Trừng phạt tài phiệt Nga: 'Thỏ khôn có ba hang'
Cuối tháng 3, Ủy ban châu Âu công bố kế hoạch hành động 'Freeze and Seize' (đóng băng và tịch thu) để bảo đảm sự phối hợp ở cấp độ Liên minh châu Âu (EU) trong việc thực hiện các biện pháp trừng phạt chống lại các nhà tài phiệt Nga.
Các nước thành viên EU tích cực hưởng ứng kế hoạch này, song hiệu quả chưa được như mong muốn vì các nhà tài phiệt luôn tính trước nhiều đường để thoát hiểm như câu ngạn ngữ Trung Quốc: "Thỏ khôn có ba hang".
Như muối bỏ bể
Sau khi Nga đưa quân vào Ukraine, khối EU và các chính phủ Anh, Mỹ đã áp dụng các biện pháp trừng phạt nhắm vào các nhà tài phiệt được cho là thuộc phe nhóm của Tổng thống Putin nhằm đóng băng những mạch máu của nền kinh tế Nga như các ngành công nghệ, quốc phòng, năng lượng và các tổ chức tài chính.
Theo kế hoạch "Freeze and Seize", EU sẽ hoạt động cùng với các nước G7 là Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật, Anh, Mỹ nhằm cắt Nga khỏi các mạch tài chính của thế giới.
Tuần qua, Đan Mạch đã tịch thu 10.000 tấn thép được lưu trữ tại Đan Mạch của Công ty thép Sevarstal thuộc quyền sở hữu của Alexei Mordastjov - người được xem là giàu nhất nước Nga với tài sản 23,3 tỉ USD.
Đan Mạch cũng đã đóng băng khoảng 4,3 triệu USD của tỉ phú Andrey Igorevich Melnichenko - nhà sáng lập một trong những nhà sản xuất phân bón lớn nhất thế giới, Tập đoàn EuroChem, và là người đứng sau nhà cung cấp than Suek.
Sau khi Mordastjov bị khối EU đưa vào danh sách bị trừng phạt, du thuyền Lady M trị giá hơn 70 triệu USD của ông ta đã bị tịch thu tại Ý, nhưng ông này đã kịp đưa siêu du thuyền thứ hai của mình đến Vladivostok.
Theo thông tấn xã Tass, cả ông Melnichenko lẫn ông Mordastjov cho biết họ có nhiều liên hệ với chính quyền Matxcơva nhưng "không phải vì lý do chính trị".
Cả hai ông đều không cho rằng tác động của lệnh trừng phạt là đáng kể hay sẽ có ảnh hưởng tới cuộc chiến ở Ukraine. Rất dễ nhận thấy chuyện bị đóng băng vài triệu, thậm chí vài chục triệu USD, chẳng có ý nghĩa gì so với khoản tài sản khổng lồ của các tài phiệt Nga.
"Tài phiệt" dùng để chỉ những cá nhân cực giàu có và có những ảnh hưởng nhất định về mặt chính trị.
Sau khi Liên bang Xô viết tan rã vào năm 1991, tranh thủ quá trình tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước cũ, một số đã nắm được quyền kiểm soát các ngân hàng, nhà máy và tài nguyên thiên nhiên phong phú của đất nước.
Theo Cục Nghiên cứu kinh tế quốc gia (Mỹ), các tài phiệt Nga hiện kiểm soát khoảng 30% tài sản của quốc gia, phần lớn trong số đó được cất giữ ở nước ngoài.
Muôn vẻ cách né trừng phạt
Để đối phó với đòn trừng phạt từ phương Tây, các tài phiệt Nga có nhiều cách như chuyển tài sản đến những nước không áp dụng lệnh trừng phạt hay cất giấu trong các quỹ tín thác khó tiếp cận.
