Trung Quốc chiếm 84% các ứng dụng blockchain trên toàn thế giới

Chia sẻ Facebook
26/09/2022 10:34:44

Bất chấp các lệnh cấm nghiêm ngặt tiền mã hóa, Trung Quốc vẫn là quốc gia có nhiều đơn xin cấp bằng sáng chế blockchain nhất trên toàn thế giới.

Wang Jianwei, Phó giám đốc văn phòng phát triển công nghệ thông tin của Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin, đã tiết lộ con số này vào thứ Ba vừa qua. Ông nói thêm rằng blockchain giúp “tăng tốc độ hội nhập với nền kinh tế, các dịch vụ cho sinh kế của người dân, các thành phố thông minh và các dịch vụ hành chính.”

Gao Chengshi, một chuyên gia mật mã là đối tác sáng lập của nhà phát triển blockchain Shanghai Hashvalue Information Technology cho biết: “Nhiều bằng sáng chế blockchain không chỉ áp dụng cho blockchain mà còn cả công nghệ internet truyền thống, chẳng hạn như điện toán bảo mật và mật mã.”

Blockchain là công nghệ sổ cái phi tập trung được biết đến nhiều nhất trong vai trò là nền tảng của tiền điện tử, bắt đầu với Bitcoin vào năm 2009. Đặc tính mã nguồn mở và không yêu cầu cơ quan trung ương điều hành đã khiến blockchain trở nên hấp dẫn đối với nhiều ứng dụng trên thế giới. Tuy nhiên, ở Trung Quốc, loại “blockchain” này bị hạn chế, yêu cầu phải được đăng ký với Cơ quan quản lý không gian mạng của nước này. Trung Quốc đặt nhiều hy vọng vào các “blockchain được cấp phép hoặc những blockchain giới hạn lượng người có thể thay đổi sổ cái”.

Vào năm 2019, Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết blockchain sẽ đóng “một vai trò quan trọng trong thời đại đổi mới công nghệ và chuyển đổi công nghiệp tiếp theo.”

Từ năm 2015 đến tháng 6 năm 2021, các đơn đăng ký bằng sáng chế blockchain từ Trung Quốc chiếm gần 60% tổng số toàn cầu, tiếp theo là Mỹ và Hàn Quốc, theo một báo cáo của think tank 01Caijing và công ty tư vấn bằng sáng chế PatSnap.

Tuy nhiên, chỉ có 19% đơn của Trung Quốc được chấp thuận, trong khi các đơn của Mỹ và Hàn Quốc có tỷ lệ phê duyệt lần lượt là 26% và 43%.

Được biết, Trung Quốc có mối quan hệ khó giải thích đối với blockchain. Quốc gia này cấm tiền mã hóa, cấm người dân tham gia hợp pháp vào các blockchain ở nước ngoài như Bitcoin và Ethereum. Điều này có thể dẫn đến việc ngành công nghiệp blockchain của Trung Quốc tách biệt với cộng đồng quốc tế trong bối cảnh phát triển vượt bậc của công nghệ Web3, phiên bản thế hệ tiếp theo của World Wide Web được phân cấp thông qua công nghệ blockchain.

Mạng lưới dịch vụ blockchain được nhà nước hỗ trợ (BSN) đã và đang lên kế hoạch để tách tiền mã hóa khỏi nền tảng của mình. Trong tháng này, BSN đã ra mắt Mạng Spartan, phân nhánh các blockchain phổ biến bao gồm Ethereum và Polygon Edge và cấm các token có thể thay thế được sử dụng cho tiền mã hóa.


Theo SCMP

Chia sẻ Facebook