Trùng hợp ngẫu nhiên: G7 và khối Ả Rập họp thượng đỉnh cùng một ngày

Chia sẻ Facebook
15/05/2023 16:15:36

Ngày 19/5 sẽ diễn ra cùng lúc Hội nghị Thượng đỉnh Liên đoàn Ả Rập và Hội nghị Thượng đỉnh G7, nơi các vấn đề về Syria, Sudan, Trung Quốc, Nga… được đem ra bàn thảo.


Thế giới đang trải qua những biến động phức tạp với tác động lan tỏa. Những sự kiện như Hội nghị Thượng đỉnh tiếp tục đóng một vai trò không thể thiếu trong việc thúc đẩy và điều phối các cam kết nhằm phát triển trong một thế giới ngày càng phân cực.

Ả Rập Xê-út sẽ đăng cai tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Liên đoàn Ả Rập tại thành phố Jeddah bên bờ Biển Đỏ trong bối cảnh khối Ả Rập đang trải qua một cuộc tái cấu trúc lớn.

Ở thành phố Hiroshima – cách Jeddah gần 9.000 km theo đường chim bay, Nhật Bản sẽ tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh G7, với trọng tâm là Trung Quốc và Nga, đặc biệt là trong bối cảnh cuộc xung đột ở Ukraine đang bước sang giai đoạn mới.


Vấn đề Syria

Hội nghị Thượng đỉnh ở Jeddah sẽ đánh dấu sự khởi đầu của nhiệm kỳ Chủ tịch kéo dài một năm của Ả Rập Xê-út tại Liên đoàn Ả Rập, với những kỳ vọng xoay quanh các kế hoạch của ban lãnh đạo. Màn mở đầu chắc chắn sẽ thu hút nhiều sự tò mò của giới truyền thông, khi Syria trở lại Liên đoàn Ả Rập sau 12 năm bị đình chỉ.

Sự chào đón dành cho Tổng thống Syria Bashar al-Assad và tái hòa nhập đất nước ông là có điều kiện, phụ thuộc vào cách nhà lãnh đạo Syria thực hiện tất cả những lời hứa của mình, bao gồm chấm dứt vấn nạn buôn bán ma túy và tiến hành các bước cụ thể hướng tới một hiến pháp mới dựa trên các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (UNSC).

Tổng thống Syria Bashar al-Assad (phải) gặp Đại sứ Ả Rập Xê-út tại Jordan Nayef bin Bandar Al Sudairi tại Damacus, Syria, ngày 11/5/2023. Đại sứ Al Sudairi đã chuyển tới tay ông al-Assad thư mời tham dự Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 32 của Liên đoàn Ả Rập, được tổ chức ở Jeddah, Ả Rập Xê-út, vào ngày 19/5/2023. Ảnh: Al Mayadeen

Thời gian sẽ thử thách những ý định của ông al-Assad, đặc biệt là khi việc mời lãnh đạo Syria tới hội nghị ở Jeddah gặp phải một số trở ngại – chẳng hạn như nguy cơ vi phạm các quy định của Mỹ. Nhưng mục đích của các quốc gia Ả Rập không phải là lách luật, mà là phối hợp các nỗ lực với Washington.

Chính quyền Biden dường như không mấy khó chịu về việc thúc đẩy tái hòa nhập Syria vào thế giới Ả Rập hoặc hướng tới việc tìm kiếm sự miễn trừ khỏi “Đạo luật Caesar” (cho phép Mỹ trừng phạt bất cứ công ty nước ngoài nào tham gia các lĩnh vực năng lượng, xây dựng và kỹ thuật của Syria cũng như bất cứ tổ chức, cá nhân nào hỗ trợ tài chính cho chính quyền Damascus).

Tuy nhiên, các thành viên Đảng Cộng hòa tại Quốc hội Mỹ sẽ không im lặng trước vấn đề này, nhất là khi chu kỳ bầu cử tiếp theo ở Mỹ đang đến gần. Mặc dù vậy, họ đang sẵn sàng trao cho Ả Rập Xê-út cơ hội thực hiện chính sách ngăn chặn đối với Iran và Syria thông qua việc lôi kéo thay vì đe dọa.

Mỹ đang khuyến khích vai trò của Ả Rập Xê-út trong việc làm dịu căng thẳng và tìm giải pháp cho các vấn đề của khu vực, từ Sudan đến Lebanon. Một quan chức vùng Vịnh đã mô tả Ả Rập Xê-út là một trung gian hòa giải có thể được sử dụng để giải quyết các vấn đề và xung đột khác nhau.


Những “điểm nóng”


Trong nhiệm kỳ Chủ tịch Liên đoàn Ả Rập lần này, Ả Rập Xê-út được cho là có vai trò quan trọng trong việc dẫn dắt khu vực, đặc biệt là trong bối cảnh sự bất ổn ngày càng gia tăng trên khắp Bắc Phi. Điều này cũng rất quan trọng trong bối ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực đang giảm dần và khoảng trống của Nga do Moscow còn đang bận tâm hơn đến chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Các vấn đề kinh tế và phát triển chắc chắn sẽ được thảo luận tại Hội nghị Thượng đỉnh Liên đoàn Ả Rập vào ngày 19/5 tới, nhưng vấn đề ở những “điểm nóng” khác trong khu vực tất nhiên là không thể bỏ qua.

Ví dụ, hồ sơ Lebanon dự kiến sẽ được đưa vào chương trình nghị sự, mặc dù với cách tiếp cận thận trọng để hỗ trợ một giải pháp thỏa hiệp chấp nhận được đối với Ả Rập Xê-út.

