Trung Quốc kết án một loạt 'hổ lớn'

Chia sẻ Facebook
24/09/2022 16:59:47

Hai ngày qua, tòa án Trung Quốc liên tiếp tuyên án tử hình hai quan tham là cựu Bộ trưởng Tư pháp Phó Chính Hoa và cựu Thứ trưởng Bộ Công an Tôn Lập Quân. Cơ quan chống tham nhũng hàng đầu của Trung Quốc hiện nay là Ủy ban Giám sát quốc gia.

Trung Quốc kết án một loạt 'hổ lớn'


Kết án một loạt “hổ lớn”

Ngày 23/9, một tòa án ở tỉnh Cát Lâm phán quyết, bị cáo Tôn Lập Quân phải chịu mức án tử hình (cho hoãn thi hành án 2 năm) về tội nhận hối lộ, mức án 8 năm tù và phạt tiền một triệu nhân dân tệ (3,3 tỷ đồng) vì tội thao túng thị trường chứng khoán, và mức án 5 năm tù vì tội sở hữu trái phép vũ khí, China Daily đưa tin.

Ngày 22/9, tòa án kết án tử hình (cho hoãn thi hành án 2 năm) đối với bị cáo Phó Chính Hoa vì tội nhận hối lộ trị giá hơn 117 triệu nhân dân tệ (khoảng 390 tỷ đồng) và lách luật để trục lợi, Xinhua đưa tin. Trước đó, tháng 10/2021, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương và Ủy ban Giám sát Quốc gia của Trung Quốc thông báo đang điều tra ông Phó Chính Hoa - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề pháp luật và xã hội thuộc Ủy ban Toàn quốc Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc, từng là Thứ trưởng Bộ Công an, rồi Bộ trưởng Tư pháp (2018-2020).

Cựu Thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc Tôn Lập Quân ngày 23/9 bị kết án tử hìnhẢnh: People’s Daily

Tháng 1/2020, cựu Chủ tịch Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol), cựu Thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc Mạnh Hoành Vĩ bị kết án 13 năm 6 tháng tù vì tội nhận hối lộ. Việc điều tra do Ủy ban Giám sát quốc gia thực hiện. Tháng 1/2016, cựu Thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc Lý Đông Sinh bị kết án 15 năm tù vì tội nhận hối lộ. Việc điều tra do Ủy ban Kiểm tra-Kỷ luật Trung ương thực hiện. Tháng 6/2015, cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, cựu Bộ trưởng Bộ Công an, cựu Bí thư Ủy ban Chính Pháp Trung ương Chu Vĩnh Khang bị kết án tù chung thân vì tội nhận hối lộ, lạm dụng quyền lực và cố ý tiết lộ bí mật nhà nước. Việc điều tra do Ủy ban Chính Pháp Trung ương thực hiện.

Qua các vụ việc tham nhũng nổi cộm, có thể thấy Trung Quốc hiện nay đã biến hệ thống Ủy ban Giám sát quốc gia thành trung tâm phòng chống tham nhũng (kiểm tra, giám sát, điều tra), quy tụ các cơ quan phòng chống tham nhũng khác về một mối (sáp nhập, liên kết), giới quan sát nhận định. Ủy ban Giám sát quốc gia được Quốc hội Trung Quốc thành lập tháng 3/2018, có nhiệm kỳ 5 năm. Quốc hội bầu chủ nhiệm ủy ban, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bầu các phó chủ nhiệm và ủy viên.

