Trung Quốc có nhiều “công cụ” để kiến tạo hòa bình ở Ukraine

Chia sẻ Facebook
09/03/2023 13:40:27

Người dân Ukraine coi Trung Quốc là quốc gia có ảnh hưởng lớn nhất trong việc thúc đẩy đàm phán hòa bình và thỏa thuận ngừng bắn giữa Moscow và Kiev.


Trung Quốc có thể sử dụng đòn bẩy ngoại giao, chính trị và kinh tế để đóng vai trò lớn hơn trong việc thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine nhằm giúp 2 bên đạt được một thỏa thuận ngừng bắn, theo các nhà phân tích.

Trong bản lập trường gồm 12 điểm, được công bố trực tuyến hôm 24/2 – kỷ niệm dấu mốc một năm xung đột Nga-Ukraine, Bắc Kinh kêu gọi tất cả các bên “tránh thổi bùng ngọn lửa và làm trầm trọng thêm căng thẳng” với hy vọng ngăn chặn cuộc khủng hoảng “xấu đi hơn nữa hoặc vượt khỏi tầm kiểm soát”.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin bước vào hội trường để bắt đầu một cuộc hội đàm tại Điện Kremlin, Moscow, Nga, năm 2019. Ảnh: Politico


Bình luận về kế hoạch hòa bình của Trung Quốc, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Nga “chăm chú” xem xét tất cả các ý kiến được đưa ra ở Bắc Kinh. Ông Peskov hôm 7/3 cũng nói: “Chiến dịch quân sự đặc biệt vẫn tiếp tục. Không có điều kiện tiên quyết nào để chuyển đổi sang một tiến trình hòa bình nào đó trong tình huống này”.

Trong khi đó, Ukraine và liên minh quân sự NATO do Mỹ dẫn dắt đã chỉ trích kế hoạch của Bắc Kinh là thiên vị Nga một cách không thể chấp nhận được.


Phần có ảnh hưởng nhất

Ông Kostyantyn Khivrenko, một đại tá về hưu người Ukraine, cho biết kế hoạch hòa bình của Trung Quốc nhắc lại quan điểm của Bắc Kinh về xung đột Nga-Ukraine và “không phải là điều gì mới”, nhưng đề xuất này cho thấy quốc gia Đông Á có thể có ảnh hưởng tích cực đến những diễn biến trong cuộc khủng hoảng này.

“Tài liệu này không chỉ được coi là văn bản dành cho một cuộc chiến cụ thể, mà còn là tuyên bố của Bắc Kinh rằng Trung Quốc là một quốc gia mà ý kiến của họ phải được tính đến, hoặc ít nhất là được lắng nghe”, ông Khivrenko, người từng phục vụ trong Bộ Quốc phòng Ukraine trong giai đoạn 1993-2004, cho biết.

Tuy nhiên, ông Khivrenko cho biết, cảnh báo của Trung Quốc về vũ khí hạt nhân và chiến tranh hạt nhân là phần có ảnh hưởng nhất trong đề xuất, đồng thời cho biết thêm rằng phương Tây đã đưa ra những cảnh báo tương tự, nhưng họ đã không đạt được “hiệu quả mong muốn”.

“Khi nhà lãnh đạo Trung Quốc đặt nặng vấn đề này, vấn đề về khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân của Moscow gần như ngay lập tức bị loại khỏi chương trình nghị sự quốc tế”, ông Khivrenko nói.

Lính tình nguyện Ukraine khải hỏa về phía các vị trí của Nga gần Bakhmut, vùng Donetsk, ngày 8/3/2023. Ảnh: The Guardian

Ông Zhou Chenming, một nhà nghiên cứu của tổ chức tư vấn khoa học và công nghệ quân sự Yuan Wang có trụ sở tại Bắc Kinh, cho biết cảnh báo của Trung Quốc nhằm đáp trả mệnh lệnh của Tổng thống Nga Vladimir Putin về việc các lực lượng Nga sẵn sàng triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật để sử dụng chống lại Ukraine.

Hầu hết các vũ khí hạt nhân chiến thuật được coi là năng suất thấp với đầu đạn nhỏ hơn và hệ thống phóng nhằm mục đích sử dụng trên chiến trường hoặc cho một cuộc tấn công hạn chế. Nhưng chúng vẫn gây ra những vụ nổ lớn và sức tàn phá khủng khiếp.

Ông Putin đã nhiều lần đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân trong “chiến dịch quân sự đặc biệt” của ông ở Ukraine. Chỉ vài ngày sau khi ra lệnh đưa quân vào Ukraine hồi cuối tháng 2/2022, ông Putin đã ra lệnh cho các lực lượng răn đe hạt nhân Nga chuyển sang trạng thái “sẵn sàng chiến đấu ở mức cao” và sau đó là tổ chức các cuộc tập trận hạt nhân cấp cao.

Nhà lãnh đạo Nga cũng cảnh báo sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân “nếu sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước chúng ta bị đe dọa”.


Lập trường trung lập


“Quân đội Nga đã triển khai gần như toàn bộ kho vũ khí thông thường trên chiến trường Ukraine, nhưng một khi thiết bị cạn kiệt, có thể ông Putin sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân”, ông Zhou nhận định. “Đó là lý do tại sao Bắc Kinh cần giữ thái độ trung lập trong cuộc chiến này và kêu gọi cả 2 bên bình tĩnh”.

Căng thẳng gia tăng với Mỹ đã khiến mối quan hệ đối tác “không giới hạn” giữa Bắc Kinh và Moscow trở nên bền chặt, ông Khivrenko cho biết.

Trong khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vẫn chưa gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lần nào, thì ông Putin đã có ít nhất 4 cuộc hội đàm trực tiếp với nhà lãnh đạo Trung Quốc trong năm qua, vị chuyên gia người Ukraine bổ sung.

Ông Ni Lexiong, giáo sư tại Đại học Khoa học Chính trị và Luật Thượng Hải, cho biết nếu Trung Quốc muốn trở thành một “người kiến tạo hòa bình” thực sự, thì tốt hơn là nên đối thoại với cả 2 bên.

Chiến đấu cơ Su-25 của Nga cất cánh làm nhiệm vụ tại một địa điểm không được tiết lộ ở Ukraine. Ảnh chụp từ video do Bộ Quốc phòng Nga công bố, đăng trên kênh Telegram của Đài RT ngày 7/3/2023

Còn ông Zhou nhận định rằng, bất chấp những khác biệt chính trị giữa Bắc Kinh và Kiev, Trung Quốc vẫn sẵn sàng giúp đỡ ngoại giao và kinh tế cho người dân Ukraine.

Cuộc xung đột đã buộc hàng triệu người Ukraine phải rời bỏ nhà cửa của họ để đi tị nạn. Theo ông Zhou, Bắc Kinh đã cho phép hàng ngàn người Ukraine sống và làm việc ở Trung Quốc đại lục. Ông nói: “Hầu như tất cả người tị nạn Ukraine đều là phụ nữ trẻ vì nam giới không được phép rời khỏi đất nước thời chiến”.


“Giới lãnh đạo Trung Quốc… có khá nhiều công cụ mang tính chất ngoại giao, chính trị và kinh tế cho việc này. Trọng điểm là phải sử dụng chúng một cách chính xác” và duy trì lập trường trung lập, ông kết luận .


Minh Đức (Theo SCMP, Anadolu Agency)

Chia sẻ Facebook