Trung Quốc: 900 triệu người nhiễm COVID, gần 10 triệu ca tái nhiễm

Chia sẻ Facebook
15/01/2023 13:16:26

Sau khi COVID-19 tái bùng phát ở Trung Quốc vào đầu tháng 12 năm ngoái, có dữ liệu cho thấy khoảng 900 triệu người Trung Quốc đã nhiễm virus. Nguồn tin cho thấy có nhiều người khỏi bệnh nhưng bị di chứng. Ngoài ra, có thể hơn 10 triệu người ở Trung Quốc đã bị tái nhiễm và không có thống kê con số tử vong.

Dịch bệnh ở Trung Quốc. (Ảnh chụp màn hình video)

Nghiên cứu: Khoảng 900 triệu người ở Đại Lục bị nhiễm COVID-19


Theo tờ Quan sát Kinh tế (The Economic Observer) của Trung Quốc, một báo cáo về tình hình lây nhiễm COVID-19 do nhóm của Phó giáo sư Ma Jingjing tại Viện Phát triển Quốc gia thuộc Đại học Bắc Kinh đã chỉ ra rằng tình hình dịch bệnh COVID-19 ở nhiều nơi tại Trung Quốc Đại Lục đạt đỉnh vào ngày 20/12 năm ngoái và “vượt đỉnh” vào cuối tháng 12. Tính đến ngày 11/1 năm nay, tỷ lệ lây nhiễm tích lũy của COVID-19 ở Trung Quốc Đại Lục đạt khoảng 64%, theo đó số người nhiễm tích lũy là khoảng 900 triệu người.


Trước đây khi có thông tin cho rằng tình hình dịch bệnh ở những nơi như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu… rất nghiêm trọng, thì bị nhà chức trách bác bỏ, cho biết xét về khác biệt lây nhiễm giữa các khu vực thì 3 tỉnh có tỷ lệ lây nhiễm tích lũy cao nhất trong đợt này đều ở khu vực phía tây, đó là 91% ở Cam Túc, 84% ở Vân Nam và 80% ở Thanh Hải. Tuy nhiên công luận có nhiều người không tán đồng quan điểm này.


Báo cáo cũng đề cập đến hầu hết những người nhiễm đợt dịch COVID-19 này ở Đại Lục được phỏng vấn đều có một hoặc nhiều triệu chứng như sốt, ho, khạc đờm, nghẹt mũi, sổ mũi, đau họng, thay đổi vị giác và khứu giác, tiêu chảy (phổ biến nhất là sốt với tỷ lệ tới 82%), khoảng một nửa số bệnh nhân cần 5 – 7 ngày để chuyển sang âm tính, và khoảng 20% ​​bệnh nhân mất nhiều thời gian hơn.

Mời xem thêm các bài về dịch bệnh ở Trung Quốc tại đây .

Di chứng sau khi phục hồi, nhiều người đột tử


Dư luận nhìn chung vẫn nghi ngờ báo cáo từ cơ quan chức năng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) công bố, nguyên nhân là do nhiều người nhiễm bệnh bị nghi ngờ để lại các di chứng như ho, tức ngực, nhịp tim không đều, đau đầu, mất ngủ… Vấn đề này không thấy giới chuyên môn của nhà chức trách giải thích rõ lý do.


Vào đầu năm nay, một số người ở Đại Lục đã phản ánh với Vision Times rằng sau khi khỏi COVID-19, họ đã bị những di chứng kỳ lạ như thỉnh thoảng ho không ngừng, đau đầu, cảm giác bị hụt hơi, đau ngực… đến bệnh viện để chụp X-quang cho thấy có nhiều chấm nhỏ trên phổi…


Một số người từ Đại Lục tiết lộ với Đài truyền hình NTD ở Mỹ rằng đã xảy ra những trường hợp người khỏi COVID-19 nhưng một thời gian sau lại đột tử, dù đa số trường hợp đột tử là nhóm người cao tuổi nhưng cũng có cả những người tuổi còn trẻ.

Số ca tái nhiễm đã trên 10 triệu


Không chỉ vậy, hiện tại Trung Quốc đã bùng phát đợt lây nhiễm COVID-19 thứ hai, theo đó số người tái nhiễm có thể đã vượt quá 10 triệu người.


Theo Đài Á châu Tự do (RFA) , một bác sĩ (giấu tên) ở Thạch Gia Trang tỉnh Hà Bắc tiết lộ rằng nhiều trường hợp nhiễm COVID-19 ở Bắc Kinh, Sơn Đông và Tứ Xuyên… đã tái nhiễm sau một tháng hồi phục và triệu chứng nặng rõ hơn.


