Trung Quốc: Biểu tình phản đối Covid lan rộng, Tập Cận Bình đối mặt thách thức chưa từng có
Chủ tịch Tập Cận Bình và Đảng Cộng sản Trung Quốc đang đối diện với một thách thức chưa từng có khi người dân thể hiện sự bất mãn liên quan đến chính sách 'zero-Covid'.
28 tháng 11 2022
Ngày 27/11, các cuộc biểu tình chống các lệnh hạn chế Covid ở Trung Quốc đã bước sang đêm thứ hai và lan sang các thành phố lớn như Bắc Kinh.
Người biểu tình đã tập hợp ở thủ đô Bắc Kinh và trung tâm tài chính Thượng Hải, một số hô vang thông điệp yêu cầu Chủ tịch Tập Cận Bình, Đảng Cộng sản Trung Quốc phải từ chức. Hàng ngàn người đã tập hợp tại Thượng Hải vào cuối tuần qua.
Một người dân địa phương tên Frank Tsai nói với BBC, "Tôi chưa từng thấy các cuộc biểu tình có quy mô thế này tại Thượng Hải trong 15 năm qua tôi sống ở đây". Frank Tsai nói có "rất rất ít" cuộc biểu tình nhằm vào chính phủ.
Tại Bắc Kinh tối hôm qua 27/11, người biểu tình đã có cách đáp trả mỉa mai nhằm vào cảnh sát. Khi bị cảnh sát yêu cầu không được hô vang "Hãy chấm dứt phong toả" thì người biểu tình đáp lại "Muốn có thêm phong toả", "Muốn được test Covid thêm nữa".
Hiện theo chính sách 'zero-Covid' của Trung Quốc thì vẫn tiến hành xét nghiệm hàng loạt, người bị nhiễm Covid phải cách ly ở nhà hoặc cơ sở cách ly do chính phủ giám sát. Các trường học và doanh nghiệp phải đóng cửa nếu có ca nhiễm, tất cả cửa hàng cũng phải đóng cửa ngoại trừ cửa hàng bán thực phẩm.
Theo một chuyên gia nói với BBC, thì không thấy điểm kết thúc cho các lệnh hạn chế.
Giáo sư Rana Mitter, Giám đốc Trung tâm Trung Quốc tại Đại học Oxford nói rằng các lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc có thể chưa nhận ra được mức độ bất mãn của người dân liên quan đến các lệnh hạn chế Covid vì truyền thông và tự do ngôn luận bị hạn chế nghiêm ngặt.
Giáo sư Rana Mitter cho rằng "có thể có một lập luận là hoặc những người ở cấp độ đó không nhận ra được người dân bất mãn đến thế nào hoặc không thể tìm ra được cách giải quyết tốt nhất, xét về việc mở cửa hoặc sử dụng một chiến dịch vaccine khác".
Ông nói thêm là vấn đề khác mà Trung Quốc đối mặt là không có "một điểm kết thúc rõ ràng" về khi nào các lệnh hạn chế sẽ được dỡ bỏ và trở lại trạng thái bình thường - với một lý do là không nhập hoặc phê chuẩn vaccine mRNA, vốn được hầu hết các quốc gia Phương Tây sử dụng.
Theo Giáo sư Ranna Mitter thì loại vaccine mà Trung Quốc sử dụng ổn nhưng không hoạt động rất tốt, điều này có nghĩa lối thoát cho chính sách Covid không được xác định rõ ràng."
Người biểu tình Trung Quốc công khai đòi ông Tập Cận Bình từ chức do cách chống Covid
Thách thức rất lớn đối với giới lãnh đạo
Nguồn hình ảnh, Reuters
Chụp lại hình ảnh,
Người dân biểu tình tại Thượng Hải, sau trận hoả hoạn khiến 10 người thiệt mạng thành phố Urumqi
Phân tích của Stephen McDonell
Phóng viên BBC tại Bắc Kinh, Trung Quốc
Hành động phản kháng không phải bất thường tại Trung Quốc.
Trong những năm qua, sự bất mãn đã bùng phát liên quan đến các vấn đề, từ ô nhiễm độc hại đến chiếm đất trái phép, hay một người dân trong cộng đồng bị cảnh sát đối xử thậm tệ.
Nhưng lúc này thì có sự khác biệt.
Có một chủ đề thường trực trong tâm trí người dân Trung Quốc, và khi nhiều người ngày càng chán nản với điều này đã dẫn đến các cuộc phản đối chống những lệnh hạn chế liên quan đến chính sách 'zero-Covid' của chính phủ.
Sự phản đối xuất hiện dưới dạng người dân đạp đổ các rào chắn được dựng lên để tiến hành giãn cách xã hội, và hiện tại, các cuộc biểu tình lớn đã xảy ra trên đường phố tại những thành phố và tại các khuôn viên trường đại học trên khắp đất nước.
Nhìn theo một khía cạnh, thì thật khó khăn để lý giải sốc như thế nào khi nghe một đám đông tại Thượng Hải kêu gọi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phải từ chức.
Cực kỳ nguy hiểm khi công khai chỉ trích Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc. Bạn có nguy cơ bị bỏ tù.
Và họ xuất hiện trên một con đường ở thành phố Thượng Hải (Wulumuqi Lu), mang theo tên của thành phố tại Tân Cương, nơi xảy ra vụ hỏa hoạn khiến 10 cư dân thiệt mạng, và các lệnh hạn chế vì zero-Covid bị cho đã cản trở các nỗ lực cứu hộ.
Một người biểu tình hô vang: "Tập Cận Bình!"
Và hàng trăm người đáp tiếp: "Hãy từ chức đi!"
