Trung Quốc huy động nhập ngũ quy mô lớn

Chia sẻ Facebook
11/10/2022 09:54:13

Tại Trung Quốc, gần đây chính quyền tỉnh Cam Túc đã đưa ra chính sách thưởng cho sinh viên nhập ngũ, đối với sinh viên tốt nghiệp đại học tham gia quân đội sẽ được thưởng 10.000 RMB.

Sinh viên đại học tham gia khóa huấn luyện quân sự ở Tương Dương, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc vào ngày 7/9/2015. (Ảnh: Frame China/ Shutterstock)

Tranh luận nóng về chính sách khích lệ sinh viên nhập ngũ


Tờ The Paper của nhà nước Trung Quốc đưa tin chính quyền tỉnh Cam Túc gần đây đã ban hành “Chính sách của tỉnh Cam Túc về Khuyến khích sinh viên gia nhập quân đội” (sau đây gọi tắt là: Chính sách), đề xuất khuyến khích thưởng một lần cho sinh viên đại học tham gia quân đội: Sinh viên tốt nghiệp đại học trở lên được 10.000 RMB (tương đương 33,6 triệu đồng), sinh viên tốt nghiệp trường nghề và sinh viên đang theo học bậc đại học được 7.000 RMB (tương đương 23,5 triệu đồng); sinh viên đang theo học bậc cao đẳng và trường nghề được 5.000 RMB (tương đương 16,8 triệu đồng).


“Chính sách” cũng chỉ ra rằng những sinh viên tốt nghiệp đại học đã từng tham gia quân đội 5 năm của tỉnh Cam Túc được chia sẻ 10% – 15% kế hoạch tuyển dụng công chức cùng những người phục vụ các dự án địa phương. Kế hoạch tuyển dụng cán bộ vũ trang nhân dân chuyên trách của tỉnh Cam Túc dành 40% chỉ tiêu để tuyển sinh viên tốt nghiệp đại học đã phục vụ quân ngũ. “Chính sách” cũng cho biết hàng năm tỉnh Cam Túc sẽ phân bổ từ 5% trở lên của tổng số vị trí tuyển dụng tại doanh nghiệp nhà nước cho việc tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp đại học đã tham gia quân ngũ.


Ngoài ra, sinh viên đại học bắt đầu kinh doanh sau khi giải ngũ được hưởng ưu đãi về thuế và được miễn phí hành chính trong 3 năm. Những người khởi nghiệp kinh doanh đáp ứng các điều kiện về tham gia quân ngũ có thể nộp đơn lên Phòng Nhân sự và An sinh xã hội địa phương để được hưởng “khoản vay ưu đãi” không quá 200.000 RMB (gần 673 triệu đồng) với kỳ hạn 3 năm. Doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ đủ điều kiện có thể đăng ký “khoản vay ưu đãi” khởi nghiệp không quá 3 triệu RMB (10,091 tỷ đồng), thời hạn tối đa không quá 2 năm, được hưởng chiết khấu tài chính theo quy định.

Cảnh báo huy động nhập ngũ quy mô lớn của Trung Quốc


Thực tế, những cơ quan truyền thông hàng đầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) như Nhân dân Nhật báo đã thông báo vào đầu tháng Tám về vấn đề kế hoạch tuyển quân trên toàn quốc vào cuối năm nay.

Ngày 8/8, truyền thông nhà nước Trung Quốc thông báo về kế hoạch tuyển quân trên toàn quốc. (Ảnh chụp màn hình video)


Sau đó, các tỉnh của Trung Quốc đã có những động thái tích cực: tỉnh Chiết Giang thông báo nửa cuối năm sẽ tuyển hơn 110.000 người, tỉnh Cát Lâm cũng cho biết đã tuyển dụng hơn 20.000 thanh niên, tại Đại học Thanh Đảo Sơn Đông có tới hơn 90% sinh viên tốt nghiệp tham gia nộp đơn, thành phố Thừa Đức tỉnh Hà Bắc đưa ra một số chính sách ưu đãi để vận động thanh niên địa phương nhập ngũ; tỉnh Giang Tô cũng đã tăng cường thông tin tức về việc nhập ngũ; các trường cao đẳng và đại học thậm chí còn đẩy mạnh tuyên truyền nhằm tăng số lượng sinh viên tốt nghiệp đại học phục vụ trong quân đội…


Đối với động thái rầm rộ nêu trên ở nhiều nơi, có quan điểm phổ biển trong dân chúng Trung Quốc cho rằng đó là nhằm tìm ra một bước đột phá cho vấn đề tỷ lệ sinh viên thất nghiệp của Trung Quốc.

