Trung lập có thể là giải pháp cho khủng hoảng Ukraine

Chia sẻ Facebook
28/03/2022 15:04:11

Trạng thái trung lập của Ukraine có thể giúp chấm dứt xung đột và kiến tạo hòa bình, song cần được đảm bảo bằng một hiệp ước quốc tế, theo đại tá Nguyễn Minh Tâm.


Trong cuộc trò chuyện với các nhà báo Nga qua video hôm 27/3, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho hay nước này sẵn sàng thảo luận về lập trường trung lập như một phần trong thỏa thuận hòa bình với Nga. "Chúng tôi đã sẵn sàng thực hiện các đảm bảo an ninh và tình trạng trung lập, phi hạt nhân hóa. Đây là điểm quan trọng nhất", ông nói.


Đại tá Nguyễn Minh Tâm, nguyên Giám đốc Trung tâm Tư liệu Khoa giáo, Học viện Chính trị Công an Nhân dân, người nhiều năm nghiên cứu về Nga và Đông Âu, nói với VnExpress rằng trung lập hóa Ukraine có thể là giải pháp tối ưu để đảm bảo hòa bình lâu dài ở Đông Âu nói riêng và châu Âu nói chung, bởi đây là "đáp số duy nhất có lợi cho tất cả".

Thiết giáp của lực lượng ly khai thân Nga tại Mariupol, Ukraine ngày 19/3. Ảnh: Reuters.

Trạng thái trung lập dài hạn của một quốc gia được thể hiện ở sự không liên minh, không liên kết hoặc trợ giúp quân sự cho bất cứ bên tham chiến nào. Khi áp dụng lập trường trung lập, Ukraine sẽ không thể gia nhập NATO, điều mà nước này từng thúc đẩy trong nhiều năm qua.

Với lựa chọn này, Ukraine sẽ tháo gỡ được nút thắt lớn nhất trong cuộc xung đột với Nga, bởi thiết lập trạng thái trung lập dài hạn ở Ukraine là một trong những mục đích của chiến dịch quân sự đặc biệt của Moskva, đại tá Tâm nhận định.


"Nga muốn thiết lập vành đai trung lập nằm giữa họ với các nước thành viên của NATO, trong đó Ukraine là trọng điểm", ông nói. "Do đó, Nga vận dụng Mục 5, Mục 13 của Công ước The Hague 1907 và điều 51 của Hiến chương Liên Hợp Quốc để yêu cầu trạng thái trung lập dài hạn cho Ukraine".

Chính phủ Nga cũng cho rằng Ukraine trung lập là cách để chấm dứt cuộc khủng hoảng hiện nay. "Đây là phương án đang được thảo luận và có thể được coi là một điểm nhất trí giữa hai bên", người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói hồi đầu tháng 3.


Theo Điều 51 của Hiến chương Liên Hợp Quốc, quy chế trung lập dài hạn của một quốc gia không làm mất đi quyền tự vệ của nước này. Mục 5 và Mục 13 Công ước The Hague 1907 quy định lãnh thổ các quốc gia trung lập là bất khả xâm phạm, cấm thiết lập căn cứ, triển khai lực lượng phục vụ các bên tham chiến. Các bên tham gia có nghĩa vụ tôn trọng quyền chủ quyền của chính quyền trung lập và không sử dụng bạo lực trong lãnh thổ trung lập.

Trạng thái trung lập có thể được đảm bảo bởi định ước quốc tế như mô hình của Thụy Sĩ và Áo, hoặc một quốc gia có thể tự tuyên bố trung lập dài hạn rồi đệ đơn đề nghị Đại hội đồng LHQ công nhận, như Cộng hòa Malta, Phần Lan, Ireland và Turkmenistan.


Trong một bài bình luận trên Channel News Asia , giáo sư Stefan Wolff, chuyên gia về an ninh quốc tế tại Đại học Birmingham, Anh, cho hay nhìn từ bài học của một số nước trong Chiến tranh Lạnh, trung lập có thể là một "giải pháp" cho khủng hoảng Ukraine.

Sau cuộc chiến tranh mùa đông 1939-1940, Phần Lan và Liên Xô ký hiệp ước hòa bình, cam kết không "tấn công lẫn nhau cũng như tham gia liên minh chống lại nhau". Hiệp ước hòa bình Paris 1947 không yêu cầu Phần Lan phải phi quân sự hóa, nhưng chỉ cho phép nước này duy trì lực lượng vũ trang "đủ đáp ứng yêu cầu trị an trong nước và phòng thủ biên giới".

Áo cũng thường được ca ngợi là một mô hình cho giải pháp. Sau Thế chiến II, lực lượng 4 quốc gia đồng minh gồm Mỹ, Liên Xô, Anh và Pháp đều được triển khai ở quốc gia này. Liên Xô sau đó đồng ý rút quân với điều kiện Áo phải cam kết "trung lập vĩnh viễn", điều được đưa vào hiến pháp nước này năm 1955.

Thụy Sĩ lại là quốc gia tự nguyện tuyên bố trung lập, duy trì trạng thái này trong hơn 200 năm. Kết quả là cả Phần Lan, Thụy Sĩ và Áo đều vượt qua thời kỳ căng thẳng cao độ giữa các siêu cường trong Chiến tranh Lạnh, đồng thời tập trung phát triển kinh tế và củng cố các định chế dân chủ.

Ukraine từng tuyên bố trung lập từ năm 1991, khẳng định quốc gia này sẽ trở thành một "nhà nước trung lập vĩnh viễn không tham gia bất cứ khối quân sự nào". Tuyên bố này được củng cố khi quốc hội Ukraine tháng 6/2010 thông qua đạo luật cấm Ukraine gia nhập các liên minh quân sự.

Tuy nhiên, sau chính biến Maidan lật đổ tổng thống Viktor Yanukovych năm 2014, Ukraine bắt đầu từ bỏ trạng thái trung lập. Tổng thống Petro Poroshenko cuối năm 2014 ký đạo luật từ bỏ trạng thái "không tham gia liên minh quân sự". Năm 2019, Ukraine thay đổi hiến pháp, bổ sung điều khoản quy định Ukraine sẽ trở thành thành viên NATO và EU.

Phái đoàn Nga (phải) và Ukraine (trái) trong vòng đàm phán thứ ba tại Belarus ngày 7/3. Ảnh: BNG Belarus.

Từ thực tế này, đại tá Tâm cho rằng để đảm bảo một Ukraine trung lập lâu dài, hòa bình bền vững thì trạng thái trung lập đó phải được xác định bằng một hiệp ước quốc tế đa phương và được công nhận dưới sự bảo trợ của LHQ để ngăn tình trạng tự tuyên bố trung lập rồi từ bỏ.

Ông giải thích rằng một quốc gia chỉ có trạng thái trung lập khi được cộng đồng quốc tế đảm bảo an ninh, trong đó có các quốc gia đối địch nhau, chứ không chỉ từ một phía. Do đó, nếu chỉ một trong hai bên là phương Tây hoặc Nga đảm bảo an ninh cho Ukraine sau khi tuyên bố trạng thái trung lập, xung đột chắc chắn tiếp tục xảy ra.

"Hình mẫu trung lập phù hợp nhất đối với Ukraine là Áo và Thụy Sĩ. Điều này có nghĩa quy chế trung lập của Ukraine được quốc tế bảo trợ bằng định ước có tính ràng buộc với chế tài cụ thể để chống hành vi vi phạm từ bên ngoài lẫn bên trong", ông Tâm nhấn mạnh.


Nguyễn Tiến

Chia sẻ Facebook