Tiếp tục lặp lại: "Tập Cận Bình! Hãy từ chức đi! Tập Cận Bình! Hãy từ chức đi!" Tiếng hô vang tiếp tục: "Đảng Cộng sản Trung Quốc! Hãy từ chức! Đảng Cộng sản Trung Quốc! Hãy từ chức!"
Đối với một tổ chức chính trị không có sự ưu tiên nào lớn hơn là vẫn tiếp tục nắm quyền, thì đây là một thách thức lớn.
Chính phủ Trung Quốc dường như đã đánh giá quá thấp sự bất mãn gia tăng đối với cách tiếp cận zero-Covid, một chính sách có liên quan đến Tập Cận Bình, người gần đây cam kết sẽ không thay đổi chính sách.
Và thêm nữa, không có lối ra dễ dàng cho Đảng Cộng sản Trung Quốc vốn dường như đã tự khiến mình rơi vào tình huống xấu.
Có ba năm để chuẩn bị việc mở cửa trở lại, nhưng thay vì xây dựng thêm các đơn vị chăm sóc tích cực ICU ở các bệnh viện, và nhấn mạnh đến nhu cầu tiêm vaccine, thì Trung Quốc lại đổ một nguồn lực khổng lồ vào công tác xét nghiệm hàng loạt, phong tỏa, và các cơ sở cách ly để thiết kế để chiến thắng một con virus sẽ không bao giờ biến mất.
Nguồn hình ảnh, Reuters
Chụp lại hình ảnh, Người dân biểu tình tại Thượng Hải ngày 27/11
Truyền thông nhà nước Trung Quốc cho đến nay không đề cập đến các cuộc biểu tình.
Tuy nhiên trang Hoàn cầu Thời báo (Global Times) đã đăng một bài viết nhắm đến truyền thông Phương Tây, với cáo buộc cho rằng đã châm ngòi thêm cho sự bất mãn liên quan đến chính sách zero-Covid của Trung Quốc.
Cụ thể, trích dẫn ý kiến của một chuyên gia từ Đại học Phúc Đán, bài viết nêu: “Dựa trên các sự khác biệt về hệ tư tưởng, hầu như đã trở thành bản chất của các quốc gia và truyền thông Phương Tây trong việc chỉ trích những chính phủ cộng sản với mục tiêu lật đổ [các chính phủ này] bằng những cuộc cách mạng màu”.
Nhưng một số người cũng diễn giải bài báo là một phản ứng không trực tiếp đến các cuộc biểu tình, và đồng thời bài báo trên Global Times cũng nêu, các chính sách Covid của Trung Quốc “không bao giờ tĩnh tại” mà “luôn luôn được điều chỉnh liên tục”.
Trang Tân Hoa Xã cũng nhấn mạnh đến nhu cầu ưu tiên phúc lợi cho người dân khi thực hiện các chính sách Covid, trong khi trang Nhân dân Nhật báo (China Daily) thì nói chính quyền địa Phương đang được hối thúc “để chỉnh sửa những sai lầm trong cách kiểm soát Covid”.
Tấm giấy trắng thành biểu tượng
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Chụp lại hình ảnh, Người biểu tình cầm giấy trắng tại Bắc Kinh
Tấm giấy trắng trở thành biểu tượng cho các cuộc biểu tình chống các lệnh hạn chế Covid tại Trung Quốc.
Hình ảnh và video trên mạng xã hội cho thấy sinh viên tại các trường đại học ở Nam Kinh và Bắc Kinh đã giơ cao các tấm giấy trắng trong cuộc biểu tình im lặng, một chiến thuật một phần nhằm tránh sự kiểm duyệt hay bị bắt giữ.
Tại sân trường đại học danh tiếng Thanh Hoa ở Bắc Kinh hôm Chủ nhật 27/11, cũng có cảnh người biểu tình cầm tờ giấy trắng.
"Tấm giấy trắng đại diện cho tất cả mọi thứ mà chúng tôi muốn nói nhưng không thể nói được", Johnny, 26 tuổi, một người tham gia biểu tình ở Bắc Kinh nói với Reuters .
Johnny nói, "Tôi đến đây để bày tỏ sự thành kính đối với những nạn nhân trong vụ hỏa hoạn, tôi thật sự hy vọng chúng tôi có thể chứng kiến những biện pháp chống Covid này chấm dứt. Chúng tôi muốn sống trở lại một cuộc sống bình thường. Chúng tôi muốn có danh dự."
Hôm thứ bảy 26/11, cũng có một video, tuy nhiên không thể kiểm chứng độc lập, được đó là cảnh một phụ nữ đứng trên bậc thềm tại Đại học Bưu chính Viễn thông Nam Kinh giơ cao tấm giấy trắng trước khi một người đàn ông không xác định danh tính bước vào và giật lấy.
Người đàn ông này sau đó chửi đám đồng biểu tình, "Một ngày kia các người sẽ trả giá tất cả cho những gì đã làm", trong một video mà Reuters xem được.
Và rồi đám đồng hét lại, "Nhà nước sẽ cũng phải trả giá cho những gì đã làm".
Vào năm 2020, tại Hong Kong, các nhà hoạt động cũng giơ cao tấm giấy trắng để tránh những slogan bị cấm theo Luật an ninh quốc gia mới. Những người biểu tình tại Moscow cũng đã sử dụng giấy trắng trong năm nay để phản đối cuộc chiến tranh của Nga nhằm vào Ukraine.
Trong khi đó trên Internet, một số người dùng đã bày tỏ sự đoàn kết bằng cách đăng tải những hình vuông trắng hoặc hình ảnh cầm những tờ giấy trắng trên WeChat hay Weibo.