Trung Quốc chỉ trích “cuộc hành quân về phía Đông” của NATO

Chia sẻ Facebook
13/07/2023 08:46:54

Các nhà lãnh đạo từ bốn quốc gia Ấn Độ  – Thái Bình Dương gồm Australia, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc đã gặp 31 thành viên của NATO tại thủ đô Vilnius của Litva vào ngày thứ hai của hội nghị thượng đỉnh thường niên của liên minh. Trung Quốc đã lên tiếng chỉ trích điều họ gọi là “cuộc hành quân về phía Đông” này.


Embed from Getty Images


Trước cuộc hội đàm, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết “trong môi trường an ninh quốc tế khắc nghiệt hiện nay, an ninh của châu Âu và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là không thể tách rời”.


“Nhật Bản và NATO chia sẻ sự hiểu biết rằng những nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực hoặc ép buộc sẽ không được dung thứ, bất kể ở đâu trên thế giới,” ông Kishida nói, vài giờ sau khi Triều Tiên bắn một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) được cho là về phía vùng biển Nhật Bản .


Một thỏa thuận hợp tác được ký bởi ông Kishida và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cam kết duy trì “tự do, dân chủ, nhân quyền và pháp quyền”, theo SCMP.


Theo quan hệ đối tác, Nhật bản và NATO sẽ tăng khả năng tương tác quốc phòng và cùng nhau hợp tác trong lĩnh vực phòng thủ mạng, “chống lại các hoạt động kết hợp bao gồm cả thông tin thù địch”, đồng thời hợp tác về các công nghệ đột phá và an ninh không gian.


Các quan chức Nhật Bản, phát biểu với điều kiện giấu tên, cho biết họ không từ bỏ hy vọng cuối cùng một văn phòng liên lạc của NATO sẽ được thành lập ở Tokyo, sau khi Pháp phủ quyết động thái này tại hội nghị thượng đỉnh Vilnius.


Tại một cuộc họp báo sau ngày thứ hai của hội nghị thượng đỉnh, Tổng thư ký NATO Stoltenberg xác nhận rằng ý tưởng này vẫn chưa chết. “ Điều đó sẽ được xem xét trong tương lai,” ông nói.


Một nhà ngoại giao phương Tây có liên quan đến NATO cho biết liên minh đã ưu tiên ký kết các thỏa thuận hợp tác với Nhật Bản và Hàn Quốc hơn là “văn phòng một người” ở Tokyo, sau khi Paris từ chối ký kết cả hai.


Không đề cập cụ thể đến Trung Quốc hay đề xuất thành lập văn phòng NATO ở Tokyo, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã chào mời sự tham gia của các nhà lãnh đạo Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và đưa ra một vài lời ám chỉ rõ ràng về Bắc Kinh trong bài phát biểu trước cử tọa tập trung tại một trường đại học ở Vilnius vào thứ Tư.


“Đối mặt với mối đe dọa đối với hòa bình và ổn định của thế giới, đối với các giá trị dân chủ mà chúng ta yêu quý, đối với chính sự tự do, chúng tôi đã làm những gì chúng tôi luôn làm,” ông Biden nói. “Mỹ tăng cường, NATO tăng cường và các đối tác của chúng tôi ở châu Âu cũng như Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cũng tăng cường”.


“Chúng tôi đang làm việc để tăng cường kết nối giữa các nền dân chủ ở Đại Tây Dương và Thái Bình Dương, để họ có thể hợp tác tốt hơn với nhau hướng tới các giá trị chung mà tất cả chúng ta đều tìm kiếm,” ông Biden nói, đồng thời cho biết thêm rằng sự thống nhất này có thể bảo vệ “các nguyên tắc như tự do hàng hải và hàng không, giữ gìn vùng biển và bầu trời chung mở ra để mọi quốc gia đều có quyền tiếp cận bình đẳng với không gian chung toàn cầu của chúng ta”.


