Trung Quốc muốn đóng vai trò ‘xây dựng’ trong khủng hoảng Ukraine

Chia sẻ Facebook
26/03/2022 13:15:56

Trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 25-3, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói Bắc Kinh muốn đóng vai trò mang tính xây dựng trong việc thúc đẩy đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - Ảnh: REUTERS


Cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo diễn ra một ngày sau khi ông Johnson tới Brussels (Bỉ) để tham dự một loạt cuộc họp giữa các thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), nhóm các nước G7 và Liên minh châu Âu (EU) về cuộc khủng hoảng ở Ukraine .

Hãng thông tấn Tân Hoa Xã đưa tin ông Tập Cận Bình trong cuộc điện đàm đã nhấn mạnh sự cần thiết của cộng đồng quốc tế vận động đàm phán hòa bình và tìm ra giải pháp chính trị cho cuộc chiến giữa Nga và Ukraine.

Phía Anh chưa đưa ra thông tin về nội dung cuộc điện đàm, chỉ nói rằng cuộc gọi đã diễn ra trong 50 phút.

Hãng tin Reuters dẫn lời các nhà ngoại giao không nêu tên cho biết các cuộc họp của NATO, G7 và EU ngày 24-3 tập trung vào lập trường của Trung Quốc đối với Nga.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tham dự 90 phút đầu tiên của cuộc họp Hội đồng châu Âu. Hãng tin Reuters dẫn lời một nhà ngoại giao cho biết ông Biden đã sử dụng cuộc họp để "tập hợp ủng hộ của châu Âu" cho chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ, được coi là công cụ để chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.

Tuần trước, ông Biden cũng đã cảnh báo ông Tập về hậu quả thương mại của việc hậu thuẫn Nga. "Trung Quốc hiểu rằng tương lai kinh tế của họ gắn chặt với phương Tây hơn là với Nga", ông Biden nói.

"Nếu Trung Quốc giúp Nga thì các biện pháp trừng phạt sẽ không hiệu quả như chúng tôi muốn, vì vậy Trung Quốc là chìa khóa", Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin phát biểu tại Brussels.

Trong ngày 25-3, ông Biden đã tới thành phố Rzeszow của Ba Lan, cách biên giới Ukraine khoảng 80km.

Ông Biden dự kiến sẽ gặp các binh sĩ Mỹ đóng quân trong khu vực và các tổ chức phi chính phủ đang giúp đỡ người tị nạn Ukraine.

Ba Lan là một thành viên EU và NATO. Nước này đã thu nhận hàng triệu người Ukraine, cung cấp hỗ trợ tài chính và vũ khí cho Kiev.

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết có khoảng 10.500 binh sĩ Mỹ hiện đang ở Ba Lan và khẳng định sẽ bảo vệ "từng inch" (1 inch = 2,54 cm) lãnh thổ NATO.

Chiến sự ở Ukraine làm xáo trộn trật tự thế giới hạt nhân như thế nào? Chiến sự ở Ukraine đã làm đảo lộn mọi điều và gây nên làn sóng chấn động toàn cầu trong việc sử dụng năng lượng hạt nhân.

Chia sẻ Facebook