Tỷ lệ thất nghiệp của Trung Quốc chạm mức cao mới kể từ năm 2018


Theo số liệu do Cục Thống kê Quốc gia ĐCSTQ công bố ngày 15/7, tỷ lệ thất nghiệp tại đô thị của Trung Quốc tháng Sáu năm nay là 5,5%, trong đó tỷ lệ thất nghiệp được khảo sát của nhóm dân số 16-24 tuổi là 19,3%, nghĩa là cứ 5 thanh niên thì có 1 người thất nghiệp. Đây là con số cao nhất kể từ khi dữ liệu này được phát hành tháng 1/2018.


Vào tháng Bảy “ Tuần báo Tin tức Trung Quốc” (China Newsweek) đưa tin, trong 3 năm kể từ khi bùng phát dịch bệnh COVID-19 (viêm phổi Vũ Hán), số lượng lớn việc làm trong ngành du lịch bị mất đi. Các tổ chức như Phòng Thương mại Công nghiệp Du lịch Quốc gia Trung Quốc chỉ ra rằng việc làm ổn định hiện tại của những người hành nghề du lịch chỉ là 13,8%, còn tỷ lệ thất nghiệp cao tới 68,1%, hơn 60% số lao động đã thất nghiệp trên một năm.


Theo ước tính của giáo sư Lu Feng tại Viện Nghiên cứu Phát triển – Đại học Bắc Kinh, thị trường việc làm năm nay của Trung Quốc cả khu vực công và tư chỉ đáp ứng được khoảng 20% ​nhu cầu.


Giáo sư Zheng Yuhuang tại Đại học Thanh Hoa tiết lộ trong một đoạn video, nửa đầu năm nay do đại dịch COVID-19 làm nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã phải đóng cửa hoặc ngừng hoạt động. Theo thống kê, tính đến cuối tháng Sáu, tại Trung Quốc có tổng cộng 460.000 doanh nghiệp đóng cửa, 3,1 triệu hộ kinh doanh đã hủy đăng ký. Tháng Tư, các khoản thanh lý sổ sách của doanh nghiệp đã tăng hơn 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Với tình hình quá nhiều doanh nghiệp đóng cửa như vậy thì tình hình việc làm sẽ ảm đạm.

Thanh niên Trung Quốc không muốn nhập ngũ


Trong một cuộc phỏng vấn với Epoch Times tháng Tám năm nay, Tổng biên tập Chen Weijian của tờ Beijing Spring (của người Hoa tại Mỹ) đã chỉ ra giới trẻ Trung Quốc lựa chọn nhập ngũ hiện nay đa số xuất thân từ gia đình nghèo. Bởi vì Trung Quốc Đại Lục hiện nay có rất nhiều gia đình con một, đối với những gia đình có điều kiện tốt thì họ sẽ không sẵn sàng lựa chọn nhập ngũ.


Ông Li Yuanhua từng công tác tại Đại học Sư phạm Thủ đô Bắc Kinh đã chỉ ra việc ĐCSTQ tích cực thúc đẩy tuyển dụng quân nhân là nỗ lực để giảm bớt áp lực việc làm ở Trung Quốc. Bởi vì có hơn 10 triệu sinh viên tốt nghiệp trong mùa tốt nghiệp đại học năm nay nên áp lực xã hội đối với ĐCSTQ rất lớn, ngoài ra động thái cũng tiện thể nâng cao sức mạnh quân đội.

