Trung Quốc điều tiết, tối ưu hóa biện pháp phòng chống dịch COVID-19
Liên tiếp trong hai ngày nay, mỗi ngày Trung Quốc đại lục ghi nhận gần 40.000 trường hợp nhiễm COVID-19 mới, bao gồm cả ca không triệu chứng.
20 biện pháp tối ưu hóa phòng chống dịch COVID-19 nhằm nới lỏng các biện pháp chống dịch đang bị nhiều địa phương ở Trung Quốc triển khai chưa đúng, từ đó đã xảy ra tình trạng dịch bệnh tăng, sản xuất kinh doanh và đời sống bị ảnh hưởng.
Cơ quan liên ngành phòng chống dịch Chính phủ Trung Quốc đánh giá, đã xảy ra hai thái cực không đúng tinh thần chỉ đạo. Theo đó, một số nơi phong tỏa trên diện rộng, một số nơi chống dịch lỏng lẻo; nhiều địa phương vẫn còn xét nghiệm rộng và kiểm soát nghiêm ngặt việc đi lại. Cơ quan này yêu cầu các địa phương chống dịch khoa học, cân nhắc những giải pháp khi triển khai để không ảnh hưởng nặng nề kinh tế.
Chuyên gia Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Trung Quốc nhấn mạnh, cần phải triển khai phong tỏa có trọng điểm xung quanh khu vực có ca nhiễm, tập trung lực lượng xét nghiệm nhanh, điều tra dịch tễ để tận dụng thời gian "vàng" 24 giờ hạn chế dịch bệnh lây lan rộng.
Thành phố Bắc Kinh hiện đang áp dụng phong tỏa cả tòa nhà, toàn bộ siêu thị khi phát hiện ca COVID-19 nhằm kiểm soát dịch, sau đó nếu không phát hiện ca nhiễm sẽ dỡ bỏ phong tỏa ngay trong 24 giờ, tối đa trong 3 ngày phải trả lại hoạt động mua bán, sinh hoạt bình thường.
Chính phủ Trung Quốc đã yêu cầu các nền tảng thương mại điện tử tăng cường dự trữ hàng hóa gấp 3 - 5 lần bình thường để bán đủ cho người dân với giá không biến động. Một số địa phương giảm thuế, giảm phí bảo hiểm cho các công ty gặp khó khăn. Nhiều nơi tạo điều kiện phát triển kinh tế đêm để người dân buôn bán, cho phép các công ty nằm trong vùng phong tỏa được mở gian hàng tạm để bán ngoài vùng không có dịch
Hiện nhiều địa phương và người dân ở Trung Quốc đã bắt đầu quen với việc phong tỏa cục bộ, những tòa nhà xung quanh bị phong tỏa để sản xuất và sinh hoạt bình thường.
Trung Quốc đã báo cáo 35.183 ca nhiễm COVID-19 mới vào ngày 25/11, trong đó 3.474 trường hợp có triệu chứng và 31.709 không có triệu chứng.