Trung Quốc ghi nhận nắng nóng khắc nghiệt nhất và mùa hè khô hạn thứ ba trong 6 thập kỷ qua

Chia sẻ Facebook
09/09/2022 12:36:33

Theo Cơ quan Khí tượng quốc gia Trung Quốc, đợt nắng nóng kỷ lục cùng mùa hè khô hạn đã dẫn tới cháy rừng, gây hư hại mùa màng và ảnh hưởng đến nguồn cung năng lượng.


Nhiệt độ trung bình trên toàn Trung Quốc vào tháng 8 là 22,4°C, cao hơn 1,2°C so với mức hàng năm. Trong khi đó, lượng mưa trung bình giảm 23%, xuống 82 mm, mức thấp thứ ba kể từ khi các kỷ lục bắt đầu dược thống kê vào năm 1961.

Được biết, 267 trạm thời tiết trên khắp Trung Quốc đã ghi nhận mức nhiệt cao nhất trong lịch sử vào tháng 8.

Nhiệt kế chỉ nhiệt độ gần 40°C ở thành phố Trùng Khánh, ngày 20/8/2022. (Ảnh: AP)

Đợt nắng nóng từ giữa tháng 6 đến cuối tháng 8 năm nay ở Trung Quốc là "khắc nghiệt nhất" kể từ khi các kỷ lục được ghi nhận về thời lượng, mức độ, cường độ và tác động.

Nhiệt độ khắc nghiệt đã gây ra hạn hán trên diện rộng ở các vùng dọc sông Dương Tử, Tây Nam Trung Quốc, miền Đông và Trung Tây Tạng. Nắng nóng dai dẳng và hạn hán đã gây ra cháy rừng và ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, nguồn nước và nguồn cung cấp điện. Dương Tử là con sông lớn thứ ba thế giới, cung cấp nước uống cho hơn 400 triệu người dân Trung Quốc và là tuyến đường thủy quan trọng nhất đối với nền kinh tế nước này.

Hồ chứa gần như cạn nước ở thành phố Trùng Khánh, Tây Nam Trung Quốc, ngày 20/8/2022. (Ảnh: AP)


Trong khi đó, các trận mưa bão nghiêm trọng đã đổ bộ vào nhiều khu vực khác nhau, bao gồm cả miền Bắc và miền Nam Trung Quốc. Sét, gió mạnh và mưa đá đã tấn công 13 tỉnh và khu vực, bao gồm cả Nội Mông và Vân Nam, vào tháng 8.

Cơ quan này cho biết đã ban hành 65.000 cảnh báo thời tiết, chủ yếu là về nắng nóng khắc nghiệt, trong tháng 8, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2021.

Chuyên gia Trung Quốc đã cảnh báo rằng thời tiết khắc nghiệt có thể sẽ sẽ diễn ra trong những năm tới khi nước này cố gắng đối phó với cuộc khủng hoảng khí hậu và nhiệt độ tăng cao.

Hạn hán kỷ lục đã khiến nhiều con sông ở Trung Quốc, bao gồm cả một số vùng của sông Dương Tử, bị khô cạn, ảnh hưởng đến thủy điện, làm gián đoạn lưu thông đường thủy và buộc các công ty lớn phải tạm ngừng hoạt động. Việc thiếu nước cho hệ thống thủy điện rộng lớn của Trung Quốc đã gây ra một "tình trạng thiếu điện nghiêm trọng" ở Tứ Xuyên, nơi hơn 80% năng lượng đến từ thủy điện.

Tháng 8, tỉnh Tứ Xuyên cho biết sẽ phân bổ nguồn cung cấp điện cho các gia đình, văn phòng và trung tâm mua sắm, sau khi yêu cầu cho những doanh nghiệp sử dụng nhiều năng lượng như sản xuất kim loại và phân bón hạn chế hoạt động.

Chia sẻ Facebook