Trung Quốc cắt giảm lãi suất chủ chốt lần thứ 2 trong năm, khủng hoảng bất động sản
Ngày 15-8, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) bất ngờ cắt giảm lãi suất chủ chốt - lãi suất do ngân hàng trung ương đặt ra cho các ngân hàng lớn - nhằm phục hồi nhu cầu tín dụng, trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn.
Trong thông báo, PBoC giảm lãi suất chủ chốt từ 2,85% xuống 2,75% đối với các khoản vay trong khuôn khổ cơ chế cho vay trung hạn (MLF) kỳ hạn một năm, áp dụng với các ngân hàng lớn và "bơm" thêm 400 tỉ nhân dân tệ (59,33 tỉ USD) vào thị trường.
Ngoài ra, PBoC cũng giảm 10 điểm cơ bản của chi phí cho vay từ 2,10% xuống 2,00% cho các hợp đồng mua lại đảo ngược kỳ hạn 7 ngày.
Đây là lần thứ 2 trong năm nay PBoC cắt giảm lãi suất để phục hồi nhu cầu của người tiêu dùng. Trước đó, vào tháng 1 năm nay, PBoC đã giảm 10 điểm cơ bản, từ 3,8% xuống 3,7%, lãi suất cơ bản cho vay một năm. Lãi suất này ảnh hưởng đến lãi suất cho vay đối với các khoản vay của các hộ gia đình và doanh nghiệp trong nước.
Việc Trung Quốc giảm lãi suất chủ chốt lần 2 gây bất ngờ cho nhiều chuyên gia kinh tế. Trước đó, các nhà kinh tế được Hãng tin Bloomberg thăm dò ý kiến đều dự báo lãi suất cho vay trung hạn một năm của Trung Quốc sẽ không thay đổi.
Việc Trung Quốc vẫn duy trì chính sách chống dịch "Zero COVID" khiến việc duy trì tăng trưởng kinh tế trở nên khó khăn.
Bloomberg cho biết các số liệu bán lẻ, đầu tư và sản xuất công nghiệp đều không đạt được kỳ vọng theo ước tính của các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc.
Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc cho biết chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trong tháng 7 tăng trưởng 3,8%, thấp hơn mức 3,9% của tháng 6 và dưới mức dự báo 4.3% của các chuyên gia kinh tế.
Bên cạnh đó, doanh số bán lẻ tăng với tốc độ chậm hơn dự kiến với mức 2,7%. Các khoản đầu tư vào tài sản cố định đã tăng 5,7% trong 7 tháng đầu năm nay, cũng thấp hơn so với mức dự đoán là 6,2%.
Theo giới chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh các ngân hàng trung ương thế giới đang cố gắng nâng cao lãi suất để giảm nhu cầu người tiêu dùng, việc Trung Quốc giảm lãi suất sẽ giúp quốc gia này thu hút được các nguồn đầu tư nước ngoài, tăng trưởng xuất khẩu.
Tuy vậy, các chuyên gia kinh tế cũng cảnh báo rằng dưới áp lực của dòng vốn đầu tư nước ngoài đang chảy ra khỏi Trung Quốc, PBoC cần phải cẩn trọng với các chính sách lãi suất của mình nếu muốn tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ.
Mặc dù nhu cầu người tiêu dùng hiện tại ở Trung Quốc vẫn ở mức thấp, PBoC gần đây đã cảnh báo nguy cơ lạm phát gia tăng và nhấn mạnh tầm quan trọng trong việc ổn định giá cả.
Khủng hoảng bất động sản ở Trung Quốc
Các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc đã thiệt hại ít nhất 90 tỉ USD cổ phiếu và trái phiếu USD trong năm nay, giữa bối cảnh hiện tượng bong bóng nhà đất bùng nổ và cuộc khủng hoảng nợ ngày càng gia tăng.
Cuộc khủng hoảng bất động sản ở Trung Quốc đẩy cổ phiếu của các nhà phát triển nhà đất xuống mức chưa từng thấy trong một thập kỷ. Theo các nhà phân tích tại JPMorgan Chase & Co., doanh thu của các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc trong tháng 8-2022 có thể giảm 30% so với cùng kỳ năm trước.
Thị trường bất động sản ảm đạm hiện nay ở Trung Quốc cho thấy sự "chậm lại" của nền kinh tế Trung Quốc. Những dấu hiệu này cũng buộc giới chức trách Trung Quốc và PBoC phải có động thái can thiệp hợp lý.