Trung Quốc đối đầu Đài Loan ở vùng xám như thế nào
Khi Đài Loan lên tiếng báo động về số lượng kỷ lục các máy bay chiến đấu của Trung Quốc vượt qua biên giới không chính thức giữa hai bên, Bắc Kinh nói rằng đường biên này không tồn tại.
Chụp lại hình ảnh,
Trung Quốc đã tăng cường các cuộc tập trận quân sự gần Đài Loan
Tác giả, Joel Guinto Vai trò, BBC 5 tháng 10 2023
103 máy bay chiến đấu Trung Quốc bay gần Đài Loan – 40 trong số đó bay vào Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) của Đài Loan – lại là sự leo thang khác trong trò chơi chiến tranh của Trung Quốc.
Bắc Kinh, từ lâu đã khẳng định chủ quyền với Đài Loan, trong năm qua đã liên tục tập trận quanh hòn đảo tự trị này với máy bay chiến đấu và tàu hải quân. Các cuộc tập trận quân sự đã có bước ngoặt mang tính đe dọa một cách đặc biệt khi Trung Quốc thề ‘đoàn tụ’ với Đài Loan.
Cho tới nay, các cuộc tập trận chưa tới mức là một cuộc xâm lược và vẫn nằm trong vùng xám, một thuật ngữ quân sự cho các chiến thuật nằm giữa chiến tranh và hòa bình.
Nhưng Đài Loan hiện là một mồi lửa trong cái đã trở thành một mối quan hệ Mỹ-Trung đầy bất ổn – và các nhà phân tích nói rằng chiến thuật vùng xám là một phần trong chiến lược kiểm soát Đài Loan của Trung Quốc mà không phải bắn một phát súng nào.
Trung Quốc đang cố gắng đạt được gì?
Các chiến thuật chiến tranh vùng xám có mục đích làm suy yếu đối phương trong một thời gian dài – và đây chính xác là cái mà Trung Quốc đang làm với Đài Loan, các nhà quan sát cho hay.
Bằng cách thường xuyên vượt qua ADIZ của Đài Loan, Bắc Kinh đang thử xem Đài Bắc sẽ củng cố vùng này tới mức độ này, Alessio Patalano, giáo sư về chiến tranh và chiến lược tại Đông Á, King’s College tại London, cho hay.
ADIZ là vùng tự tuyên bố và về mặt kỹ thuật được tính là không phận quốc tế, nhưng các chính phủ sử dụng vùng này để giám sát các máy bay nước ngoài.
Đài Loan thường xuyên điều động máy bay chiến đấu để cảnh báo máy bay Trung Quốc tại ADIZ của mình – một phản ứng có thể gây căng thẳng cho các nguồn lực của Đài Loan trong dài hạn, giáo sư Patalano nói.
Nhưng dây không phải là mục đích – hay lợi ích duy nhất. Trước hết, các cuộc tập trận cho phép Trung Quốc thử khả năng của mình, chẳng hạn về phối hợp lực lượng và giám sát, theo các nhà phân tích. Mặt khác, chúng phù hợp với khuynh hướng của Trung Quốc nhằm bình thường hóa việc tăng áp lực quân sự lên Đài Loan để thử sức phòng thủ và ủng hộ của quốc tế cho hòn đảo này.
“Việc bình thường hóa này có thể một ngày nào đó phục vụ cho việc che đậy các bước đầu tiên của một cuộc tấn công thực thụ, gây khó khăn cho Đài Loan và [ đồng minh chính] Mỹ để chuẩn bị đối phó,” David Gitter, một thành viên không thường trú của Văn phòng Quốc gia về Nghiên cứu châu Á, có trụ sở tại Mỹ, nói.
Các động thái của Bắc Kinh cũng nhằm bác bỏ khẳng định của Đài Loan rằng nước này có biên giới với Trung Quốc ở eo biển Đài Loan, vùng biển nằm giữa hòn đảo này và Trung Quốc đại lục.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ning nói rằng "không có cái gọi là đường trung tuyến" ở eo biển khi được hỏi về phản ứng của Đài Loan trước cuộc tập trận tháng Chín.
