Trung Quốc chi 270 triệu USD mua sắn và sản phẩm từ sắn của Việt Nam
2 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 599,93 nghìn tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, với trị giá 269,71 triệu USD.
Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn lớn nhất của Việt Nam
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tháng 2/2024, Việt Nam xuất khẩu được 217.030 tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, trị giá 96,27 triệu USD, giảm 48,7% về lượng và giảm 50,8% về trị giá so với tháng 1/2024; so với tháng 02/2023 giảm 53,6% về lượng và giảm 45,2% về trị giá.
Nguyên nhân giảm do tháng 02/2024 có thời gian nghỉ Tết cổ truyền của cả Việt Nam và Trung Quốc, nên hoạt động xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam bị ảnh hưởng.
Tháng 2/2024, giá xuất khẩu bình quân sắn và các sản phẩm từ sắn ở mức 443,6 USD/tấn, giảm 4,1% so với tháng 01/2024, nhưng tăng 18,1% so với tháng 02/2023.
Lũy kế 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam đạt 639.060 tấn, trị giá 291,51 triệu USD, giảm 9,1% về lượng, nhưng tăng 8,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Tính riêng mặt hàng sắn, tháng 02/2024, xuất khẩu sắn đạt 64.800 tấn, trị giá 16,52 triệu USD, giảm 14,9% về lượng và giảm 17,3% về trị giá so với tháng 01/2024; so với tháng 02/2023 giảm 65,6% về lượng và giảm 67,6% vềtrị giá.
Giá xuất khẩu bình quân ở mức 254,9 USD/tấn, giảm 2,9% so với tháng 01/2024 và giảm 5,7% so với tháng 02/2023.
Lũy kế 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu sắn đạt 140.920 tấn, trị giá 36,5 triệu USD, giảm 42,9% về lượng và giảm 44,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn lớn nhất của Việt Nam. Ảnh: Báo Thừa Thiên-Huế.
Theo Dân Việt , trong tháng 02/2024, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn lớn nhất của Việt Nam, chiếm 91,6% tổng lượng sắn xuất khẩu của cả nước, đạt 198.810 tấn, trị giá 86,12 triệu USD, giảm 50,5% về lượng và giảm 53,2% về trị giá so với tháng 01/2024; so với tháng 02/2023 giảm 54,5% về lượng và giảm 46,7% về trị giá.
Giá xuất khẩu bình quân sắn và các sản phẩm từ sắn sang Trung Quốc ở mức 433,2 USD/tấn, giảm 5,4% so với tháng 01/2024, nhưng tăng 17% so với tháng 02/2023.
Đáng chú ý, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn sang hầu hết các thị trường đều giảm, tuy nhiên xuất khẩu sang thị trường Malaysia vẫn tăng trưởng mạnh cả về lượng và trị giá, đạt 2.250 tấn, trị giá 1,2 triệu USD, tăng 99,1% về lượng và tăng 123,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Trong 2 tháng đầu năm 2024, thị trường Đài Loan (Trung Quốc) cũng có xu hướng tăng mua sắn và sản phẩm sắn của Việt Nam. Theo số liệu thống kê của Cơ quan Tài chính Đài Loan, trong 2 tháng đầu năm 2024, thị trường Đài Loan nhập khẩu 4,93 tấn sắn, trị giá 2.000 USD, giảm 28,3% về lượng và giảm 50% về trị giá so với cùng kỳnăm 2023.
Trong 2 tháng đầu năm 2024, thị trường Đài Loan nhập khẩu 56.030 tấn tinh bột sắn (HS110814), trị giá 31,9 triệu USD, tăng 17,4% về lượng và tăng 39,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Trong 2 tháng đầu năm 2024, Việt Nam là thị trường cung cấp tinh bột sắn lớn thứ 2 cho thị trường Đài Loan, đạt 7.970 tấn, trị giá 4,45 triệu USD, tăng 20,3% về lượng và tăng 45,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Thị phần tinh bột sắn của Việt Nam chiếm 14,23% trong tổng lượng nhập khẩu của thị trường Đài Loan, cao hơn so với mức 13,89% của 2 tháng đầu năm 2023. Trong khi đó, thị phần tinh bột sắn của Thái Lan chiếm 80,8%, cao hơn so với mức 78,43% của 2 tháng đầu năm 2023; thị phần tinh bột sắn của Lào chiếm 2,81%, cao hơn so với mức 2,19% của 2 tháng đầu năm 2023.
Giá tinh bột sắn xuất khẩu tăng nhẹ
Trong 10 ngày giữa tháng 3/2024, giá sắn củ tươi tại các tỉnh, thành phố trên cả nước có xu hướng giảm nhẹ so với cuối tháng trước. Một số nhà máy sắn tiếp tục điều chỉnh giảm giá thu mua nguyên liệu đầu vào để tránh rủi ro cho doanh nghiệp và tăng cường xuất khẩu theo đường biển để giảm áp lực tồn kho.
Trong khi đó, giá sắn lát có xu hướng tăng nhẹ trong bối cảnh nguồn cung không dồi dào. Thêm vào đó, các đơn vị xuất khẩu cũng giảm lượng hàng nhập kho trữ hàng, khi dự đoán thị trường sắn lát năm 2024 sẽ khó khăn khi giá ngô vẫn ở mức rất thấp.
Giá tinh bột sắn xuất khẩu cũng tăng nhẹ, nguồn cung tinh bột sắn cung cấp cho thị trường dự kiến sẽ giảm mạnh kể từ đầu tháng 4/2024 do nguồn cung không nhiều.
Báo Công Thương dẫn thông tin từ Hiệp hội sắn Việt Nam, giá sắn tươi mua xô trên địa bàn cả nước hiện duy trì ở mức 2.700 - 3.250 đồng/kg, giảm 50 - 100 đồng/kg so với cuối tháng 2/2024. Giá tinh bột sắn xuất khẩu đang được các nhà máy Việt Nam chào bán ở mức 535-555 USD/tấn FOB thành phố Hồ Chí Minh, tăng 5 USD/tấn so với cuối tháng 2/2024; Giá tinh bột sắn giao tại Móng Cái và Lạng Sơn ở mức 4.000 - 4.180 CNY/tấn DAF, giảm 20 CNY/tấn so với cuối tháng 2/2024.
Trong khi đó, giá xuất khẩu sắn lát ở mức 275 USD/tấn FOB Quy Nhơn (sang Trung Quốc) và 315 USD/tấn FOB Quy Nhơn (sang Hàn Quốc), tăng 5 USD/tấn so với cuối tháng 2/2024.
Hiện giá nguyên liệu sắn tại Tây Ninh đang cao, trong khi khách mua trả giá bột sắn thấp, đầu ra khó khăn khiến doanh nghiệp bị tồn kho lớn. Tây Ninh hiện có 68 nhà máy chế biến sắn với tổng công suất khoảng 6,4 triệu tấn củ/năm; trong đó có 6 nhà máy chế biến sâu (bột biến tính và mạch nha). Đây cũng là nguyên nhân giúp sắn có đầu ra ổn định. Vụ sắn của Campuchia còn 2 tháng nữa sẽ kết thúc, trong khi sắn ở Tây Ninh còn 3 tháng mới vào vụ thu hoạch, nên các doanh nghiệp đang mua sắn từ Campuchia để sản xuất.
Minh Hoa (t/h)