Ủy ban Giám sát có ở 4 cấp tương tự ở Ủy ban Kiểm tra-Kỷ luật Trung ương (trung ương/tỉnh/châu/huyện), do Đại hội đại biểu nhân dân cùng cấp bầu. Ủy ban Giám sát quốc gia là cơ quan siêu quyền lực ngang hàng với chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, có thẩm quyền giám sát việc chấp hành kỷ luật hành chính của cán bộ, công chức trong các cơ quan đảng, Quốc hội, hành chính, tư pháp, doanh nghiệp nhà nước. Ủy ban có thẩm quyền xét hỏi, tạm giữ, hạn chế xuất cảnh, phong tỏa tài khoản, tạm giữ tài sản, quyết định các biện pháp truy nã (do công an công bố lệnh), khám xét người, nơi ở…


Giám sát đảng viên và tổ chức theo điều lệ Đảng

Các hoạt động của Ủy ban Giám sát quốc gia được sáp nhập với Ủy ban Kiểm tra-Kỷ luật Trung ương (Ủy ban Kiểm tra-Kỷ luật có nhiệm vụ thụ lý, giải quyết khi phát hiệu có vi phạm, tức là có thẩm quyền điều tra ban đầu; nếu có dấu hiệu tội phạm thì phối hợp Ủy ban Giám sát để điều tra, xử lý). Khi Ủy ban Giám sát quốc gia được thành lập năm 2018, Cục Phòng chống tham nhũng quốc gia (thành lập năm 2007) và Tổng cục Chống tham ô, hối lộ (thành lập năm 1995) bị giải thể, sáp nhập vào Ủy ban Giám sát quốc gia.

Ủy ban Chính Pháp cũng có ở 4 cấp như Ủy ban Kiểm tra-Kỷ luật, gồm có bí thư, các phó bí thư và ủy viên (trong đó có 1 phó bí thư là Bộ trưởng Công an và các ủy viên là thủ trưởng Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ An ninh quốc gia, Bộ Tư pháp và Tổng cục Chính trị Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc). Ủy ban Chính pháp đưa ra đường lối, điều phối các cơ quan tư pháp trong việc điều tra, truy tố, xét xử.

Như vậy, Trung Quốc thành lập Ủy ban Giám sát quốc gia để thống nhất các cơ quan phòng chống tham nhũng trong hệ thống cơ quan hành chính, tư pháp, nhằm gia tăng tính độc lập, không bị can thiệp từ bên ngoài. Ủy ban Giám sát Quốc gia và Ủy ban Kiểm tra - Kỷ luật Trung ương làm việc theo chế độ “hợp thự biện công” (hai cơ quan thuộc đảng và chính quyền, biên chế, chức trách khác nhau, nhưng cùng làm ở một địa điểm, cùng làm chung công việc, cùng chia sẻ tài nguyên), với 1 phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra-Kỷ luật Trung ương đồng thời là Chủ nhiệm Ủy ban Giám sát quốc gia (còn Ủy ban Chính Pháp có chức năng điều hòa, phối hợp, lãnh đạo công tác phòng chống tham nhũng trong các cơ quan tư pháp).

Về hình thức, Ủy ban Kiểm tra-Kỷ luật do Đại hội đảng toàn quốc bầu, hoạt động theo Điều lệ Đảng, còn Ủy ban Giám sát quốc gia do Quốc hội bầu, hoạt động theo Hiến pháp và Luật Giám sát. Về thực tế, cả hai đều nằm dưới sự chỉ đạo trực tiếp, toàn diện của lãnh đạo cấp cao và được thiết kế theo chiều dọc từ trung ương tới cơ sở.

Các quan chức chính quyền mà lạm dụng quyền lực, tham ô, tham nhũng phần lớn là đảng viên, nhưng nếu áp dụng quy định pháp luật (mang tính toàn dân) để điều tra, xử lý thì mất nhiều thời gian, các đối tượng sẽ đối phó dễ dàng. Vì vậy, Ủy ban Kiểm tra-Kỷ luật sẽ kiểm tra, giám sát đảng viên và tổ chức đảng theo điều lệ Đảng, nhanh chóng khám xét, thu thập tài liệu, chứng cứ ban đầu, thậm chí tạm giữ người bị tình nghi vi phạm. Sau đó, chuyển hồ sơ sang Ủy ban Giám sát quốc gia để điều tra chính thức. Ủy ban Giám sát quốc gia sẽ thu thập chứng cứ, chuyển sang Viện kiểm sát truy tố theo quy định của pháp luật, bảo đảm pháp chế.

Thái An


Tiền phong

Chia sẻ Facebook