Từ chối nghĩa vụ quân sự sẽ bị phạt nặng


Tuyên truyền của ĐCSTQ về nhiệt tình nhập ngũ của giới trẻ không hẳn đúng, vì những năm gần đây thường có thông tin cho thấy vấn đề khó tuyển quân. Truyền thông nhà nước thường có thông tin về việc những người từ chối thực hiện nghĩa vụ quân sự bị ĐCSTQ trừng phạt nghiêm khắc.


Ví dụ: vào ngày 14/9 và ngày 24/9/2020, lần lượt có thông tin về những trường hợp sinh viên tốt nghiệp đại học tại quận Tân Châu thành phố Thương Châu tỉnh Giang Tây và thành phố Văn Sơn tỉnh Vân Nam đã bị phạt nặng vì từ chối nghĩa vụ quân sự, bao gồm khoản tiền phạt 20.000 RMB (khoảng 67,3 triệu đồng) hoặc 12.000 RMB (40 triệu đồng) trở lên và bị đưa vào danh sách “đối tượng không trung thực” . Những ai bị vào danh sách đen phải chịu 8 hình phạt gồm: trong vòng 2 năm không được thuê làm công chức, nhân viên xí nghiệp quốc doanh, không được làm thủ tục đi nước ngoài, không được nhập học và theo học bậc cao hơn, và trong vòng 3 năm không thể làm thủ tục kinh doanh.


Tháng 8/2018, truyền thông tỉnh Hà Nam đưa tin 6 thanh niên địa phương mới nhập ngũ năm 2017 trở thành “lính đào ngũ”, đã bị dán nhãn “từ chối thực hiện nghĩa vụ quân sự”. Tháng 1/2018, có thông tin 2 thanh niên thế hệ sinh sau 1995 đến từ thành phố Phúc An tỉnh Phúc Kiến kiên quyết từ chối thực hiện nghĩa vụ quân sự sau khi nhập ngũ, bị Binh đoàn 82 trả về địa phương. Thành phố Phúc An đã đưa ra 6 hình phạt đối với 2 thanh niên này, trong đó có ghi chú “vĩnh viễn từ chối nghĩa vụ quân sự” trong “cột nghĩa vụ” của hộ khẩu, theo đó gia đình họ không được hưởng phúc lợi (trong vòng 3 năm không được xin trợ cấp sinh hoạt cũng như vay vốn…).


Theo “Điều tra về hình phạt từ chối nghĩa vụ quân sự ở Sơn Tây” vào tháng 1/2017 của tờ Quân đội ĐCSTQ, trong nhiều năm qua những hình phạt tương tự đã có không ít ở Thượng Hải, Chiết Giang, Giang Tô, Hồ Bắc, Phúc Kiến… Mặc dù từ chối thực hiện nghĩa vụ quân sự sẽ bị nhà chức trách phạt nặng, nhưng hiện tượng này vẫn luôn xảy ra, thậm chí còn lan rộng từ các vùng kinh tế phát triển đến miền trung và miền tây Trung Quốc.


Năm 2020, phát ngôn viên Tan Kefei của Bộ Quốc phòng ĐCSTQ cho biết số người nộp đơn tham gia nghĩa vụ quân sự vượt quá 3 triệu người. Tuy nhiên, sau đó có phân tích chỉ ra ngoài tính xác thực của con số 3 triệu này, thì thực ra con số đó không phải quá nhiều nếu tính theo 2 chỉ số: thứ nhất là mỗi năm ĐCSTQ tuyển 100.000 quân trong đó số thanh niên vừa đủ tuối chỉ chiếm 1% là tỷ lệ rất thấp; thứ hai, nghĩa vụ quân sự của ĐCSTQ là bắt buộc, vì thế tỷ lệ số người nộp đơn so với số người trong diện buộc phải đăng ký nghĩa vụ quân sự là khá thấp.


Tiểu Quỳ, Vision Times

Video máy bay không người lái của Trung Quốc gắn "chó robot" vũ trang được tiết lộ Gần đây video quay cảnh một máy bay không người lái của Trung Quốc mang theo "chú chó robot" đã lan truyền trên Internet.

Chia sẻ Facebook