Vấn đề Palestine vẫn là một trụ cột hiện diện mạnh mẽ trong tất cả các Hội nghị Thượng đỉnh của khối Ả Rập. Hội nghị Thượng đỉnh sắp tới sẽ được tổ chức vào thời điểm mà Palestine phải đối mặt với những thách thức lớn do sự lên nắm quyền của một chính phủ Israel cánh hữu vốn không tin vào giải pháp hai nhà nước.

Bản đồ khu vực Trung Đông - Bắc Phi (MENA). Ảnh: NCUSAR

Iraq cũng vẫn là một vấn đề quan trọng, vì các nước Ả Rập dự kiến sẽ thể hiện sự ủng hộ của họ đối với Thủ tướng Mohammed Shia Al Sudani – và giúp củng cố vị thế của ông nhằm làm suy yếu ảnh hưởng của Iran đối với đất nước.

Chấm dứt cuộc khủng hoảng đáng tiếc nổ ra ở Sudan, một quốc gia Ả Rập quan trọng do vị trí, di sản lịch sử và dân số của nó, là ưu tiên hàng đầu. Điều này có tầm quan trọng đặc biệt to lớn đối với giới lãnh đạo Ả Rập Xê-út, quốc gia nằm ở bên kia bờ Biển Đỏ so với Sudan.

Yemen cũng sẽ nằm trong chương trình nghị sự, khi cuộc xung đột hướng tới một giải pháp khả thi, nhờ vào thỏa thuận bình thường hóa giữa Ả Rập Xê-út và Iran do Trung Quốc làm trung gian và kết quả của nó. Ngày nay, Riyadh đang đóng vai trò trung gian hòa giải giữa các phe phái ở Yemen và họ hy vọng Tehran sẽ tiếp tục gây áp lực lên lực lượng Houthi để họ chấp nhận một thỏa hiệp lâu dài.

Ả Rập Xê-út đang tìm cách trút bỏ gánh nặng Yemen để tập trung vào các dự án lớn, tầm nhìn và vai trò lãnh đạo khu vực. Hội nghị Thượng đỉnh Liên đoàn Ả Rập mang đến một cơ hội quan trọng để đạt được những tham vọng này, có khả năng đóng vai trò là bệ phóng cho một kỷ nguyên mới ở khu vực Ả Rập.


Đối trọng với Trung Quốc và Nga

Trong khi đó, thành phố Hiroshima của Nhật Bản sẽ là nơi diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh G7 năm nay.

Khai mạc vào ngày 19/5 và kéo dài đến ngày 21/5, hội nghị quy tụ lãnh đạo của 7 nền kinh tế lớn nhất thế giới: Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Anh và Mỹ. Trọng tâm sẽ là Trung Quốc và Nga – hai quốc gia đã tuyên bố quan hệ hợp tác không giới hạn và là thành viên chủ chốt của nhóm BRICS đóng vai trò là đối trọng của G7.

Nga vẫn đang tiến hành “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine. Cuộc chiến được cho là đã bước sang một giai đoạn mới quan trọng, với việc Anh cung cấp tên lửa tầm xa với phạm vi hoạt động trên 250 km, có khả năng tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.

Điều này làm dấy lên suy đoán rằng Moscow có thể đáp trả bằng các cuộc tấn công phủ đầu nhắm vào các trung tâm vận chuyển vũ khí của phương Tây cho Ukraine ở biên giới với Ba Lan. Trong khi chính quyền Biden đã quy định các điều kiện để chuyển giao tên lửa tầm xa cho Kiev – cấm sử dụng chúng nhằm vào lãnh thổ Nga – Vương quốc Anh đã không tìm kiếm sự đảm bảo như vậy.

Theo tập đoàn vũ khí châu Âu MBDA, tên lửa Storm Shadow mà Vương quốc Anh chuyển giao cho Ukraine có tầm bắn vượt quá 250 km. Ảnh: The Guardian

Trong khi các nước châu Âu về cơ bản ủng hộ Ukraine, vẫn có sự chia rẽ giữa họ. Một số hoan nghênh vai trò của Trung Quốc trong việc tìm cách chấm dứt cuộc xung đột và bắt đầu đàm phán, trong khi một số khác bày tỏ do dự.

Chính quyền Biden thận trọng về việc châu Âu chấp nhận các đề xuất của Trung Quốc, nhưng Washington nhận thức được mong muốn của châu Âu là tránh các vấn đề với Trung Quốc trong khi lo sợ áp lực từ Mỹ.


EU đang chuẩn bị vòng trừng phạt thứ 11 nhằm vào Nga , bao gồm việc trừng phạt các công ty Trung Quốc được cho là hỗ trợ Nga. Đòn trừng phạt này có thể tạo ra một cuộc khủng hoảng mới, với việc các nước châu Âu rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, nếu điều này gây ra phản ứng kinh tế nghiêm trọng của Trung Quốc đối với họ.

Mỹ cũng đang đề xuất hạn chế đầu tư vào các bộ phận quan trọng của nền kinh tế Trung Quốc, và hy vọng sẽ nhận được sự tán thành của các đồng minh tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 vào ngày 19/5 tới.


Biện pháp này sẽ đánh dấu một giai đoạn mới trong cuộc cạnh tranh kinh tế kéo dài nhiều năm giữa hai siêu cường hàng đầu thế giới. Do đó, Hội nghị Thượng đỉnh sắp tới của các nước giàu ở Hiroshima sẽ được theo dõi vô cùng chặt chẽ .


Minh Đức (Theo The National News, Arab News)

Chia sẻ Facebook