“Nó cũng khiến người dân Đài Loan tê liệt trước mối đe dọa từ một lực lượng như vậy, điều này có thể làm suy yếu ủng hộ chính trị cho một sự chuẩn bị quân sự tận tâm hơn của Đài Loan cho khả năng xảy ra chiến tranh,” ông nói.
Hầu hết các nhà phân tích đều đồng tình rằng quân đội Đài Loan – một đội quân bị thu hẹp, hải quân đông hơn và pháo binh cũ kỹ - sẽ không thể sánh được với một Trung Quốc hùng mạnh hơn nhiều. Nhiều người Đài Loan có vẻ cũng đồng tình với ý kiến này, theo một khảo sát năm ngoái của Quỹ Ý kiến Công chúng Đài Loan. Khảo sát này cho thấy hơn một nửa trong số người được hỏi ý kiến cho rằng Trung Quốc sẽ thắng nếu có chiến tranh – chỉ một phần ba tin rằng Đài Loan sẽ thắng.
Và sự ủng hộ cho ý tưởng một ngân sách quốc phòng lớn hơn có vẻ yếu. Gần một nửa người Đài Loan cho rằng ngân sách hiện nay là đủ trong khi một phần ba cho rằng đã quá nhiều rồi, theo khảo sát mới đây của Đại học Nottingham.
Trung Quốc triển khai chiến thuật vùng xám khi nào?
Trung Quốc thường diễn tập quân sự để đáp trả các hoạt động chính trị cấp cao giữa Đài Loan và Mỹ mà nước này cho là ‘khiêu khích’.
Các cuộc tập trận này đã tăng lên về quy mô và tần số từ chuyến thăm Đài Loan tháng 8/2022 của Chủ tịch Hạ viện Mỹ khi đó, bà Nancy Pelosi. Bắc Kinh đáp trả bằng tập trận kéo dài cả tuần với bốn ngày tập bắn đạn thật, tiếp đó là các cuộc tấn công chống tầu ngầm và diễn tập bố ráp trên biển.
Sau đó vào tháng Tư, sau khi Tổng thống Thái Anh Văn gặp Chủ tịch Hạ viện Mỹ khi đó là Kevin McCarthy tại California, Trung Quốc diễn tập ‘phong tỏa’ Đài Loan trong cái gọi là cuộc tập trận chung với tàu sân bay Sơn Đông của nước này.
Trung Quốc thậm chí cho máy bay bay tới bờ biển Thái Bình Dương của Đài Loan, cho thấy rằng họ đang tập tấn công từ hướng này, thay vì từ phía tây, đối diện với Trung Quốc đại lục.
Càng ngày, Trung Quốc càng có vẻ diễn tập một cuộc phong tỏa Đài Loan. Nhưng quan chức Lầu Năm Góc nói rằng nỗ lực này khó có thể thành công vì sẽ giúp các đồng minh của Đài Loan có thêm thời gian để tự huy động.
Cuộc tập trận vào tháng Chính diễn ra sau khi phó Tổng thống Đài Loan William Lai thăm Mỹ. Đài Bắc cảnh báo các cuộc tập trận sau khi Mỹ gọi ông Lai, ứng cử viên dẫn đầu trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng Giêng, là ‘kẻ gây rối’.
Một số nhà phân tích cũng tin rằng Trung Quốc đang có gắng thể hiện sức mạnh sau các tin đồn về sự ‘mất tích của Bộ trưởng Quốc phòng Lý Thượng Phúc.
Các chiến thuật cũng không dành riêng cho cuộc đối đầu với Đài Loan. Trung Quốc triển khai các biện pháp tương tự để khẳng định chủ quyền với hầu hết Biển Đông, điều có thể là mấu chốt để dành quyền kiểm soát Đài Loan.
Vùng biển này có tuyến hàng hải trị giá hàng ngàn tỷ USD và được tin là có trữ lượng dầu và khí lớn.
