Trung Quốc “ăn miếng trả miếng” trước các lệnh cấm chip của phương Tây

Chia sẻ Facebook
04/07/2023 10:29:54

Trung Quốc đã đặt ra các hạn chế xuất khẩu đối với 2 loại khoáng sản mà Mỹ cho là quan trọng đối với việc sản xuất chất bán dẫn, hệ thống tên lửa và pin mặt trời.

Bộ Thương mại Trung Quốc hôm 3/7 cho biết, 2 khoáng chất gali và germani cùng hơn 30 kim loại liên quan và các vật liệu khác (nguyên liệu chính để sản xuất chất bán dẫn và các thiết bị điện tử), sẽ chịu sự kiểm soát xuất khẩu bắt đầu từ ngày 1/8.


Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, việc kiểm soát xuất khẩu đối với các mặt hàng liên quan đến gali và germanium là cần thiết “để bảo vệ an ninh và lợi ích quốc gia”.

Các nhà xuất khẩu sẽ phải xin giấy phép từ bộ thương mại nếu họ muốn bắt đầu hoặc tiếp tục vận chuyển hàng hóa ra nước ngoài và sẽ phải báo cáo chi tiết về khách hàng ở nước ngoài, cũng như cách sử dụng các kim loại này.

Ngoài ra, việc xuất khẩu các mặt hàng có tác động đáng kể đến an ninh quốc gia được liệt kê trong thông báo của bộ này sẽ cần có sự chấp thuận từ Hội đồng Nhà nước - nội các của Trung Quốc.


“Đá vào lưới nhà”

Các hạn chế mới đối với gali và germani ảnh hưởng đến các kim loại đặc biệt được sản xuất và tinh chế chủ yếu ở Trung Quốc, giúp nước này có đòn bẩy trong một số lĩnh vực tiên tiến. Cả 2 kim loại này đều không được giao dịch với số lượng lớn, nhưng đều có những ứng dụng quan trọng đối với các ngành công nghiệp cụ thể, đặc biệt là sản xuất chất bán dẫn.

Cả gali và germani đều xuất hiện trong số 50 khoáng chất mà Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ đánh giá là “quan trọng”, nghĩa là chúng cần thiết cho nền kinh tế hoặc an ninh quốc gia của Mỹ và có chuỗi cung ứng dễ bị gián đoạn.

Theo cơ quan này, Trung Quốc là nhà sản xuất gali và germani hàng đầu thế giới, do đó, bất kỳ sự giảm sản lượng nào của nước này đều có khả năng làm chậm sản xuất hoặc tăng giá đối với các nhà sản xuất và khách hàng của họ trong lĩnh vực công nghệ, viễn thông, năng lượng và ô tô.

Gali được sử dụng trong chất bán dẫn hỗn hợp, giúp các thiết bị hoạt động nhanh hơn với mức tiêu thụ điện năng thấp hơn. Kim loại này cũng được sử dụng trong các thiết bị quân sự, giống như germani. Ảnh: Financial Times

Tuy nhiên, các kim loại này không đặc biệt hiếm hoặc khó tìm, mặc dù Trung Quốc đang bán ra với giá rẻ trong khi chi phí khai thác tương đối cao. Cả hai kim loại đều là sản phẩm phụ từ quá trình chế biến các mặt hàng khác như than đá và bauxite (chất cần thiết để sản xuất nhôm. Khi nguồn cung hạn chế đẩy giá lên cao, việc sản xuất các kim loại này ở nơi khác không phải là điều quá khó khăn.


“Khi họ ngừng giảm giá, việc khai thác những kim loại này ở phương Tây đột nhiên trở nên khả thi hơn, khi đó Trung Quốc lại đá phản lưới nhà”, theo ông Christopher Ecclestone, chiến lược gia tại ngân hàng đầu tư Hallgarten & Co. có trụ sở tại New York.

“Trong một thời gian ngắn, chúng sẽ có giá cao hơn, nhưng sau đó, Trung Quốc sẽ mất đi vị trí thống trị trên thị trường. Điều tương tự đã xảy ra trước đây đối với những thứ khác như antimon, vonfram và đất hiếm”, ông Ecclestone cho biết.


Một số công ty Trung Quốc cũng lo ngại rằng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu có thể phản tác dụng. “Nó có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các nhà sản xuất Trung Quốc trong thời kỳ suy thoái kinh tế, nhưng tác động hạn chế đến thị trường quốc tế trong ngắn hạn”, giám đốc một công ty vật liệu bán dẫn Trung Quốc cho biết.


“Ăn miếng trả miếng”

Quyết định của Trung Quốc được đưa ra sau khi Hà Lan công bố các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới đối với thiết bị sản xuất chip tiên tiến vào ngày 30/6, “tiếp sức” cho Washington trong nỗ lực hạn chế khả năng sản xuất chip của Trung Quốc.

Các công ty ở Hà Lan bao gồm ASML - một trong những nhà sản xuất máy móc bán dẫn quan trọng nhất thế giới - sẽ cần xin giấy phép xuất khẩu một số thiết bị sản xuất chất bán dẫn tiên tiến ra nước ngoài.

Các biện pháp kiểm soát của Hà Lan, trên danh nghĩa là “quốc gia trung lập”, sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/9.

Thông báo của Hà Lan được đưa ra ngay sau khi truyền thông đưa tin Mỹ đang xem xét các hạn chế mới nhằm ngăn chặn các công ty chip hàng đầu như Nvidia và AMD xuất khẩu chip trí tuệ nhân tạo (AI) sang Trung Quốc.

Trung Quốc cho biết đây là “sự lạm dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu và phá vỡ nghiêm trọng thương mại tự do và các quy tắc thương mại quốc tế”.

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, đặc biệt trong lĩnh vực chất bán dẫn, được cho là trọng tâm trong chuyến thăm Trung Quốc sắp tới của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen. Ảnh: NY Times

Phản ứng rõ ràng nhất của Bắc Kinh đối với các cuộc tấn công vào lĩnh vực công nghệ của họ cho đến nay là động thái cấm sử dụng các sản phẩm của nhà sản xuất chip nhớ Micron của Mỹ trong “cơ sở hạ tầng quan trọng của quốc gia” vào tháng 5, với lý do rủi ro an ninh.

Trung Quốc đang chiến đấu để giành quyền thống trị công nghệ trong mọi lĩnh vực, từ điện toán lượng tử đến trí tuệ nhân tạo và sản xuất chip. Mỹ đã thực hiện các biện pháp ngày càng khắt khe để ngăn Trung Quốc chiếm thế thượng phong, và kêu gọi các đồng minh ở châu Âu và châu Á làm điều tương tự.

Trước Hà Lan, Nhật Bản cũng đã đưa 23 vào danh sách yêu cầu có giấy phép xuất khẩu, trừ trường hợp xuất sang 42 quốc gia và vùng lãnh thổ được xác định là “thân thiện”.

Căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ ngày càng leo thang, khi mỗi bên ngày càng đưa ra nhiều biện pháp hạn chế xuất khẩu nhằm làm chậm các ngành công nghệ cao của bên còn lại.


Những biện pháp này đã trở thành chủ đề chính trong các cuộc đàm phán cấp cao giữa 2 chính phủ. Đây có khả năng cũng sẽ là chủ đề trong các cuộc thảo luận của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen trong chuyến thăm Bắc Kinh diễn ra tuần này .


Nguyễn Tuyết (Theo WSJ, Bloomberg, SCMP, Financial Times)

Chia sẻ Facebook