại không biết làm gì.”
Theo Tiêu Luật Sinh, Lạc Á, Dịch Như / Epoch Times
Cuộc nổi loạn của giới trẻ Đại Lục từ "nằm ườn" đến "4 không" Giới trẻ Trung Quốc Đại Lục chỉ có thể bày tỏ sự bất mãn của mình bằng cách “nằm ườn”, “phó mặc” và “4 không”...