Một ví dụ điển hình là Anh đã áp lệnh trừng phạt ông chủ câu lạc bộ Chelsea Roman Abramovich vào ngày 10-3 vì có "mối liên hệ rõ ràng" với Tổng thống Putin và có cổ phần trong Công ty thép Evraz - công ty có thể cung cấp nguyên liệu cho quân đội Nga.
Nhưng theo Hãng tin Reuters, hai siêu du thuyền của Abramovich, trị giá hơn 1 tỉ USD, đã thong dong cập cảng phía nam Thổ Nhĩ Kỳ mà không gặp phải cản trở đáng kể nào.
Mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên NATO nhưng Ankara vẫn chống lại các lệnh trừng phạt vì lo nền kinh tế của mình bị tổn hại.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đã tuyên bố các nhà tài phiệt Nga "tất nhiên" được chào đón ở nước này và tự do kinh doanh tại đây theo luật pháp quốc tế.
Bên cạnh đó, phát ngôn viên của Alisher Usmanov - một trong những nhà tài phiệt "rất thân thiết" với ông Putin, người nắm giữ quyền kinh doanh tập đoàn sắt thép khổng lồ Metalloinvest của Nga và mạng di động MegaFon - từng tiết lộ với báo Guardian rằng hầu hết tài sản của ông Usmanov tại Vương quốc Anh "từ lâu đã được chuyển thành quỹ tín thác không thể thu hồi".
Sau khi hoàn tất việc chuyển nhượng, Usmanov không sở hữu khối tài sản trị giá hơn 3 tỉ USD và đã chuyển giao quyền thụ hưởng cho gia đình nên có thể bảo vệ tài sản trước các lệnh trừng phạt.
Bên cạnh đó, các thiên đường thuế toàn cầu cũng chính là thiên đường của các tài phiệt Nga. Tuần trước, Quốc hội Đan Mạch đã có buổi họp khẩn cấp về việc hạn chế khả năng mua tiền tệ và chứng khoán Đan Mạch của người Nga và người Belarus.
Nhưng theo nghị sĩ Lisbeth Bech-Nielsen, các tài phiệt Nga vẫn có thể lách lệnh trừng phạt thông qua các "thiên đường thuế" tại châu Âu hoặc trong các vùng lãnh thổ mang cờ châu Âu. Như vậy, họ vẫn có cách tiếp cận nguồn tiền cho dù có bị phong tỏa tại một số ngân hàng.
Ông Rasmus Corlin Christensen, Đại học kinh doanh CBS ở Copenhagen, cho biết có dấu hiệu cho thấy giới thượng lưu Nga đang sử dụng các thiên đường thuế ở mức độ lớn hơn so với phương Tây.
Sự thiếu minh bạch về quyền sở hữu ở các thiên đường thuế này sẽ gây khó khăn cho các lệnh trừng phạt tài chính áp với giới nhà giàu Nga.
Ông Christensen cho rằng nếu muốn tạo áp lực lên Nga thì cần có một giải pháp quốc tế với sự tham gia của 140 nước. Có lẽ vì thế nên phía Nga vẫn mạnh miệng tuyên bố họ không bị ảnh hưởng bởi các biện pháp cấm vận của các nước.
38 Trong số 38 nhà tài phiệt Nga bị khối EU, Mỹ và Anh áp trừng phạt, có những gương mặt nổi tiếng như ông Sergei S. Ivanov - giám đốc điều hành của Alrosa, một công ty khai thác kim cương chiếm 28% công suất khai thác kim cương của thế giới; ông Igor Sechin - giám đốc điều hành của Rosneft, một trong những công ty dầu mỏ lớn nhất thế giới; ông Andrey Kostin - chủ tịch Ngân hàng VTB, ngân hàng lớn thứ hai ở Nga và ông Alexei Miller - giám đốc điều hành của Công ty năng lượng Gazprom...
Vương quốc Anh đã công bố trừng phạt 2 đồng minh của Tổng thống Nga Vladimir Putin để đáp trả chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine. Mỹ cũng nhắm trừng phạt vào giới siêu giàu của Nga.