Trung Quốc khó đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2021

Chia sẻ Facebook
10/05/2022 04:17:45

Chuyên gia kinh tế kỳ cựu Stephen Roach nhận định kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 4% trong năm nay đã là điều may mắn.

Theo ông Stephen Roach, nền kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt với những “rủi ro lớn” và khó có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 5,5% trong năm nay. Ông Roach, cựu chủ tịch Morgan Stanley châu Á, là người đã theo dõi kinh tế Trung Quốc trong nhiều năm qua.

“Tôi nghĩ, kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt với những áp lực ghê gớm. Sẽ rất khó để đặt được mức tăng trưởng như dự báo là 5,5%”, ông Roach nói với kênh CNBC.

Bắc Kinh đã chính thức đặt mục tiêu tăng trưởng là khoảng 5,5% cho nền kinh tế trong năm nay. Tuy nhiên, với những áp lực hiện này, ông Roach dự đoán “sẽ là rất may mắn nếu con số là 4%”.

Nhiều tuần qua, Trung Quốc phải đối mặt với đợt bùng phát dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất ở đại lục sau cú sốc đầu tiên vào đầu năm 2020. Dữ liệu mới được công bố gần đây cho thấy, sự giảm tốc đáng kê của nhiều lịch vực sản xuất và dịch vụ.

Theo thống kê, người dân tại Trung Quốc đã chi tiêu ít hơn 43% cho du lịch trong kỳ nghỉ lễ Ngày Quốc tế lao động kéo dài 5 ngày so với cùng kỳ năm 2021.

Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc cho biết, doanh thu du lịch nội địa của nước này đã giảm xuống còn 64,7 tỷ Nhân dân tệ. 160 triệu chuyến đi được thực hiện trong kỳ nghỉ lễ trên, đánh dấu mức giảm 30,2% so với cùng kỳ năm trước đó.

Hãng tin Reuters cũng đưa tin, trong kỳ nghỉ vừa qua, các khách sạn trên khắp Trung Quốc đã giảm giá tới 50%, với giá phòng ở nhiều thành phố ở nước này đã xuống mức thấp nhất trong 5 năm.

Việc theo đuổi chiến lược “Zero COVID” khiến nền kinh tế số 2 thế giới đối mặt nhiều thách thức. Trong đó, nhiều tập đoàn đa quốc gia đã lên tiếng gặp khó tại thị trường tỷ dân. Starbucks cho biết doanh số bán hàng tại Trung Quốc đã giảm 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo FactSet, con số này còn tệ hơn nhiều so với dự đoán của các nhà phân tích. Trong khi đó, DuPont, công ty bán các sản phẩm đa ngành và vật liệu xây dựng, vừa công bố kế hoạch quý II ở mức thấp hơn so với kỳ vọng của các nhà phân tích.

Trong một báo cáo mới phát đi, Estee Lauder cho hay: "Sự bùng phát trở lại của dịch COVID-19 tại nhiều tỉnh thành của Trung Quốc có thể khiến lưu lượng bán lẻ, khả năng đi lại và phân phối tạm thời bị hạn chế. Các cơ sở phân phối của công ty ở Thượng Hải hoạt động với năng lực hạn chế để đáp ứng các đơn đặt hàng truyền thống và đơn hàng trực tuyến bắt đầu từ giữa tháng 3 năm 2022".

Hướng dẫn về năm tài chính sẽ kết thúc vào ngày 30/6 của Estee Lauder dự đoán mức tăng trưởng doanh thu đạt từ 7% đến 9%, thấp hơn nhiều so với kỳ vọng của FactSet là 14,5%.

Các nhà phân tích của Morgan Stanley cho biết trong quý đầu tiên, gần một nửa số cổ phiếu trên sàn MSCI Trung Quốc đại lục, đã bỏ qua kỳ vọng thu nhập trong quý đầu tiên. Đây là kết quả hàng quý là tồi tệ nhất kể từ quý đầu tiên của năm 2020. Đó là thời điểm đại dịch bắt đầu bùng phát và gây sốc cho nền kinh tế.

Cũng trong cuộc trò chuyện với CNBC, ông Roach cảnh báo, những áp lực với kinh tế Trung Quốc cũng ảnh hướng tới nền kinh tế toàn cầu.

“Từ năm 2009 đến năm 2012, Trung Quốc đã tăng trưởng 8% và mức đệm đó đã giúp thế giới không rơi vào suy thoái kinh tế trở lại. Giờ đây, chiếc đệm đó đã biến mất. Trung Quốc sẽ khó mà cứu thế giới theo cách mà họ đã làm sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Đây cũng là vấn đề đối với triển vọng kinh tế toàn cầu’, ông Roach nhấn mạnh.

Các nhà phân tích của Morgan Stanley cho biết trong quý đầu tiên, gần một nửa số cổ phiếu trên sàn MSCI Trung Quốc đại lục, đã bỏ qua kỳ vọng thu nhập trong quý đầu tiên (Ảnh minh hoạ)


Trung Quốc đối mặt làn sóng thoái vốn lớn

Trước việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đẩy mạnh thắt chặt chính sách tiền tệ, Trung Quốc được dự báo sẽ đối mặt với xu hướng khối ngoại rút vốn khỏi thị trường này.

Việc FED nâng lãi suất thường có tác động lan tỏa đến dòng vốn xuyên biên giới, do vậy trong ngắn hạn, đồng Nhân dân tệ có thể sẽ tiếp tục chịu áp lực giảm giá so với đồng USD, dẫn đến xu hướng khối ngoại rút vốn khỏi thị trường này. Trên thực tế trong tháng 3 và tháng 4 vừa qua, dòng vốn đầu tư rời khỏi Trung Quốc đã tăng mạnh, đạt mức cao kỷ lục.

Nhiều chuyên gia tin rằng, xu hướng này sẽ không quá nghiêm trọng, bởi Trung Quốc có một nền kinh tế nội địa rộng lớn, các nền tảng cơ bản tương đối tốt, dự trữ ngoại hối lớn và thặng dư thương mại ổn định. Điều này sẽ giúp tạo ra một vùng đệm hạn chế tác động từ việc FED nâng lãi suất.

"Hiện nay, tỷ lệ lạm phát của Trung Quốc tương đối thấp và lãi suất thực tế vẫn cao hơn so với nước ngoài. Do vậy, sau một số đợt điều chỉnh ngắn hạn, dòng vốn xuyên biên giới sẽ tiếp tục đổ vào Trung Quốc để mua các tài sản bằng đồng Nhân dân tệ. Dù có những biến động ngắn hạn trên thị trường, xu hướng tích cực trong đầu tư trung và dài hạn sẽ không thay đổi", ông Wang Youxin, chuyên gia cấp cao, Viện Nghiên cứu Ngân hàng Trung Quốc, nhận xét.

Tuy nhiên, những bất ổn kinh tế từ dịch COVID-19, rủi ro địa chính trị, có thể làm phức tạp thêm những thách thức đối với thị trường vốn Trung Quốc và đè nặng lên đồng Nhân dân tệ. Điều này đòi hỏi Bắc Kinh cần đưa ra những chính sách để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế.

Chia sẻ Facebook