Bắc Kinh đã xây các công trình lớn trên các rạn san hô ở vùng biển tranh chấp, nơi Philippines, Đài Loan, Malaysia, Việt Nam và Brunei đều khẳng định chủ quyền. Nước này cũng triển kahi các tàu tuần duyên và dân quân để chặn các tàu an ninh và tàu cá của Philippines tại vùng biển này bất chấp một phán quyết của tòa án quốc tế rằng các tuyên bố chủ quyền của họ là không cơ sở pháp lý.
Các chiến thuật vùng xám có leo thang?
Các cuộc tập trận đã dẫn đến một khu vực ngày càng được quân sự hóa - có thể là ở vùng biển xung quanh Đài Loan hoặc trên bầu không.
Mỹ và các đồng minh cũng tăng cường tập trận quân sự ở Biển Đông. Chỉ trong tuần này, Mỹ và Philippines đã bắt đầu một vòng đàm phán nữa.
Ngay cả khi không bên nào có ý định khiêu khích, các nhà quan sát lo ngại rằng việc tăng cường tàu chiến và máy bay chiến đấu sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra tính toán sai lầm phải trả giá. Quân đội hai nước cũng không còn liên lạc trực tiếp - mặc dù Mỹ cho biết họ đang cố gắng khôi phục đường dây nóng, điều này sẽ giúp xoa dịu mọi leo thang ngoài dự kiến.
Dù nối lại đối thoại cấp cao với Mỹ, Trung Quốc không cho thấy dấu hiệu nhượng bộ Đài Loan.
Ông Gitter cho biết, số vụ xâm nhập kỷ lục vào tháng Chín cho thấy những hoạt động như vậy sẽ được tiến hành như một phần trong chính sách của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ngay cả khi không có “các tác nhân từ bên ngoài”. Ông Tập gần đây cho biết ông “sẽ không bao giờ hứa từ bỏ việc sử dụng vũ lực” và rằng Đài Loan “phải và sẽ” thống nhất với Trung Quốc.
Nhưng các nhà quan sát cho rằng Trung Quốc sẽ ở trong tình thế nhạy cảm trong những tháng tới vì phô trương sức mạnh quá mức cũng có thể mở đường cho ông Lai, người mà họ coi là ứng cử viên ủng hộ độc lập của Đài Loan, giành chiến thắng trong cuộc bầu cử quan trọng vào tháng Giêng.
Năm tới cũng là lúc Bắc Kinh đưa vào sử dụng tàu sân bay Phúc Kiến mới, loại tàu sân bay hiện đại nhất mà Đài Bắc cho rằng sẽ tăng cường khả năng của Trung Quốc trong việc phong tỏa eo biển Đài Loan.
Ông Gitter cho biết các cuộc tập trận quân sự của Trung Quốc sẽ ngày càng lớn hơn và thường xuyên hơn.
Ông nói: “Chúng ta có thể dự đoán những con số này sẽ tăng lên cho đến khi chúng đạt tới mức mà người ta có thể thấy trong một cuộc tấn công thực sự”.
Tường thuật bổ sung của Ian Tang từ BBC Monitoring
Nhân vụ 'Quyết Chiến với đường lưỡi bò', nghĩ tiếp về “ngoại giao công chúng” 28 tháng 9 năm 2023 Việt Nam và nhiều nước giận dữ phản đối bản đồ 'đường 10 đoạn' mới của TQ trên Biển Đông 31 tháng 8 năm 2023 Khó khăn kinh tế của Trung Quốc ảnh hưởng gì tới thế giới? 29 tháng 9 năm 2023
Hải Côn: Đài Loan ra mắt tàu ngầm tự sản xuất nhằm đối phó với Trung Quốc 28 tháng 9 năm 2023 Phó tổng thống Đài Loan thăm Mỹ: TQ đe dọa tập trận 12 tháng 8 năm 2023 Đài Loan phát hiện 42 máy bay chiến đấu trong cuộc tập trận của Trung Quốc 20 tháng 8 năm 2023