Trung Quốc hồi sinh công nghệ hàng không Pháp, Anh từng "bỏ xó": 1 mũi tên, 2 con đại bàng
Công ty Vận tải Không gian Bắc Kinh đang "thai nghén" một dự án khủng, có thể đạt được 2 mục đích lớn.
VƯỢT QUA TỐC ĐỘ ÂM THANH
Bạn đã từng bay từ Thượng Hải tới New York hay chưa? Chuyến bay này chưa phải là chuyến bay dài nhất thế giới, nhưng cũng sẽ cần tới khoảng 15 tiếng để bay qua 11.800km. Tuy nhiên, nếu như ứng dụng mới đây của Trung Quốc được đi vào vận hành thực tế thì thời gian bay sẽ chỉ còn khoảng 2 tiếng.
Công ty Vận tải Không gian Bắc Kinh của Trung Quốc đang cố gắng hiện thực hóa điều không tưởng nói trên với việc phát triển dòng máy bay chở khách siêu thanh có khả năng bay khoảng 1,6km mỗi giây. Tốc độ này thậm chí còn gấp hơn 2 lần tốc độ của máy bay siêu thanh Concorde mà Pháp đã từng sử dụng trước khi khai tử vào năm 2003.
Trung Quốc hồi sinh công nghệ hàng không Pháp, Anh từng "bỏ xó": 1 mũi tên, 2 con đại bàng
Công ty Vận tải Không gian Bắc Kinh đã đăng tải một video đồ họa cho thấy cảnh hành khách bước lên một tàu bay khoảng 12 chỗ. Có tới 2 điểm đáng chú ý trong video này, đầu tiên là việc khách hàng không cần sử dụng bất cứ đồ bảo hộ nào; thứ 2 là chiếc tàu bay này có kiểu dáng khí động cao, cánh delta và sử dụng 2 tên lửa đẩy cực lớn.
Video cũng mô tả cảnh tượng chiếc máy bay sẽ được phóng lên theo phương thẳng đứng so với mặt đất, giống với việc phóng tàu vũ trụ hay tên lửa. Khi bay tới một độ cao nhất định, tàu bay sẽ tách ra khỏi phần tên lửa đẩy và tiếp tục bay đi ở rìa vũ trụ, băng qua 7000km trong 1 tiếng. Khi tới điểm hạ cánh, chiếc máy bay này cũng mô phỏng cách tiếp đất của tàu vũ trụ khi hạ cánh theo phương thẳng đứng trên bộ càng 3 chân.
MỘT MŨI TÊN, HAI CON ĐẠI BÀNG
Theo thông tin trên trang web của Công ty Vận tải Không gian Bắc Kinh, công ty đặt tham vọng vận hành chuyến bay thử nghiệm rìa vũ trụ đầu tiên vào khoảng năm 2025, sau đó sẽ là việc khai thác các chuyến bay siêu thanh trên toàn thế giới vào năm 2030.
Nếu như ý tưởng này thành công, đó sẽ là hiện thân cho tham vọng đánh chiếm cả du hành (rìa) vũ trụ lẫn vận tải hàng không siêu thanh dân dụng. Cũng cần nhắc rằng đây đều là 2 mục tiêu lớn mà thế giới đã luôn theo đuổi.
Concorde "ồn ào" một thời
Thật vậy, vào đầu những năm 1960, cả Pháp và Anh đều đã có cho mình dự án máy bay siêu thanh dân dụng, nhưng thay vì đối đầu nhau thì vào năm 1962, cả Pháp và Anh đã bắt tay nhau và cùng cho phát triển mẫu máy bay siêu thanh Concorde. Ngay sau khi công bố dự án, đã có tới 70 đơn đặt hàng tàu bay siêu thanh này.
Tuy vậy, khi chiếc máy bay gần ra đời thì giá dầu tăng phi mã khiến cho nhiều hãng hàng không hủy đơn hàng và chỉ có khoảng 14 tàu bay thực tế vận hành bởi 2 hãng hàng không quốc gia British Airways của Anh và Air France của Pháp. Chưa kể tới chi phí phát triển vượt xa kế hoạch, Concorde đã buộc phải dừng hoạt động vào năm 2003, tức là 3 năm sau vụ tai nạn nghiêm trọng khiến cho việc vận hành Concorde trở nên quá tốn kém.
Xuyên suốt lịch sử hàng không, hiện chỉ có 2 mẫu máy bay siêu thanh được đưa vào vận hành dân dụng, đầu tiên là mẫu Tupolev Tu-144 được Liên Xô đưa vào sử dụng lần đầu năm 1968, sau đó chính là Concorde nói trên. Điều đáng buồn là cả 2 mẫu máy bay này đều đã phải dừng hoạt động vì những lý do khác nhau.
Cho tới nay, các mẫu máy bay siêu thanh dân dụng vẫn đang là một cái đích mà nhiều ông lớn ngành hàng không hướng tới, trong đó có thể kể tới Lockheed Martin với X-59 QueSST, Virgin Galactic của tỷ phú Richard Branson.
Trải nghiệm rìa vũ trụ
Từ trước đến nay, vũ trụ vẫn luôn chứa đựng nhiều ẩn số với con người nói chung và với giới khoa học nói riêng. Ước mơ trải nghiệm ở môi trường trọng lực thấp giờ đây đã gần hơn khi 2 tỷ phú Jeff Bezos và Richard Branson đều cùng thử nghiệm thành công chuyến bay lên rìa không gian. Chuyến bay này của 2 vị tỷ phú mở ra cơ hội thương mại hóa du lịch vũ trụ - thứ ước mơ không chỉ tốn kém về tiền mà còn tốn cả về trí.
Theo phân tích gần đây của Emergen Research, "doanh thu từ thị trường của các chuyến bay không hết vòng quỹ đạo và du lịch không gian ước tính sẽ đạt tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm ở mức 16,8%, quy mô thị trường sẽ mở rộng từ 423,7 triệu USD vào năm 2020 đến 1,44 tỷ USD vào năm 2028."
Trao đổi với CNN, ông John Schmidt (nhân sự cấp cao tại Accenture) cho biết rằng: "Du lịch không gian vẫn là một ngành mới nổi và dường như chỉ dành cho giới tỷ phú. Du lịch không gian dường như sẽ tăng trưởng, nhưng sẽ còn rất lâu nữa, cho tới khi chi phí giảm mạnh xuống mức đại chúng hơn thay vì nhắm tới nhóm khác hàng tỷ phú".
CNN cũng cho rằng đây chính là lúc mà Trung Quốc - nổi danh với khả năng nhân rộng mô hình giúp giảm giá thành - "nhảy vào". Với tiềm năng phát triển mạnh của du lịch không gian, có lẽ là không quá ngạc nhiên khi Trung Quốc nhân rộng nguồn lực và cơ sở hạ tầng để phát triển cái của riêng họ.
Có thể lấy ví dụ như hồi tháng 3/2018, Trung Quốc cho biết rằng họ đã xây dựng một cơ sở với hầm gió dài tới 265 mét, có thể giúp thử nghiệm các mẫu tàu bay siêu thanh ở tốc độ Mach 25 (tức là 30.625km/h, gấp 25 lần tốc độ của âm thanh).
Sếp Mercedes: 3 "hòn đá tảng" ngáng đường xe điện - VinFast có quá vội khi bỏ xe xăng?