Các cuộc đàm phán ở Vilnius diễn ra một ngày sau khi NATO công bố thông cáo chung của hội nghị thượng đỉnh hàng năm, trong đó chỉ trích “các chính sách cưỡng chế” và “quan hệ đối tác chiến lược ngày càng sâu sắc” của Trung Quốc với Nga.


Tuyên bố cáo buộc Bắc Kinh xây dựng sức mạnh quân sự một cách mờ ám, “khuếch đại câu chuyện sai sự thật của Nga” về cuộc chiến ở Ukraine và sử dụng sức mạnh kinh tế của mình để “tạo ra sự phụ thuộc chiến lược và tăng cường ảnh hưởng”.


Phát biểu hôm thứ Tư, ông Stoltenberg đã cảnh báo rằng “các chế độ độc tài đang xích lại gần nhau hơn… vì vậy chúng ta phải sát cánh cùng nhau vì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ”.


Bắc Kinh đã đáp trả bằng một phản ứng dài trong cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao hôm thứ Tư.

Người phát ngôn BNG Trung Quốc Uông Văn Bân (Ảnh: BNG Trung Quốc)


Người phát ngôn Bộ này Uông Văn Bân cho biết “thông cáo chung của hội nghị thượng đỉnh NATO lẫn lộn giữa đúng và sai, đổi trắng thay đen, và chứa đầy tư duy Chiến tranh Lạnh và thành kiến ý thức hệ, điều mà Trung Quốc kiên quyết phản đối”.


Ông Uông nói: “Mối quan hệ đang nở rộ với các đối tác ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương “sẽ chỉ khuấy động căng thẳng khu vực, gây ra đối đầu phe nhóm và thậm chí là một cuộc Chiến tranh Lạnh mới”.


Ông nói thêm: “Các nước châu Á-Thái Bình Dương không hoan nghênh nó và nhiều quốc gia NATO không ủng hộ việc ‘Châu Á-Thái Bình Dương hóa’ của NATO, và khu vực châu Á-Thái Bình Dương không cần một phiên bản NATO châu Á-Thái Bình Dương”.


“Chúng tôi kêu gọi NATO ngay lập tức ngừng xuyên tạc, bôi nhọ và bịa đặt những lời dối trá chống lại Trung Quốc, từ bỏ các khái niệm lỗi thời về tư duy Chiến tranh Lạnh và trò chơi có tổng bằng không, từ bỏ niềm tin sai lầm vào sức mạnh quân sự và theo đuổi an ninh tuyệt đối.”


Tuy nhiên, các nguồn tin từ một trong bốn đối tác của NATO ở châu Á-Thái Bình Dương cho biết hành vi “quân sự hóa” của Trung Quốc đã biện minh cho sự hiện diện của họ ở Litva. Một nguồn chỉ ra một cuộc xuất kích của 32 máy bay băng qua đường trung tuyến của eo biển Đài Loan vào đầu ngày thứ Tư như một ví dụ về hoạt động “gây mất ổn định”.


Cuộc tập trận đánh dấu nhiều máy bay chiến đấu nhất của Trung Quốc bay vào các khu vực nhạy cảm xung quanh hòn đảo kể từ tháng Tư, và diễn ra một ngày sau khi ông Stoltenberg cáo buộc Bắc Kinh “đe dọa Đài Loan”.


Trong khi đó, bên lề hội nghị thượng đỉnh, Ngoại trưởng Litva Gabrielius Landsbergis kêu gọi các đồng minh khác của Liên minh châu Âu và NATO củng cố lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc.


Xuân Lan (theo SCMP)

NATO chỉ trích Trung Quốc vì mối quan hệ với Nga và đe dọa với Đài Loan

NATO đã đưa ra lời chỉ trích mạnh mẽ nhất đối với Trung Quốc cho đến nay, đả kích “các chính sách cưỡng chế” và “quan hệ đối tác chiến lược ngày càng sâu sắc”…

Chia sẻ Facebook