Trung Quốc mua tôm hùm trở lại, giá trị xuất khẩu tăng gần 30 lần
Trung Quốc tăng mua tôm hùm trở lại sau khi giảm sâu vào năm ngoái đã khiến kết quả xuất khẩu loại hải sản này trong 6 tháng đầu năm tăng trưởng ấn tượng.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu tôm 6 tháng đầu năm đạt 2,3 tỉ USD, tăng 33% so với cùng kỳ và chiếm 40% tổng xuất khẩu thuỷ sản.
"Giá tăng và thiếu nguyên liệu là một bài toán khó cho doanh nghiệp tôm trong giai đoạn hiện nay. Tôm chân trắng tươi/đông lạnh cỡ nhỏ vẫn được ưa chuộng trong giai đoạn khủng hoảng lạm phát này. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp cũng chọn giải pháp tăng tỉ lệ tôm chế biến giá trị gia tăng để xuất khẩu sang những thị trường cao cấp như Nhật Bản, Mỹ, EU khắc phục bối cảnh nguyên liệu khan hiếm. Đáng lưu ý, xuất khẩu tôm hùm tăng trưởng kỷ lục với gần 130 triệu USD trong nửa đầu năm, tăng gấp 30 lần so với cùng kỳ năm ngoái” - VASEP thông tin.
Trao đổi với phóng viên chiều 4-7, Tổng thư ký VASEP Trương Đình Hòe cho biết thêm thị trường chính của tôm hùm Việt Nam vẫn là Trung Quốc. "Năm ngoái, thị trường này "đóng băng" do Covid-19, giá trị xuất khẩu rất thấp nên khi so sánh số liệu thấy tăng trưởng đến 30 lần nhưng số liệu tuyệt đối thì không quá lớn. Do đó, hoạt động xuất khẩu tôm hùm hiện không có bất thường. Giá trị xuất khẩu tôm hùm chỉ chiếm khoảng 5,5% xuất khẩu của ngành tôm và chỉ có vài doanh nghiệp tham gia xuất khẩu" – ông Hòe lý giải.
Giám đốc một doanh nghiệp hải sản có kế hoạch xuất khẩu tôm hùm sang Trung Quốc cho hay nước này chuộng tôm hùm bông và tôm hùm xanh của Việt Nam ở dạng sống. Do vị trí địa lý gần, Việt Nam có thể xuất khẩu tôm hùm sống sang Trung Quốc bằng đường bộ lẫn đường hàng không.
Trước đây, vào năm 2020, tôm hùm Việt Nam không xuất khẩu được vì ảnh hưởng dịch nên một số nơi đã phải bán theo dạng "giải cứu" với giá rẻ chưa từng có. Năm 2021, xuất khẩu tôm hùm tiếp tục đà giảm, đến năm 2022 mới hồi phục.
Theo Ngọc Ánh