Trung Quốc cấm ĐSQ nước ngoài dán các khẩu hiệu “tuyên truyền chính trị”

Chia sẻ Facebook
20/05/2023 03:08:43

ĐCSTQ đã thông báo cho các ĐSQ nước ngoài và tổ chức quốc tế tại Trung Quốc không trưng bày “tuyên truyền chính trị” trên các tòa nhà của họ.

Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã thông báo cho các đại sứ quán nước ngoài và tổ chức quốc tế tại Trung Quốc không trưng bày “tuyên truyền chính trị” trên các tòa nhà, công trình kiến trúc của họ. Các nhà ngoại giao cho biết yêu cầu này dường như nhằm vào các cơ quan đại diện nước ngoài treo cờ Ukraine kể từ khi Nga xâm lược Ukraine. Các nhà ngoại giao châu Âu cho biết họ sẽ không tuân theo yêu cầu của Trung Quốc.

Người phát ngôn BNG Trung Quốc Uông Văn Bân trong cuộc họp báo thường kỳ ở Bắc Kinh hôm 23/5/2022 (Ảnh: BNG Trung Quốc)


Nga phát động cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine vào tháng 2/2022, vấp phải sự lên án của cộng đồng quốc tế. Đồng thời, các nước cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với Ukraine dưới nhiều hình thức khác nhau. Tại Trung Quốc, một số đại sứ quán nước ngoài đã dán hoặc treo các áp phích có hình ảnh quốc kỳ Ukraine, một số có dòng chữ “Chúng tôi ủng hộ Ukraine” hoặc “Chúng tôi sát cánh với Ukraine” để bày tỏ tình đoàn kết với Ukraine chống lại sự xâm lược của Nga.

“Không nên sử dụng các bức tường bên ngoài của các công trình kiến trúc cho mục đích tuyên truyền chính trị hóa, để tránh gây ra tranh chấp giữa các quốc gia.”


Một bản sao của thông báo đã được Reuters đọc thấy. Thông báo được gửi tới “tất cả các đại sứ quán và văn phòng đại diện của các tổ chức quốc tế tại Trung Quốc”.


Mặc dù Bộ Ngoại giao ĐCSTQ không đề cập rõ ràng đến cờ Ukraine hoặc bất kỳ trưng bày “ tuyên truyền ” cụ thể nào, nhưng 4 nhà ngoại giao giấu tên nói với Reuters rằng nó rõ ràng có liên quan đến việc thể hiện sự đoàn kết với Ukraine.


Tại cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao ĐCSTQ, khi được hỏi về thông báo này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Uông Văn Bân cho biết, các đại sứ quán và văn phòng của các tổ chức quốc tế ở nước ngoài [tại Trung Quốc] có nghĩa vụ tôn trọng luật pháp và quy định của Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Uông không nói chi tiết về thông báo này.


Một nhân chứng của Reuters cho biết, vài tuần sau khi Nga xâm chiếm Ukraine, một tấm áp phích cờ Ukraine ở bên ngoài Đại sứ quán Canada đã bị bôi bẩn bằng những hình vẽ graffiti chống NATO.


Các sứ đoàn của Liên minh châu Âu, Anh, Đức và Ba Lan tại Bắc Kinh cũng trưng bày hình ảnh quốc kỳ Ukraine.


Các sứ đoàn này đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận của Reuters.


Kyodo News cũng nhận được thông tin này từ nhiều nguồn ngoại giao. Theo báo cáo, ĐCSTQ cũng nói trong thông báo gửi các đại sứ quán nước ngoài và các tổ chức quốc tế rằng mặc dù Trung Quốc tôn trọng quyền miễn trừ ngoại giao theo Công ước Viên về Quan hệ Ngoại giao, nhưng các đại sứ quán và các tổ chức quốc tế “có nghĩa vụ tuân thủ luật pháp và quy định của Trung Quốc”.


Kyodo News cho biết, động thái này của ĐCSTQ đã dấy lên sự phản đối mạnh mẽ từ các nhà ngoại giao ở châu Âu và các nước khác. Theo thông tin, chưa có đơn vị nào được thông báo đã gỡ bỏ các tấm áp phích liên quan.


Một nhà ngoại giao châu Âu chỉ trích lập trường của Bắc Kinh, nói rằng Trung Quốc (ĐCSTQ) không có lý do chính đáng để cản trở một quốc gia bày tỏ ý định của mình và họ sẽ không tuân theo thông báo.


Một mặt, ĐCSTQ kêu gọi hòa bình ở Ukraine, nhưng mặt khác, họ lại tránh coi chiến tranh Nga – Ukraine là một cuộc xâm lược của Nga, thay vào đó, ĐCSTQ lại hưởng ứng tuyên truyền chính thức của Nga và đổ lỗi cho Mỹ và NATO gây ra cuộc chiến, làm dấy lên sự chỉ trích từ các nước phương Tây.


Sau khi các nước phương Tây đưa ra các biện pháp trừng phạt toàn diện đối với Nga, ĐCSTQ đã tăng cường thương mại với Nga, cung cấp cho Nga một huyết mạch kinh tế.


Trung Quốc đã cử đặc phái viên Lý Huy (Li Hui) đến Ukraine, Nga, Ba Lan, Pháp và Đức vào thứ Hai để thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình ở Ukraine trong bối cảnh phương Tây lên án. Nhưng vì mối quan hệ thân thiết giữa Trung Quốc và Nga, khả năng đóng vai trò trung gian hòa giải của Bắc Kinh đã làm dấy lên nghi ngờ ở phương Tây.


CNBC đưa tin, ông Victor Cha (cựu cố vấn chính sách đối ngoại quốc gia, cựu Giám đốc phụ trách các vấn đề châu Á trong Hội đồng An ninh Quốc gia của Nhà Trắng) đã tham gia các cuộc đàm phán hạt nhân 6 bên do ĐCSTQ tạo điều kiện hơn một thập kỷ trước. Những người tham gia bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Nga, Bắc Triều Tiên, Hàn Quốc và Trung Quốc. Về vai trò trung gian hòa giải của Trung Quốc, ông Victor Cha nói, “nó chưa bao giờ thực sự khởi tác dụng”.


Ông cũng nói rằng chính sách ngoại giao của Trung Quốc được thiết kế để tránh rủi ro phát sinh, cách tiếp cận của Bắc Kinh đối với các cuộc đàm phán về Triều Tiên là mời tất cả các bên gặp mặt thay vì cố gắng định hình nội dung thực chất của các cuộc đàm phán.

Ông Victor Cha nói:

“Nếu bạn muốn trở thành một người hòa giải, bạn phải đặt cược nhiều hơn vào sự thành công của cuộc đàm phán, chứ không chỉ đơn giản là tạo ra một nơi để mọi người gặp gỡ hội đàm.”


Theo Trương Đình, Epoch Times

Truyền thông ĐCSTQ làm nổi bật bức tranh kinh tế tương phản giữa Đức và Trung Quốc

Truyền thông ĐCSTQ đăng bài tả tình hình nhộn nhịp của cảng Hamburg ở Đức, trái với hình ảnh container rỗng chất đống ở Trung Quốc.

Chia sẻ Facebook