Một nhân viên y tế khác từ một bệnh viện ở Thái Nguyên tỉnh Sơn Tây tiết lộ rằng chủng Omicron đột biến có nhiều loại, những người bị tái nhiễm thường bị một loại chủng khác và thực trạng lây nhiễm chủng khác này là vấn đề xác suất (tức chưa thể nắm rõ). Hơn nữa, cơ thể của người nhiễm lần đầu còn chưa hồi phục nên rất dễ bị virus tấn công trở lại.


Bác sĩ Chen tại Bệnh viện trực thuộc thứ hai của Đại học Y học cổ truyền Hồ Nam, cho biết người già có sức đề kháng yếu sẽ bị nặng hơn nếu bị tái nhiễm. Vì người già có nhiều bệnh nền như lượng đường trong máu cao, huyết áp cao, bệnh tim, bệnh thận, dãn phổi, hen suyễn… Sau khi Omicron thành chủng phổ biến thì tỷ lệ tái nhiễm tăng đáng kể, có số liệu chỉ ra trong số 3 triệu người từng nhiễm COVID-19 có khoảng 100.000 người tái nhiễm [Omicron] (khoảng 3%).


Nếu tính toán dựa trên số liệu khoảng 900 triệu người Trung Quốc nhiễm COVID-19 thì số trường hợp tái nhiễm sẽ trên 10 triệu. Vào đầu năm nay, Viện sĩ Zhang Boli của Học viện Kỹ thuật Trung Quốc và là chuyên gia về nội khoa của y học cổ truyền Trung Quốc, cũng đã công khai nhắc nhở hãy cẩn thận với nhiễm thứ phát.

Dữ liệu dịch bệnh của ĐCSTQ sai lệch nghiêm trọng


Theo dữ liệu của Airfinity, một công ty phân tích dữ liệu sức khỏe mang tính dự đoán có trụ sở tại Vương quốc Anh, đưa ra vào ngày 11/1 cho hay dịch COVID-19 ở Trung Quốc sẽ đối mặt với đỉnh điểm làn sóng đầu tiên vào ngày 13/1, theo đó số người nhiễm trong một ngày sẽ lên tới 3,7 triệu. Khoảng 10 ngày sau đỉnh dịch đầu tiên này ở Trung Quốc, số ca tử vong trong một ngày cũng sẽ đạt đến đỉnh điểm và khi đó mỗi ngày chịu khoảng 25.000 ca tử vong. Công ty Airfinity cũng dự đoán rằng tổng số người chết vì dịch bệnh ở Trung Quốc sẽ lên tới 1,7 triệu người vào cuối tháng Tư.


Về vấn đề này, Đài VOA Mỹ đã chỉ ra rằng các số liệu về dịch bệnh của ĐCSTQ đã bị báo cáo thấp hơn hoặc che giấu một cách nghiêm trọng.


Kể từ ngày 7/12 năm ngoái khi ĐCSTQ nới lỏng kiểm soát dịch bệnh, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) của ĐCSTQ đã thông báo trong 11 ngày liên tiếp không có ca tử vong mới nào. Sau đó một tháng là vào ngày 7/1, nhà chức trách công bố số người chết vì COVID-19 chỉ là 30 và chỉ khoảng 120.000 người nhiễm COVID-19.


Nhưng bức tranh đó không thể giải thích cho những hình ảnh vệ tinh do công ty vệ tinh Planet Labs của Mỹ thu được, theo đó cho thấy một số thành phố ở Trung Quốc vào cuối tháng 12 năm ngoái đã chứng kiển cảnh hàng dài xe cộ xếp hàng trước các nhà tang lễ. Không chỉ các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, nhiều gia đình của người quá cố ở các thành phố cấp 2, cấp 3, cấp 4 cũng cho biết các lò hỏa táng ở địa phương quá tải, bệnh viện quá tải.

The Washington Post: Ảnh vệ tinh tiết lộ tình hình dịch bệnh ở Trung Quốc


Bà Jennifer Bouey – nghiên cứu trưởng về chính sách Trung Quốc tại RAND Corporation – từng thẳng thắn nhận định tổng số người chết vì COVID-19 ở Trung Quốc trước tháng Tư liên quan làn sóng dịch bệnh này có thể trên 1,6 triệu người, tỷ lệ tử vong ở nông thôn có thể cao hơn ở thành thị do nhiều người cao tuổi sống ở khu vực nông thôn với hệ thống y tế yếu kém hơn.

Đỉnh cao COVID sẽ kéo dài 2–3 tháng nữa ở Trung Quốc


Nhưng ĐCSTQ không có giải thích cụ thể trước hàng loạt nghi vấn mà công luận đưa ra.


Tố Hi, Vision Times

“Cách mạng Giấy trắng” công bố Sách trắng: Người Trung Quốc ngày càng thức tỉnh

“Cách mạng Giấy trắng” đã công bố Sách trắng tổng kết thường niên, ghi lại các cuộc biểu tình diễn ra trên khắp Trung Quốc kể từ năm ngoái.

Chia sẻ Facebook